Tiềm năng du lịch từ hệ thống thác nước đẹp ở Thanh Hóa
Vẻ đẹp thác Mây (huyện Thạch Thành).
Nói đến những thác nước đẹp, đã tạo được ấn tượng với du khách, không thể không nhắc đến thác Mây (xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành). Đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm với độ cao chỉ chừng 100m, song thác Mây có được vẻ đẹp vô cùng ấn tượng. Đó là nhờ bởi dòng nước chảy qua những phiến đá xếp chồng lên nhau y như thửa ruộng bậc thang. Thác Mây còn gắn với một truyền thuyết xa xưa hết sức lãng mạn, rằng dòng thác vốn rất êm ả và hiền hòa. Một ngày kia bỗng có 9 nàng tiên bay ngang qua, thấy cảnh đẹp và dòng nước trong vắt, bèn nghỉ chân xuống tắm. Khi hay có lệnh Ngọc Hoàng truyền gọi về, các nàng liền vội vã bay về trời, để lại 9 dấu chân. Tương truyền, 9 dấu chân tiên trở thành 9 bậc thác và được dân gian gọi là “9 bậc tình yêu”. Ngoài “9 bậc tình yêu” tượng trưng cho 9 bước chân tiên từng lưu dấu lại, thác Mây còn có các bậc thác Cha, thác Mẹ, thác Con. Tất cả đã làm nên bản hòa tấu nhạc nước sống động, hòa vào âm vang núi rừng và thôi thúc bước chân người tìm về.
Bắt nguồn trên đỉnh Pù Rinh có độ cao hơn 1.200m so với mặt nước biển, thác Ma Hao (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) là một “tuyệt tác” mà tự nhiên đã dành tặng cho con người nơi đây. Cắt dọc vạt rừng xanh ngắt, ngọn thác uốn lượn mài mòn dần từng phiến đá chênh vênh. Có đoạn, dòng nước cuồn cuộn chảy như có một lực đẩy vô hình từ phía sau đuổi tới; có đoạn, dòng nước lại thả mình thư thái như muốn ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên đôi bờ. Dòng nước như sợi chỉ bạc lấp lánh hút hết ánh sáng mặt trời về phía nó. Thả hồn cho bản nhạc nước len lỏi, con người bỗng chốc như cảm thấy mọi sự ồn ào bên ngoài cũng trở nên không thực. Ngọn thác này từng gắn mình với câu chuyện truyền thuyết, được người trong vùng truyền tai nhau. Chuyện kể rằng, vào thế kỷ XV, trong một lần bị giặc Minh bao vây, truy đuổi ráo riết, Lê Lợi cùng nghĩa quân dẫn theo một chú chó chạy vào núi Pù Rinh. Khi gặp thác nước lớn, nước chảy xiết, dù đã mệt rã rời nhưng nghe tiếng giặc đuổi phía sau, Lê Lợi và quân lính vẫn phải vội vượt suối. Còn chú chó phần vì kiệt sức, phần vì không thể bơi qua con suối rộng đành đứng lại bờ bên này mà ngáp. Giặc đuổi đến, nó xông ra cắn xé đàn chó săn của giặc, rồi lao mình xuống dòng nước. Chó quý chết, Lê Lợi truyền lệnh cho chôn và đặt tên cái thác ấy là thác Ma Hao (thác Chó Ngáp). Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp, lại được con người khoác thêm “lớp màn” dã sử, thác Ma Hao đã và đang hứa hẹn là điểm hút khách của huyện Lang Chánh nói riêng và du lịch sinh thái xứ Thanh nói chung.
Trong rất nhiều thác nước đẹp còn chưa được khám phá, thì thác Mù hay còn gọi là thác Thiên Thủy (xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân) vẫn đang là một thử thách hấp dẫn, nhất là với những người ưa thích mạo hiểm. Nằm sâu giữa đại ngàn hoang sơ và hùng vĩ, thác Mù vốn là nơi hội tụ của 4 thác nước khởi nguồn từ những đỉnh cao của dãy Pù Ta Leo. Để đến được thác đầu tiên, du khách phải vượt qua hơn 500m đường rừng, để tận mắt ngắm nhìn dòng nước lớn dội xuống bào mòn đá núi và tạo thành hồ nước tự nhiên trong mát. Người dân trong vùng gọi đó là Vụng Tiên, để miêu tả vẻ đẹp cũng như bày tỏ sự thán phục, trước sự khéo léo tạo tác của tạo hóa. Cảnh sắc nên thơ ấy của Vụng Tiên cũng là món quà dành cho những du khách, đã không quản ngại vượt núi băng rừng tìm về với thiên nhiên. Từ đây, du khách tiếp tục vượt dốc, đi qua những gốc cổ thụ hàng trăm năm tuổi để đến với một không gian hùng vĩ. Đó là một quần thể thác (3 thác) được sắp xếp theo hình cung tròn, trải dài gần 1 km. Các thác này được tạo thành từ hai dòng suối cao gần 500m như treo mình trên đỉnh núi. Nước từ đỉnh núi đổ xuống nhưng không thể nhìn thấy ngọn, thật chẳng khác nào nước chảy từ trời. Do vậy mà, cái tên Thiên Thủy cũng chính là sự miêu tả đầy gợi hình, gợi ảnh về thác Mù. Dưới chân thác là bãi đá trải dài theo thung lũng, với muôn hình khối và là điểm dừng chân cho du khách sau quãng đường băng rừng, vượt thác.
Thanh Hóa có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên và Vườn Quốc gia Bến En, là những nơi đang bảo tồn gần như nguyên vẹn một hệ thống thác nước tự nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và vô cùng hấp dẫn. Đây là nguồn tài nguyên hết sức đa dạng và dồi dào để xây dựng thành sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp phiêu lưu mạo hiểm chuyên dành cho “dân phượt”; hoặc sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng và khám phá vẻ đẹp thác nước tự nhiên, chuyên dành cho gia đình hoặc các nhóm khách lẻ... Thực tế, các khu bảo tồn và vườn quốc gia, vốn được đánh giá cao về “trữ lượng” tài nguyên du lịch, nhưng mới được khai phá một phần nhỏ. Do đó, hệ thống thác nước đẹp, có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu trải nghiệm của du khách, hiện phần đa vẫn đang nằm ở dạng tiềm năng.