Thừa Thiên Huế: Tạm dừng hoạt động tham quan tại di tích Điện Huệ Nam
Việc tạm dừng tham quan nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách trước nguy cơ sạt lở tại khu vực di tích.
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở tại khu vực di tích Điện Huệ Nam (Điện Hòn Chén) xã Hương Thọ, thành phố Huế. Cụ thể: Khu vực phía sau Điện Minh Kính tiếp giáp rất gần với vách núi dựng đứng, có rất nhiều tảng đá lăn, nguy cơ xảy ra tình trạng sạt lở rất cao khi mưa bão. Trước đó, từng xảy ra một số vụ sạt lở, đá lăn gây hư hại công trình. Mặc dù khu vực này đã có làm hàng rào sắt cao 10m để che chắn nhưng chỉ để ngăn đá nhỏ rơi vào điện, không ngăn được sạt lở lớn; Khu vực đoạn kè đá trước sân điện Minh Kính đang bị sụt lún ra phía bờ sông. Khu vực đoạn kè ngay lối bậc cấp lên điện chính đang bị sụt lở một đoạn; Khu vực sân giữa điện và nhà thánh, các tảng đá lớn đang có dấu hiệu tách rời và có nguy cơ sạt lở rất cao.
Di tích Điện Huệ Nam, xã Hương Thọ, thành phố Huế.
Khu vực Phủ Hạ, khu vực Cây Mưng trước Nhà Thánh bị sụt lún, xói lở chân kè đá. Hiện, tình hình sạt lở tiếp tục diễn ra, làm cuốn trôi đất đá trên sườn đồi và nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của các công trình, vật kiến trúc cũng như các hoạt động văn hóa du lịch khu vực và sạt lở gần sát Điện Minh Kính, Phủ Hạ, Nhà Thánh, nguy cơ ngã đổ sẽ gây thiệt hại lớn về kết cấu các công trình di tích, vật kiến trúc trong khu vực Điện Huệ Nam; Tình trạng sạt lở sườn đồi phía sau Minh Kính Điện chưa có dấu hiệu dừng lại và đang tiếp tục gây sạt lở trong phạm vi khoảng 70m.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế khẩn trương tổ chức thực hiện các biện pháp để ngăn chặn bước đầu nhằm giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra tại khu vực Điện Huệ Nam, như: Huy động lực lượng, phương tiện và phân công cụ thể cho từng thành viên để theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó. Căn cứ tình hình thực tế tại hiện trường để tiếp tục tổ chức sơ tán ngay lực lượng bảo vệ, du khách trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đến nơi an toàn; huy động các nguồn lực hợp pháp theo quy định để thực hiện xử lý khẩn cấp, gia cố, chống sạt lở sườn mái dốc có nguy cơ cao khi có mưa, bão lũ.
Du khách tham quan, thăm viếng tại di tích Điện Huệ Nam.
Cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác; tăng cường thông tin, truyền thông để du khách và bảo vệ di tích biết về nguy cơ diễn biến sạt lở, chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Thường xuyên cập nhật tình hình sạt lở và mức độ ảnh hưởng báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các Sở, ngành để theo dõi, chỉ đạo; rút toàn bộ nhân viên ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở; ngưng tiếp đón du khách khi có mưa, lũ bão. Bên cạnh đó, Nghiên cứu lập dự án xử lý tổng thể chống sạt lở, xói lở khu Điện Huệ Nam để bảo vệ và khai thác giá trị của di tích bền vững.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Điện Huệ Nam là một di tích tôn giáo tín ngưỡng có vị trí quan trọng trong Quần thể di tích Cố đô Huế. Đây là nơi ngày xưa người Chàm thờ nữ thần Ponagar, sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ bà với danh xưng là Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Hàng năm, Điện Huệ Nam đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, thăm viếng. Đông đảo nhất là vào dịp diễn ra Lễ hội Điện Huệ Nam được tổ chức vào tháng ba và tháng bảy âm lịch.
Lê Chung