Thúc đẩy liên kết trong phát triển du lịch bền vững
Hiện nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước lựa chọn TP. HCM là cầu nối để quảng bá, đưa du lịch địa phương đến gần với du khách trong và ngoài nước. Đây là chìa khóa quan trọng để các tỉnh, thành cùng phát triển bền vững. Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có trong chặng đường phục hồi và tăng trưởng của ngành du lịch và kinh tế, TP.HCM là lựa chọn phù hợp để tổ chức các hoạt động thu hút, phát triển du lịch đặc trưng của từng địa phương.
Sở Du lịch TP. HCM cho biết, Thành phố đã chủ động thực hiện nhiều chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch. Các hoạt động liên kết được nâng cấp từ song phương cấp sở thành liên kết vùng cấp Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố với nhiều vùng, tỉnh, thành phố, trong đó có các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các địa phương Bắc Trung Bộ. Thành phố cùng các địa phương chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sự gắn kết với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Theo Sở Du lịch TP. HCM, thời gian tới, nhiều tuyến du lịch tiếp tục được hoàn thiện, nâng tầm, gia tăng giá trị, đưa du khách đến trải nghiệm ở nhiều địa phương trong cùng hành trình. Trong đó, tour du lịch liên kết giữa Thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ như: Sắc xanh ngày mới; Chinh phục nóc nhà Nam Bộ; Tình đất đỏ miền Đông; Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca... sẽ gia tăng những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại điểm đến.
TP. HCM xác định tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch.
Các tuyến du lịch "Những nẻo đường phù sa” từ TP. HCM đến các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang-Vĩnh Long-Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau khai thác sâu hơn các giá trị văn hóa bản địa, đặc sản ẩm thực khẩn hoang Nam Bộ. Tuyến “Non nước hữu tình” từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh khai thác đậm hơn các hoạt động trải nghiệm, nét văn hóa, đặc sản ẩm thực các dân tộc, các hoạt động du lịch cộng đồng theo hướng “thuận thiên"...
Trước đó, tháng 10/2023, UBND TP. HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, TP. HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2023 - 2025. Kế hoạch nhằm triển khai các nội dung trong Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, TP. HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế) giai đoạn 2020 - 2025.
Đặc biệt phát huy tinh thần phối hợp, chủ động trong triển khai các nội dung chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương liên kết để kích cầu du lịch nội địa đến với thành phố Hà Nội, TP. HCM và 5 tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Theo đó, các địa phương hợp tác trao đổi thông tin về du lịch giữa các tỉnh, định kỳ chia sẻ báo cáo tình hình phát triển du lịch địa phương hàng quý và báo cáo tổng kết năm; cũng như chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, mời gọi thu hút đầu tư tiềm năng du lịch..
Cùng phối hợp chuẩn bị các nội dung, điều kiện để phục vụ Hội nghị liên kết phát triển du lịch năm 2024 (dự kiến tháng 4/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh); Tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển (dự kiến tháng 11/2025). Tổ chức đoàn famtrip, presstrip đến khảo sát và xây dựng sản phẩm du lịch mới tại các địa phương kết nối giữa TP Hà Nội, các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Thành phố Hồ Chí Minh; Tổ chức và tham gia quảng bá tại các sự kiện du lịch trong nước; thông tin tuyên truyền về các hoạt động liên kết phát triển du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc thù địa phương, đẩy mạnh hoạt động quảng bá trên các trang thông tin điện tử, báo giấy, báo online, trang mạng xã hội...
UBND TP. HCM cũng vừa ban hành văn bản triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2024 nhằm phát huy vai trò liên kết giữa các địa phương trong kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, du lịch. Với liên kết hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ tổ chức Diễn đàn liên kết hợp tác phát triển du lịch với chủ đề “Du lịch xanh - Phát triển bền vững”.
Về liên kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch, đầu tư du lịch, cung ứng dịch vụ và đào tạo trên địa bàn thành phố sẽ xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong năm 2024.
UBND TP. HCM có kế hoạch tổ chức không gian kết nối các khu điểm du lịch, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL để tạo sự liên kết lan tỏa, tổng thể trên nhiều lĩnh vực giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL theo hướng bền vững, cùng phát triển. Đặc biệt, các bên sẽ liên kết hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua chương trình tổ chức không gian chung trưng bày, triển lãm và giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch, sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP gắn với du lịch của TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL tại Ngày hội Du lịch TP. HCM lần thứ 20 năm 2024 với chủ đề “Kết nối địa phương - Liên kết giá trị".
TP. HCM đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các đia phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo UBND TP. HCM, các nhiệm vụ được triển khai phải bám sát thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời hợp tác trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, bình đẳng và cùng phát triển; đảm bảo hiệu quả thiết thực cho cộng đồng. Trong đó doanh nghiệp du lịch đóng vai trò quyết định trong việc triển khai hợp tác này.
Theo UBND TP. HCM, thành phố phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch cùng với ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu mang bản sắc của trung tâm du lịch sôi động như: Các sản phẩm du lịch mua sắm, du lịch tham quan di tích, du lịch văn hóa, du lịch gắn với lễ hội, sự kiện, du lịch sinh thái…Thành phố đã triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch với các vùng du lịch trọng điểm, các tỉnh, thành phố; trọng tâm là xây dựng các sản phẩm liên kết (có thời gian lưu trú tối thiểu 2 ngày tại TP. HCM); đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ để điều phối các chương trình du lịch liên kết các điểm đến và quảng bá cho các chương trình này.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, một trong những giải pháp được nhấn mạnh là tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường nhiều điểm đến,” hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù từng địa phương; hợp tác chặt chẽ trong đầu tư, phát triển sản phẩm, truyền thông, quảng bá và triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch.
Phương Thoa