Thừa Thiên Huế: Xây dựng các sản phẩm đặc trưng, quảng bá, xúc tiến thúc đẩy phát triển du lịch
Đón khách du lịch đầu tiên đến Thừa Thiên Huế bằng đường hàng không năm 2024
Năm 2023 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch với sự bùng nổ của lượng du khách quốc tế trở lại thị trường Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, cùng với đó là sự hồi phục tốt của nhiều công ty lữ hành và khách sạn, sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp du lịch nhằm đón đầu các cơ hội tăng trưởng mới. Được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự đoàn kết và nỗ lực chung, ngành Du lịch phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương chủ động tham mưu các giải pháp, chính sách hỗ trợ, triển khai nhiều hoạt động trong quản lý, phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch, triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới, tăng cường liên kết du lịch.
Du lịch Thừa Thiên Huế có được các kết quả rất khả quan trong năm 2023, tổng lượt khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 56,09% so với năm 2022; trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 361,38% so với năm 2022 (chiếm tỷ lệ 36.8% cao hơn dự kiến ban đầu là khoảng 25-30%). Doanh thu từ du lịch ước đạt 6.606 tỷ đồng, đạt mục tiêu năm 2023 đề ra.. Top 10 thị trường khách đến Huế trong năm 2023 là Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Malaysia, Pháp, Anh, Úc, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc.
Toàn cảnh tàu du lịch CELEBRITY SOLSTICE đưa du khách đến Cảng Chân Mây - Lăng Cô
Trong năm 2023, Thừa Thiên Huế đón nhận một loạt giải thưởng, danh hiệu từ một số tổ chức, tạp chí, kênh thông tin du lịch quốc tế góp phần truyền thông, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch Thừa Thiên Huế trong khu vực và toàn cầu, thu hút các thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống và tiềm năng.
Lượng khách quốc tế đến Huế năm 2023 tăng mạnh. Tuy nhiên, du lịch Huế cần “bước nhanh” hơn để khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là trung tâm văn hóa - du lịch của Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Muốn đạt được mục tiêu, rõ ràng công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch rất quan trọng và đặc biệt cần tranh thủ cơ hội quảng bá từ du khách, các tổ chức, truyền thông quốc tế.
Năm 2023, đã kết nối các đơn vị lữ hành, các đơn vị cung ứng dịch vụ trong việc triển khai các hoạt động; tổ chức phục vụ, khảo sát thiết kế sản phẩm mới; quảng bá xúc tiến đến các thị trường khách tiềm năng với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh Thừa Thiên Huế; tạo ra sân chơi chung, thắt chặt tình đoàn kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Các hoạt động Famtrip được tổ chức thường xuyên nhằm kết nối, góp phần quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, trong đó có các chương trình Famtrip Malaysia, Famtrip Hàn Quốc, tổ chức đoàn Famtrip với chủ đề “ Huế - Kinh đô xưa – Trải nghiệm mới”, đoàn famtrip Bùi Hui – Măng Đen…
Tặng quà chào đón các vị khách đầu tiên đến Huế trong năm 2024
Trong năm 2024 và những năm tới, nhằm có sự phát triển xứng tầm trong việc Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, ngành Du lịch tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQCP ngày 18/5/2023 của Chính phủ, Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 03/7/2023 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó tập trung các giải pháp về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục thu hút khách du lịch quốc tế đến Thừa Thiên Huế; phát triển sản phẩm mới có tính đặc trưng; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch…
Ngành có kế hoạch phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như: văn hóa – di sản; sinh thái, nghỉ dưỡng, biển - đầm phá; vui chơi giải trí, thể thao; chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; tâm linh; ẩm thực gắn với hoạt động nông nghiệp và sản phẩm OCOP, hội nghị hội thảo; trong đó du lịch văn hóa – di sản là chủ đạo, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế, định vị phân khúc cao cấp với tính chất cung đình, mang đặc trưng riêng, độc đáo. Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, xanh và bền vững. Tăng cường quảng bá truyền thông các sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài.
Năm 2024, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%; tổng thu từ du lịch khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng.
Theo Sở Du lịch trong tháng 1/2024, Thừa Thiên Huế đón gần 308.000 lượt khách, tăng gần 25,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt gần 152.000 lượt khách, tăng hơn 98,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 595 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Top 10 thị trường khách hàng đầu đến Huế trong giai đoạn vừa qua là: Đài Loan, Malaysia, Mỹ, Thái Lan, Pháp, Úc, Đức, Anh, Hàn Quốc, Singapore.
Theo đại diện Sở Du lịch, dịp Tết, nhu cầu du khách đến Huế tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch khá lớn. Ngành du lịch tỉnh cùng các doanh nghiệp du lịch và các đơn vị liên quan đang tổ chức nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch để đón khách; quảng bá các hoạt động văn hóa, chương trình, lễ hội để phục vụ du khách du xuân, trải nghiệm và đến Huế du lịch dịp Tết Giáp Thìn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo Sở Du lịch chụp hình lưu niệm cùng du khách
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, để đón làn sóng du khách quốc tế vào năm 2024 và những năm tiếp theo, cùng với ngành du lịch cả nước, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh chiến lược truyền thông quốc tế trong quảng bá du lịch, thông qua các hội chợ, chương trình giới thiệu du lịch tại các thị trường khách du lịch quốc tế; xây dựng, quản trị, chạy chiến dịch truyền thông điểm đến du lịch trên các nền tảng website, fanpage, mạng xã hội…
Với những lợi thế của mình, ngành du lịch tỉnh cần xác định trước hết phải giới thiệu điểm đến với những người làm quan hệ công chúng và truyền thông trong khu vực, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, phải không ngừng khai thác hiệu quả kênh truyền thông trong và ngoài nước để kể những câu chuyện về giá trị văn hóa du lịch. Ngành du lịch cũng cần quan tâm hơn vai trò của truyền thông trực tuyến trong việc ra quyết định của du khách và thúc đẩy du lịch bằng những câu chuyện của người dân địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, năm 2024 thể hiện tinh thần quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị các cấp để tập trung nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ngành Du lịch cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ. Nâng cao chất lượng điểm đến, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng. Tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp phát triển thương hiệu; đẩy mạnh hợp tác liên kết mở rộng thị trường. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh.
Với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, đề nghị ngành Du lịch cùng với các ngành, địa phương cần tập trung nỗ lực hơn nữa, khắc phục những tồn tại, hạn chế; bám sát những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đã nêu để triển khai thực hiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ngành Du lịch nhằm đạt được những kết quả tốt nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
www.thuathienhue.gov.vn