Thừa Thiên Huế tham vấn chuyên gia, nhà khoa học về Quy hoạch Quần thể di tích Cố đô Huế
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Văn hóa
Tham dự hội thảo có Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương; Phó Cục trưởng Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu; Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên; đại diện lãnh đạo Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia; Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, từ khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới - di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trải qua hai thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 1996-2010 và giai đoạn 2010-2020). Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Hàng trăm công trình di tích đã được bảo quản, tu bổ, phục hồi; trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt.
Để tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho Thừa Thiên Huế phát triển một cách toàn diện, cả vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường và mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế. Ngày 11/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tại Quyết định số 42/QĐ-TT phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành tổ chức tham vấn, xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng dân cư để tiến hành triển khai công tác quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết thêm, Thừa Thiên Huế hiện đang triển khai lập và trình duyệt 3 đồ án quy hoạch, gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Những đồ án quy hoạch này đều thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở đồng nhất quan điểm, mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần chỉ đạo xuyêt suốt tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các chuyên gia tham dự Hội thảo. Ảnh: Báo Văn hóa
Hiện nay, dự án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã hoàn thành các bước về tổ chức lập quy hoạch, báo cáo phương án quy hoạch, đang tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại số 15 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế từ ngày 6 - 31/10.
Vì vậy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo này với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện của các sở, ban, ngành ở Trung ương và địa phương để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và Thủ tướng phê duyệt vào tháng 01/2024.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở ngành đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, góp ý về bối cảnh vùng, các điều kiện tự nhiên và hiện trạng; các tiền đề về bảo tồn di sản và phát triển bền vững. Về quy hoạch phân vùng bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng bảo tồn di sản và định hướng phát triển không gian, định hướng thiết kế đô thị và cảnh quan văn hoá và góp ý về kinh tế di sản và giải pháp thực hiện quy hoạch.
Phát biểu về góc nhìn kết nối với du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng: Đồ án quy hoạch không gian phát triển phải luôn luôn mở, thuận theo thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên và có sự tương tác với cộng đồng. Ở mỗi điểm đến, khách du lịch luôn mong muốn có không gian tương tác, nên nhu cầu về không gian này ở khu di sản Huế là rất lớn. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của một số nơi trên thế giới, đô thị di sản sau khi thu hút đông đảo du khách chỉ quan tâm đến du lịch mà quên đi yếu tố cốt lõi là di sản, dẫn đến suy tàn. Thế nên, chúng ta cũng cần nghiên cứu, dự báo nguy cơ này. Quy hoạch cần lấy giá trị di sản phi vật thể làm nền, nòng cốt bên cạnh bảo tồn phát huy giá trị di sản vật thể…
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cảm ơn những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học và khẳng định những ý kiến này sẽ được Trung tâm (chủ đầu tư) và đơn vị tư vấn tiếp thu, nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với quy định hiện hành và thực tế ở địa phương.
Trung tâm Thông tin du lịch