Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế tìm giải pháp tăng cường thu hút khách du lịch tàu biển

Cập nhật: 27/09/2023 15:15:36
Số lần đọc: 421
(TITC) - Ngày 26/9/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị đánh giá công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2023. Thông qua hội nghị này, Thừa Thiên Huế mong muốn tăng cường phát triển loại hình du lịch tàu biển và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển ngày càng nhiều hơn.

Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình; Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy; đại diện các cơ quan, ban ngành, lãnh đạo các Sở quản lý du lịch, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế chuyên đón khách tàu biển và các cơ quan thông tấn báo chí.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Phước Nhật cho biết, từ năm 2018 đến tháng 6/2023, các đơn vị liên quan đã giải quyết thủ tục cho 116 lượt tàu du lịch mang theo hơn 208.000 lượt khách du lịch, hơn 91.000 thuyền viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Số lượng tàu du lịch trong giai đoạn 2018 - 2019 tăng đều qua các năm, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, các hãng tàu du lịch phải hủy chuyến.

Năm 2024, Thừa Thiên Huế dự kiến đón 30 lượt tàu với gần 48.000 hành khách và gần 19.000 thuyền viên; năm 2025 sẽ đón 26 lượt tàu với gần 30.000 hành khách và gần 13.000 thuyền viên; năm 2026 đón 7 lượt tàu với 18.000 hành khách và 6.000 thuyền viên.

Để phục vụ đón các đoàn khách du lịch tàu biển, cảng Chân Mây đã đầu tư xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m. Trong đó, cầu cảng số 1 dài 360m, cầu cảng số 2 dài 280m và số 3 dài 270m. Các bến số 4, 5 cảng Chân Mây với tổng chiều dài 540m đang triển khai các thủ tục về xây dựng, dự kiến dự án hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn I vào quý I/2025.

Bên cạnh đó, công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các công trình hạ tầng giao thông, duy trì hệ thống cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Ban Quản lý Kinh tế, công nghiệp tỉnh quan tâm triển khai.

Các lãnh đạo chủ trì hội nghị. Ảnh: BTC

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, dù tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch tàu biển nhưng hạ tầng cơ sở cảng du lịch, nguồn nhân lực còn thiếu, trang thiết bị quản lý, giám sát, kiểm tra và hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư hiệu quả. Ngoài ra, số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp.

Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến, giải quyết hợp lý, phù hợp. Cần lưu ý thêm việc tạo cơ chế chính sách cũng như đảm bảo an toàn an ninh cũng cần tạo thuận lợi tối đa cho du khách.

Thời gian tới, cần thu hút tăng thêm số lượng các doanh nghiệp khai thác khách tàu biển đến Huế. Cùng với đó, cần có giải pháp kéo dài thời gian lưu trú của khách sử dụng các dịch vụ ở Huế. Ngoài ra, cần đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tốt nhất, đầy đủ nhất để phục vụ khách tàu biển khi tham quan tại Huế như phương tiện vận chuyển, các nhà hàng, các điểm tham quan, các quầy hàng mua sắm, quà lưu niệm…

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, du lịch tàu biển là một trong những loại hình du lịch tăng trưởng đầy năng động trên thế giới. Việt Nam nằm ở Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có nhiều điểm đến nổi trội, hấp dẫn khách tàu biển. Với hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá - lịch sử lâu đời, đa dạng, giàu bản sắc, người dân cởi mở và thân thiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam có một số hệ thống cảng biển nước sâu, được quy hoạch và đầu tư đủ khả năng đón được các tàu du lịch cỡ lớn. Cả nước có hơn 500 khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp từ 4-5 sao, trong đó nhiều cơ sở lưu trú ven biển được điều hành bởi các tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới sẵn sàng phục vụ du khách. Vì thế, nhiều hãng tàu biển hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam là điểm dừng chân trong hành trình du lịch. Với những tiềm năng đó, Việt Nam hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch biển và có thể trở thành một trung tâm du lịch tàu biển trong khu vực.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BTC

Phó Cục trưởng cũng chỉ ra thời gian vừa qua, lượng khách du lịch tàu biển vào Việt Nam có tăng nhưng chỉ chiếm khoảng 5-6% tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Tiềm năng, thế mạnh của du lịch biển Việt Nam vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Kết cấu hạ tầng tại nhiều cảng biển còn hạn chế. Chất lượng dịch vụ tại cảng biển chưa cao. Sản phẩm du lịch biển còn thiếu đa dạng. Một số cơ chế, chính sách liên quan đến đón khách du lịch biển vẫn chưa thuận lợi để đón khách tàu biển số lượng lớn.

Nhằm phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế nêu trên, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan liên quan cần ban hành các chính sách riêng cho phát triển du lịch tàu biển, đầu tư cho hệ thống cảng biển chuyên dụng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ khách tàu biển. Đồng thời tập trung xây dựng các sản phẩm chuyên đề hấp dẫn, có điểm nhấn; khai thác thị trường khách du lịch từ Châu Á trong đó tập trung vào các thị trường thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... và các thị trường nguồn đầy tiềm năng như Bắc Mỹ và Châu Âu.

Về hoạt động xúc tiến quảng bá, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy đề nghị tỉnh cần tăng cường quảng bá du lịch tàu biển Việt Nam; tham gia các hội chợ du lịch tàu biển quốc tế, tích cực trong hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN để phát triển du lịch tàu biển; đăng cai tổ chức các sự kiện liên quan đến du lịch tàu biển; chủ động phối hợp, cung cấp thông tin điểm đến với các hãng tàu du lịch hoạt động thường xuyên ở khu vực. Đồng thời tăng cường liên kết giữa đơn vị quản lý cảng, công ty lữ hành, hãng tàu biển và các cơ sở cung ứng dịch vụ, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí để tăng tính hấp dẫn đối với du khách.

Tại hội nghị, các sở ban ngành cũng như các doanh nghiệp cũng đã nêu ra những vướng mắc, khó khăn và đề xuất một số giải pháp liên quan đến hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tàu biển như: phí cảng đối với tàu du lịch, bảo đảm an toàn trong luồng tàu đi lại, bãi đỗ xe cho các phương tiện vận chuyển khách, phương tiện trung chuyển khách giữa tàu và vị trí đỗ xe, các điểm mua sắm, vui chơi giải trí, ẩm thực quy mô lớn...

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 27/9/2023

Cùng chuyên mục