Hoạt động của ngành

Đắk Lắk: Làm du lịch gắn với văn hóa bản địa

Cập nhật: 06/10/2021 15:39:45
Số lần đọc: 823
Vị trí địa lý thuận lợi cùng những giá trị và bản sắc văn hóa lâu đời của dân cư bản địa khiến huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách gần xa. Mong muốn giới thiệu vùng đất, con người, đặc biệt là văn hóa M'nông đến với du khách trong và ngoài nước, nhiều thanh niên địa phương đã nhanh nhạy làm du lịch gắn với văn hóa truyền thống.


Không đâu đẹp bằng quê hương

Anh Y Lâm Đăng Bing (SN 1992) ở buôn Lê (thị trấn Liên Sơn) từ nhỏ đã thích làm phim, nhưng lại theo học một ngành khác vì không được sự ủng hộ của gia đình.

Năm 2013 đang là sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, anh đã xuất sắc đoạt giải Nhất Cuộc thi làm phim về chủ đề “Tôi yêu nước sạch” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Đoạn phim ngắn chỉ 2 phút được quay bằng máy ảnh du lịch nhưng đã vượt qua hơn 100 đội thi, trong đó có cả những nhà làm phim chuyên nghiệp với máy móc hiện đại. Kết quả này giúp anh tự tin hơn với đam mê, ấp ủ hy vọng làm phim về văn hóa, con người M’nông, vùng đất nơi anh sinh ra.

Dệt thổ cẩm và tạc tượng tại nhà anh Y Lâm Đăng Bing (thị trấn Liên Sơn) để khách du lịch tham quan.

Y Lâm Đăng xuống TP. Hồ Chí Minh học làm phim, lăn lộn với đoàn phim từ việc vác máy quay, chỉnh ánh sáng, đẩy xe… Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, anh vào làm ở các công ty truyền thông lớn với mức lương cao. Anh trở thành đạo diễn “triệu like” của nhiều phim ngắn đậm chất Tây Nguyên, như: Biệt đội chuối, Thanh niên không tiền… Anh đi du lịch khắp nơi tìm hiểu thêm về văn hóa, chụp ảnh làm giàu thêm tư liệu sống. Tha thiết với văn hóa vùng đất quê hương, dù đi làm xa nhưng năm 2019, anh vẫn tìm nghệ nhân cồng chiêng truyền dạy 3 đội cồng chiêng tại địa phương.

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 xảy ra, Y Lâm Đăng đã có kỳ nghỉ 2 - 3 tháng tại gia đình với những ấp ủ mới. Anh quyết định xin nghỉ việc về quê làm du lịch và làm phim. "Sau nhiều chuyến đi du lịch đây đó, bươn chải khắp phố thị ồn ào tôi nhận thấy không đâu đẹp bằng quê hương  mình!", anh  Y Lâm Đăng trò chuyện.

Anh xây dựng một căn nhà sàn M’nông làm nơi lưu trú, phục vụ du khách những món ăn dân dã của người M’nông. Mỗi ngày, người dân sinh sống quanh hồ Lắk đánh bắt được sản vật gì anh thu mua hết về chế biến món ăn phục vụ khách du lịch. Đến đây, du khách còn được quan sát, tìm hiểu, trải nghiệm dệt thổ cẩm M'nông, xem biểu diễn cồng chiêng, tạc tượng.

Anh Y Lâm Đăng còn kết nối với hai thanh niên am hiểu biết về văn hóa truyền thống M'nông đang làm du lịch nhỏ lẻ tại địa phương để xây dựng tour du lịch khám phá, trải nghiệm thêm phong phú. Một thanh niên mở tour leo núi, khám phá danh lam thắng cảnh huyện Lắk, còn một người hỗ trợ ăn, nghỉ, thưởng thức văn hóa… để cùng nhau đưa du lịch gắn với văn hóa bản địa "vươn xa".

Làm homestay từ chính nhà mình

Bố của anh Y Sôl Srũk (SN 1996) ở buôn Cuôr Tắk (xã Yang Tao) làm nghề nài voi. Khung cảnh những nơi bố đưa voi đi làm du lịch khiến anh không thể nào quên. Anh Y Sôl luôn ấp ủ đam mê làm du lịch.

Học xong lớp 12, anh Y Sôl vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê. Năm 2016, bố bị tai nạn, anh trở về nhà "nối tiếp" nghề của bố và quyết tâm làm dịch vụ du lịch tại buôn làng mình. Anh xin vào làm tại khu nghỉ dưỡng Lak Tented Camp (thuộc Công ty TNHH Đường mòn châu Á); từ bưng bê đồ ăn, nấu nướng, sau một thời gian anh trở thành hướng dẫn viên du lịch, thiết kế tour tuyến. Sau 4 năm làm việc, học hỏi kinh nghiệm và tích lũy được ít vốn anh Sôl quyết định nghỉ việc, tự làm du lịch.

Anh Y Sôl Srũk (xã Yang Tao) chuẩn bị rượu cần cho du khách thưởng thức.

Tháng 8-2020, anh Y Sôl thấy người thân, người dân tại huyện bán nhà sàn nhiều. Nhận thấy xu hướng xây dựng homestay, homefarm… đang phát triển, được giới trẻ ưa chuộng, anh Y Sôl đầu tư 200 triệu đồng cải tạo lại nhà sàn của gia đình thành nơi lưu trú cho khách du lịch, tổ chức trải nghiệm văn hóa truyền thống, thưởng thức ẩm thực bản địa. Anh trang trí nhà sàn với những vật dụng truyền thống của dân tộc đã sưu tầm được.

“Tôi muốn phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với trải nghiệm văn hóa bản địa. Chính vì vậy tôi hướng dẫn  người dân tại buôn cách làm du lịch, kết nối với những chủ vườn ca cao, người dệt thổ cẩm, ủ rượu cần... để có thể đưa du khách tới tham quan. Đặc biệt gắn kết đội cồng chiêng tại buôn Cuôr Tắk để vừa phục vụ khách du lịch, vừa gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng", anh Y Sôl cho hay.

Hiện nay, tại xã Yang Tao có một đội cồng chiêng gồm 13 nghệ nhân, vừa biểu diễn vừa truyền dạy cồng chiêng cho người dân. Khi tham gia một tour du lịch tại huyện Lắk, du khách không chỉ được tham quan các địa danh nổi tiếng như hồ Lắk, Biệt điện Bảo Đại…, mà còn có thể trải nghiệm vườn ca cao, uống thử rượu ca cao, làm gốm truyền thống, đan gùi, thưởng thức cồng chiêng và các món ăn dân dã. Tuy còn khá mới mẻ nhưng đã có vài tour được du khách quan tâm, tham gia trải nghiệm, nhận được đánh giá tốt.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến du lịch, song những người trẻ làm du lịch tại huyện Lắk coi đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội chuẩn bị kỹ càng hơn, để sau khi hết dịch sẽ phát triển mạnh hơn nữa, đưa văn hóa M’nông tới gần với nhiều người hơn.


Thùy Dung

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục