Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Mở lại đường bay thương mại quốc tế là yếu tố then chốt để phục hồi thị trường du lịch quốc tế
Tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, có sự tham dự của lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Công ty Vietravel và hãng hàng không Vietjet. Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 334 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao. Thời gian thực hiện từ 1/1/2022.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh tham gia tọa đàm từ đầu cầu Tổng cục Du lịch tại Hà Nội
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, từ tháng 3/2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó du lịch và hàng không là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và hết sức nặng nề. Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội là một chủ trương đúng đắn và hết sức phù hợp đối với bối cảnh hiện nay.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhận định, việc mở lại đường bay thương mại quốc tế là một trong những việc hết sức cần thiết, có ý nghĩa thiết thực trong thời điểm cuối năm khi nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là của Việt kiều, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài quay trở về đất nước rất cao. Đây cũng là giải pháp rất quan trọng cho ngành du lịch cũng như ngành hàng không, góp phần giúp chương trình thí điểm đón khách quốc tế đạt kết quả tốt hơn, tiến đến mở lại hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế.
“Nếu chúng ta chậm trễ trong việc mở lại thị trường bay quốc tế thì không những chúng ta mất đi cơ hội thu hút khách vào đúng thời điểm mà còn chậm trễ trong việc phục hồi những lĩnh vực khác và cao hơn nữa là chúng ta sẽ mất đi năng lực cạnh tranh của ngành du lịch cũng như của nền kinh tế Việt Nam” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết Thành phố đã chủ động khôi phục lại các hoạt động của ngành, đồng thời khôi phục lại thị trường du lịch khách quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh. Từ tháng 10/2021, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tham mưu với UBND Thành phố xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch TP. Hồ Chí Minh thích ứng với dịch Covid-19 với những giai đoạn cụ thể.
Sở Du lịch cũng xây dựng lộ trình cho việc làm mới các sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời xây dựng các tour, tuyến mới để thu hút khách nội địa, khách quốc tế. Có thể kể đến những sản phẩm du lịch đường thủy (cano, du thuyền, bus đường sông), chương trình city tour đến những điểm văn hóa lịch sử lâu đời của TP. Hồ Chí Minh… Lãnh đạo Sở Du lịch kỳ vọng, với những sản phẩm mới này, khi kiều bào về quê hương trong dịp Tết và khách quốc tế đến Thành phố khi mở cửa trở lại sẽ thấy hình ảnh TP. Hồ Chí Minh sôi động và nhiệt tình.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho rằng, muốn mở cửa du lịch thì trước hết phải mở cửa về chính sách giao thông, đi lại, phải có tiêu chí rõ ràng, để những người sử dụng phương tiện, những người muốn đi lại trong nước và nước ngoài hiểu được rõ ràng. Đồng thời, cần mở lại các hoạt động dịch vụ thì du lịch mới có khả năng hoạt động trở lại được vì du lịch có tính tổng hợp, phải có sự vận hành của cả hệ thống.
Ông Kỳ đánh giá nếu Chính phủ cho mở bay thương mại từ tháng 1/2022 thì sẽ rất thuận lợi, lượng khách sẽ về đông, nhất là các bà con kiều bào. Vietravel với vai trò vừa là hãng lữ hành vừa là hãng hàng không cũng đã chuẩn bị rất kỹ cho việc phục hồi đi lại, chuẩn bị cơ sở vật chất, hậu cần để đón bà con cũng như tổ chức tour, đầu tiên là thăm gia đình, sau đó là đi du lịch TP. Hồ Chí Minh tại nhiều điểm. Những điểm du lịch đó sẽ để lại cho bà con rất nhiều dấu ấn trong dịp xuân về sau 2 năm xa cách.
Các vị khách tham dự tọa đàm từ đầu cầu TP. Hồ Chí Minh
Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cho rằng trong bối cảnh Việt Nam cũng như toàn thế giới chuyển sang vừa phòng chống dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế thì hàng không có thể xem là một ngành tiên phong để dẫn dắt khu vực kinh tế và đặc biệt là khôi phục du lịch ở tất cả các nước. Vì đây là phương tiện được ưu tiên lựa chọn bởi sự thuận tiện, an toàn cũng như quy trình đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Bà Bình bày tỏ sự vui mừng với thông tin về việc phục hồi các hoạt động du lịch ở TP. Hồ Chí Minh. Du khách đến TP. Hồ Chí Minh không chỉ vì mục đích công việc hay hội họp mà có thể trải nghiệm rất nhiều dịch vụ du lịch mới. Trong thời gian tới, với tín hiệu tốt như vậy, Vietjet sẽ tiếp tục mở rộng tần suất đường bay nội địa, đưa khách nội địa đến TP. Hồ Chí Minh. Với đường bay quốc tế, hãng này đã lên kế hoạch tăng tần suất đường bay giữa Bangkok và TP.HCM, không chỉ phục vụ khách Thái Lan đến Việt Nam vì mục đích công việc mà còn đưa khách du lịch từ Thái Lan hoặc từ các nước đến Thái Lan đến TP. Hồ Chí Minh để trải nghiệm các dịch vụ mới.
Đánh giá cao kế hoạch và nội dung chuẩn bị của TP. Hồ Chí Minh trong việc tổ chức đón khách du lịch quốc tế quay trở lại, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh bày tỏ sự ủng hộ và cho biết Tổng cục Du lịch đã tổng hợp, báo cáo, tham mưu Bộ VHTTDL trình Chính phủ đưa TP. Hồ Chí Minh vào một trong những địa phương sẽ tiếp tục tham gia thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo lộ trình mà Chính phủ cho phép.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị TP. Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát lại toàn bộ tiêu chí, quy trình đảm bảo an toàn cho khách du lịch cũng như các khu, điểm kinh doanh du lịch một cách chặt chẽ, chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp được phép tổ chức thí điểm đón khách quốc tế. Trong giai đoạn thí điểm ban đầu, TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường đào tạo, tập huấn an toàn với khách du lịch, xây dựng những tour, tuyến sản phẩm mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước để đảm bảo việc đón khách du lịch quốc tế đạt hiệu quả, an toàn.
Để hỗ trợ kiều bào về nước trong thời gian tới, theo ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh cho biết, Ủy ban đang kết nối với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, các cơ quan ngoại giao như các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự, Hội Người Việt Nam ở các nước… Qua đó nắm thông tin của kiều bào muốn về nước và giải đáp thông tin liên quan đến chính sách, thủ tục pháp lý, visa...
Tọa đàm cũng ghi nhận một số ý kiến của các doanh nghiệp liên quan đến kế hoạch chuẩn bị đón kiều bào trở về nước cũng như chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế, công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên các chuyến bay…
Chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, đặc biệt với Vietravel và Viejet, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã hết sức khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành để nghiên cứu điều chỉnh lại hướng dẫn 4122 triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế phù hợp với các quy định mới, tình hình mới.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông để bà con Việt kiều cũng như khách quốc tế biết được những chính sách về thời điểm, lộ trình mở cửa là hết sức quan trọng. Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ trì họp với các trưởng đại diện người Việt Nam ở nước ngoài tại các địa bàn trọng điểm trên thế giới để phổ biến, trao đổi về công tác truyền thông, giới thiệu các cơ chế, chính sách mới và thời gian, quy định cụ thể về việc nhập cảnh cũng như đi du lịch tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục truyền thông mạnh mẽ hơn về những thông tin này qua trang web https://vietnam.travel cũng như các nền tảng mạng xã hội của Tổng cục Du lịch để bà con người Việt sinh sống ở nước ngoài có thể lựa chọn những lộ trình trở về phù hợp, thuận lợi - Tổng cục trưởng cho biết thêm.
Kết lại buổi tọa đàm, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh hiện nay toàn ngành đang tập trung triển khai các chương trình kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt. Tổng cục trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp quan tâm tới 6 nhóm vấn đề then chốt gồm có: bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch; xây dựng sản phẩm mới phù hợp nhu cầu của khách; đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành du lịch; tiếp tục quan tâm hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành; đào tạo và đào tạo lại lao động nhằm phục hồi nguồn nhân lực du lịch vốn đã bị tổn thương rất nặng trong dịch Covid-19.
Trung tâm Thông tin Du lịch