Thêm sức bật cho du lịch Nam Trung Bộ
Cảnh quan của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa hiện nay. Ảnh: TTH
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã được công nhận tổng cộng 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia. Trong đó, có những khu dự trữ sinh quyển sau khi được công nhận danh hiệu này trở nên nổi tiếng thế giới, phát huy giá trị vượt trội, tốc độ phát triển cũng nhanh hơn gấp nhiều lần. Không chỉ dự trữ sinh quyển cho nhân loại, đây được xem là các khu vực dự trữ nguồn sống, dự trữ cả tương lai sinh tồn và sự phát triển cho quốc gia sở hữu nó. Cát Bà (Hải Phòng) là một ví dụ nổi bật khi khu vực này liên tục bứt phá nhiều dấu mốc mới trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tiêu chí đầu tiên của một khu dự trữ sinh quyển là phải có được diện tích phù hợp để đáp ứng 3 chức năng quan trọng: Góp phần bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, loài và giống; hỗ trợ phát triển kinh tế và con người theo cách bền vững về văn hóa, xã hội và sinh thái. Cuối cùng là phải có khả năng hỗ trợ các dự án trình diễn, giáo dục môi trường, nghiên cứu giám sát về các vấn đề bảo tồn, phát triển bền vững các cấp độ địa phương, vùng, quốc gia cũng như toàn cầu.
Khu vực Núi Chúa của Ninh Thuận đặc biệt ở chỗ đây là một vùng địa hình thấp, ven biển thuộc tiểu vùng khí hậu khô hạn nhất Việt Nam. Nơi này có trên 300 ngày nắng trong một năm, lượng mưa trung bình tương đối ít trong một đất nước nhiệt đới gió mùa. Vì vậy, hệ thực vật Núi Chúa rất đặc trưng gồm đá sa thạch già, núi thoải, cây bụi gai rất nhiều để tiết chế mất nước với hệ động thực vật đặc trưng riêng. Núi Chúa là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á và là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu được lựa chọn là vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất trong tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất. Trong khu vực này còn có một bãi biển dài là bãi rùa biển đẻ đã được bảo tồn lâu nay.
Đặc biệt, trong lòng Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa vẫn còn cộng đồng người dân tộc Raglai chia làm nhiều thôn sống xen kẽ và hòa hợp với thiên nhiên. Họ được các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước hỗ trợ về sinh kế để giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời nâng cao đời sống và quan trọng là không phải di dời đi đâu, tôn trọng yếu tố lịch sử địa lý để lại nhằm giữ lại điều kiện sống cũng như văn hóa gốc còn lại.
Phía giáp biển của Vườn Quốc gia Núi Chúa được xây mới một con đường ven biển lượn vòng cung theo địa hình, tuyệt đẹp để du ngoạn với một bên là biển, một bên là rừng. Đây cũng là con đường nối tour du lịch trọng điểm của Ninh Thuận gồm tham quan Vườn Quốc gia Núi Chúa, thăm Hang Rái và vườn nho, bãi rùa đẻ, lặn biển ngắm san hô, giao tiếp với dân tộc Raglai. Khu vực này thực sự giàu tiềm năng và tài nguyên, trước mắt cũng như lâu dài cho du lịch.
Kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng người Raglai vẫn là một ẩn số thu hút khách du lịch đến khám phá. Hiện nay, người Raglai cũng đã tái tạo được một số nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng và nguyên vật liệu thiên nhiên. Họ nhận thức đầy đủ không còn phá rừng và khai thác sản vật bừa bãi, thích ứng với cuộc sống mà chính họ là chủ thể bảo vệ môi sinh.
Khu dự trữ sinh quyển vốn là những mô hình trình diễn của quốc gia, khu vực về phát triển bền vững và thực sự cũng là thách thức của các địa phương. Điều này rất quan trọng bởi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thì đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương dưới sự giúp đỡ của các tổ chức bảo vệ thiên nhiên cũng đã chuẩn bị nhiều phương án bảo tồn phù hợp. Mô hình thích hợp nhất là vừa bảo vệ môi trường, vừa khai thác để phát triển. Danh hiệu khu dự trữ sinh quyển phù hợp với xu hướng du lịch hiện đại. Nhưng danh hiệu có tính chất toàn cầu này cũng chỉ là lớp phủ đối với các khu vực đã có nền tảng về bảo vệ môi trường trước đó. Quyền con người và sinh quyển thuộc về việc ra các chính sách bảo vệ và phát triển của các quốc gia sở hữu hệ sinh thái đó.
Vườn Quốc gia Núi Chúa vẫn giữ nguyên giá trị trên cơ sở khu dự trữ sinh quyển sẽ bao phủ rộng hơn, với tổng diện tích khoảng trên 100 ngàn ha. Nhìn lại quá trình phát triển, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có thể cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các giải pháp giải quyết một trong những thách thức quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt. Sự nỗ lực để cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội và giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu như nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu. Trở thành khu dự trữ sinh quyển đồng nghĩa với một cơ hội mới về du lịch sẽ mở ra.
Khi Núi Chúa đứng vào mắt xích của Mạng lưới dự trữ sinh quyển toàn cầu, lợi thế của địa phương và cả vùng Nam Trung Bộ sẽ phụ thuộc vào sức bật của khu vực này. Chính vì Núi Chúa đã từng trải qua các thời kỳ va chạm với sự phát triển ngoài kiểm soát nên nhiều biến đổi về môi trường đã mất đi và đang trong quá trình tái tạo lại. Chính người dân đã tham gia vào các tổ tự quản để bảo vệ rùa biển, cũng bỏ thói quen vét sạch sản vật của rừng và của biển. Tỉ lệ rùa biển lên bãi đẻ rồi an toàn trở về biển phần nhiều có “bà đỡ” chính là những người dân trong khu vực. Họ lựa những đêm tối có thể rùa lên bãi để tới giúp chúng đẻ trứng, đưa trứng và rùa con trở lại biển. Khách du lịch được chính những người dân tuyên truyền, giáo dục về môi trường, giữ nguyên vẹn cảnh quan mặc dù những dịch vụ du lịch ngày càng nhiều lên, áp lực dịch vụ tăng lên nhưng ý thức giữ gìn môi trường cũng tăng lên theo.
Và như vậy, tương lai của Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa sẽ là khách du lịch được hưởng trọn vẹn các giá trị, từ giá trị cảnh quan tới giá trị văn hóa địa phương.
Thúy Hằng