Hoạt động của ngành

Hậu Giang: Phát triển du lịch về nguồn - Một hướng đi mới

Cập nhật: 26/09/2023 15:28:41
Số lần đọc: 993
Vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú với nhiều di tích văn hóa, lịch sử và căn cứ địa cách mạng, huyện Phụng Hiệp đã quan tâm và triển khai nhiều biện pháp cụ thể để phát triển loại hình du lịch về nguồn.


Khu di tích Chiến thắng Chày Đạp, ở xã Thạnh Hòa, đang được quan tâm đầu tư hệ thống giao thông, tạo điều kiện để du khách đến tham quan.

Để di tích trở thành điểm đến ý nghĩa

Tại ấp 4, xã Thạnh Hòa, có Khu di tích và Tượng đài Chiến thắng Chày Đạp, nơi từng gắn liền với 3 trận đánh của Tiểu đoàn Tây Đô vào các năm 1960, 1964 và 1971, được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005. Ông Bùi Huy Bằng, công chức văn hóa - xã hội UBND xã Thạnh Hòa, chia sẻ: “Được UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện, địa phương đã có thêm một điểm du lịch về nguồn ý nghĩa. Khu di tích Chiến thắng Chày Đạp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ghi nhớ những năm tháng chiến đấu của Tiểu đoàn Tây Đô tại vùng đất Cần Thơ - Hậu Giang. Đây là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho tuổi trẻ, giúp cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên học tập, trải nghiệm và noi theo tinh thần đấu tranh kiên cường của các thế hệ đi trước với thế hệ hôm nay”.

Từ tháng 7-2020, UBND tỉnh đã đầu tư Dự án xây dựng tượng đài thuộc Khu di tích Chiến thắng Chày Đạp. Công trình có tổng mức đầu tư 7,3 tỉ đồng với tượng đài, nhà trưng bày, sân lễ và các công trình phụ trợ khác. Sau khi được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng công trình hoàn chỉnh, địa phương đang tập trung xây dựng các tuyến đường đẹp, tạo điểm nhấn trên đường đến khu di tích. “UBND huyện đã có kế hoạch đầu tư xây dựng tuyến lộ từ điểm du lịch vườn tre Tư Sang đến khu di tích. Nếu tuyến đường sớm được thực hiện, sẽ kết nối Khu di tích Chiến thắng Chày Đạp, tạo điều kiện phát huy di tích này”, ông Phạm Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa, chia sẻ.

Còn trên địa bàn xã Long Thạnh có cây Lộc Vừng trên 300 năm tuổi, đã được Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam, địa phương đã và đang có kế hoạch quan tâm đầu tư để nơi đây sẽ là điểm du lịch về nguồn. Anh Trương Văn Minh, công chức văn hóa - xã hội UBND xã Long Thạnh, bộc bạch: “Các hạng mục gắn kết với cây lộc vừng được nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới khá hoàn chỉnh. Ngoài ra, các tuyến đường chính từ xã vào điểm tham quan được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, khám phá. Nhằm tạo điểm nhấn trên đường đi đến Cây di sản Việt Nam trên địa bàn, chúng tôi đã có kế hoạch trồng hoa kiểng, cây xanh các loại với chiều dài khoảng 2km”.

Nằm ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, cây lộc vừng hơn 300 năm tuổi được xem là cây cổ thụ hiếm hoi, có tuổi thọ cao ở vùng ĐBSCL, gắn liền lịch sử khẩn hoang vùng đất Long Thạnh. Thời kháng chiến chống Mỹ, cây bị trúng bom ngay giữa phần thân cây, nên phần gốc để lại một lỗ thủng rất to. Tuy nhiên, cây vẫn có sức sống mãnh liệt, nhánh ngày càng vươn rộng...

Tập trung khai thác tiềm năng

Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, huyện Phụng Hiệp tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Huyện đã ban hành các kế hoạch về phát triển du lịch trên địa bàn gắn với tình hình thực tế.

Trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có nhiều điểm du lịch về nguồn: Khu Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Khu di tích lịch sử Địa điểm thành lập Tiểu đoàn Tây Đô, Khu di tích Chiến thắng Chày Đạp, Cây di sản Việt Nam cây Lộc Vừng… Du lịch về nguồn, không đơn thuần chỉ là tham quan các địa danh, địa điểm “đỏ”, gắn liền với các cuộc đấu tranh, phong trào cách mạng, tìm hiểu điểm đến lịch sử, du lịch về nguồn còn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cung cấp thông tin thực tế, sống động về lịch sử, văn hóa, giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ.

Ông Phạm Văn Thế, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Các điểm du lịch về nguồn đã và đang thu hút được khá nhiều đoàn khách du lịch, học sinh, sinh viên, hội, đoàn thể trong và ngoài địa bàn đến tham quan. Trước mắt, chúng tôi đang thiết kế 2 pano lớn, in các tờ rơi quảng bá du lịch về nguồn, tập trung xây dựng các tuyến đường đến các điểm du lịch, chỉnh trang, trồng thêm hoa kiểng tạo cảnh quan ven đường”.

Huyện Phụng Hiệp xác định tập trung phát triển du lịch sinh thái và du lịch về nguồn, sẽ góp phần giúp địa phương thực hiện hiệu quả “Nghị quyết 4 trụ cột” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

“Để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch về nguồn, chúng tôi đã phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương, kết nối đưa các sản phẩm đặc trưng của từng xã, thị trấn đến trưng bày, giới thiệu và bày bán tại các điểm du lịch về nguồn để du khách có thể tìm hiểu, mua sản phẩm. Trên các tuyến đến điểm du lịch về nguồn, liên kết với hợp tác xã, người dân có mô hình để đưa du khách đến trải nghiệm. Riêng đối với một số điểm du lịch về nguồn, hiện chưa gắn kết được với các trục giao thông chính của địa phương, ngành đang tham mưu xin đầu tư kinh phí để đầu tư hạ tầng giao thông”, ông Phạm Văn Thế, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phụng Hiệp, chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: Mỹ Xuyên

Nguồn: Báo Hậu Giang - baohaugiang.com.vn - Đăng ngày 20/9/2023

Cùng chuyên mục