Bà Rịa - Vũng Tàu: Nâng cao năng lực lễ tân khách sạn
Thi sinh Nguyễn Bảo Duy, khách sạn Malibu Vũng Tàu đạt giải 3 hội thi.
Khi ban giám khảo đóng vai du khách
Hội thi lễ tân khách sạn giỏi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023 được tổ chức như một cột mốc đánh dấu ngành du lịch đã nối lại hoàn toàn sau quãng thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hội thi thu hút 30 thí sinh (TS) đang làm lễ tân tại 16 cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên trên toàn tỉnh tham gia. TS trải qua 2 vòng thi: sơ khảo và chung kết. Ở vòng sơ khảo, TS lần lượt giới thiệu về bản thân và khách sạn/resort đang công tác, bốc thăm trả lời kiến thức về quy trình nghiệp vụ và xử lý tình huống bằng tiếng Việt trong thời gian tối đa 30 phút.
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng bộ môn Lễ tân - Trường Cao Đẳng Du lịch Vũng Tàu, đóng vai du khách nêu tình huống cho thí sinh.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Trưởng phòng Quản lý Phát triển Du lịch, Sở Du lịch chia sẻ, theo kế hoạch, vòng chung kết chỉ lấy 14 TS cao điểm nhất. Song thật sự rất khó vì TS ngang tài, ngang sức. Sau khi cân nhắc kỹ, Ban Giám khảo quyết định chọn 19 TS vào chung kết.
Tại vòng chung kết, các nội dung thi hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đặc biệt, phần thi nghiệp vụ lễ tân, các thành viên Ban Giám khảo trực tiếp hóa thân thành khách du lịch nên những tình huống đặt ra cho TS đều khó, đòi hỏi phải giỏi ngoại ngữ, vững nghiệp vụ và cực kỳ bình tĩnh, nhanh trí mới xử lý tốt. Chẳng hạn như các tình huống khách yêu cầu thay đổi ngày lưu trú ngay sát ngày nhận phòng, nỗi sợ khách sạn có ma, than phiền mất nhẫn kim cương trong quá trình lưu trú, khách mang theo thú cưng khi lưu trú, hoặc những trường hợp khách cố tình cắc cớ bắt lỗi để giảm hoặc miễn giá phòng... Dù thoáng chút bối rối ban đầu, nhưng các TS đã chinh phục được Ban giám khảo khi đưa ra những cách xử lý thông minh, tạo nên tràng pháo tay phấn khích, vỡ òa cảm xúc cho cả hội trường.
Thí sinh Dương Ngọc Linh và Lê Bảo Vy (Khách sạn Grand-Palace) đạt giải nhất nội dung thi tiểu phẩm “Cô lễ tân tốt bụng”.
Vòng chung kết còn có thêm phần thi tiểu phẩm. Các diễn viên không chuyên nhập vai tự nhiên, lời thoại dí dỏm càng tăng sự hào hứng cuốn hút người xem.
Nhận xét về hội thi, ông Hoàng Ngọc Linh, Trưởng Ban Giám khảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch đánh giá cao chất lượng TS dự thi. “Dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng TS đều vững chuyên môn, nghiệp vụ, thể hiện được bản lĩnh, sự tự tin trong giao tiếp, nhanh nhạy trong xử lý tình huống nghiệp vụ. Điều đặc biệt tất cả các TS đều lưu loát ngoại ngữ. Đây là yêu cầu cực kỳ quan trọng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng rộng mở của ngành du lịch”, ông Hoàng Ngọc Linh chia sẻ.
Thí sinh Trần Thị Mỹ Lài, khách sạn The Secret Côn Đảo trong phần thi xử lý tình huống nghiệp vụ.
Thêm tình yêu nghề
Đã từ rất lâu, người làm nghề du lịch không có dịp hội ngộ, thi thố tài năng cùng nhau. Nhiều lễ tân trẻ khi bước vào phần thi đã rất hồi hộp, phải đề nghị cả hội trường vỗ tay động viên. Tuy nhiên, vượt xa khuôn khổ của một hội thi tay nghề thuần túy, các TS đều cho rằng đã có một cơ hội quý báu khẳng định bản lĩnh nghề nghiệp.
TS Trần Thị Thu Ngân, Khách sạn Premier Pearl Vũng Tàu, cho biết: “Em rất trân trọng cuộc thi vì đây là cơ hội để lễ tân cọ sát, học hỏi lẫn nhau. Thông qua đó, em cũng nhìn nhận được thế mạnh và hạn chế của bản thân để từ đó tiếp tục trau dồi, rèn luyện để ngày càng hoàn thiện bản thân hơn”.
Đạt giải Nhất hội thi, TS Lê Đỗ Kiều Trang, The Grand Hồ Tràm Strip chia sẻ: “Tôi hạnh phúc vì đã mang vinh dự cho bản thân và nơi công tác. Qua cuộc thi, tôi được giao lưu với bạn bè cùng nghề đến từ nhiều doanh nghiệp khác. Đó là động lực để tôi giữ lửa đam mê nghề”.
Theo thống kê từ Sở Du lịch, toàn tỉnh có hơn 2.000 lễ tân đang làm việc tại hơn 1.000 cơ sở lưu trú du lịch. Với số lượng cơ sở lưu trú lớn, 30 TS dự thi là quá nhỏ. Sở Du lịch cũng nhìn nhận dù chưa đạt như kỳ vọng, song hội thi đã góp phần tôn vinh nghề lễ tân. Thông qua hội thi là cơ sở để ngành có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển, trình độ tay nghề của đội ngũ nhân lực. Các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và nhân lực trong ngành du lịch cũng tìm thấy tiếng nói chung trong phục vụ du lịch theo hướng chuẩn hóa của khu vực và quốc tế.
Nhiều TS, doanh nghiệp mong muốn tỉnh tổ chức thêm nhiều hội thi các nghiệp vụ khác như nhà hàng, buồng, bếp, hồ bơi... để bổ trợ cho cơ sở lưu trú ngày càng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng tốt.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, sau hội thi Sở Du lịch sẽ đánh giá rút kinh nghiệm về hội thi. Dự kiến, năm sau Sở sẽ tiếp tục phát động tổ chức hội thi các ngành nghề nghiệp vụ khác trong du lịch với quy mô lớn hơn, mở rộng mời các tỉnh, thành trong khu vực tham gia, kêu gọi sự tài trợ đồng hành của doanh nghiệp, của Hiệp hội Du lịch.
Bài, ảnh: Đăng Khoa