Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Tập trung cơ cấu lại thị trường, khai thác phân khúc giá trị gia tăng cao và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam có sự phát triển vượt bậc và ngày càng thể hiện vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định quan điểm của Đảng và Chính phủ là “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại”.
Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, du lịch là một trong những ngành đầu tiên chịu thiệt hại nặng nề. Dự báo trong năm 2020, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 80%, khách du lịch nội địa giảm 50% so với năm 2019, thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam dự báo lên tới 23 tỷ USD.
Các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục Du lịch tham dự hội nghị (Ảnh: TITC)
Hội nghị về cơ cấu lại thị trường khách du lịch là diễn đàn để các bên cùng tìm định hướng, giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới sau đại dịch Covid-19. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến, nhất là các giải pháp về cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế và du lịch nội địa; Đẩy mạnh khai thác các thị trường khách du lịch tiềm năng mang lại giá trị gia tăng cao cho du lịch Việt Nam; Thúc đẩy chuyển đổi số trong việc khai thác và phát triển thị trường khách cho du lịch Việt Nam theo các xu hướng mới sau đại dịch Covid-19.
Trong báo cáo đề dẫn tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã chia sẻ về hiện trạng cơ cấu thị trường khách du lịch đến Việt Nam những năm gần đây. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn là thị trường Đông Bắc Á, thị trường ASEAN có tỷ trọng ổn định, các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu trình bày báo cáo đề dẫn của Hội nghị (Ảnh: TITC)
Về cơ cấu khách quốc tế theo phương tiện vận chuyển, năm 2019, khách đến bằng đường hàng không chiếm 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, khách đường bộ chiếm 18,7%, còn lại khách đến bằng đường thủy chiếm 1,3%.
Giai đoạn 2015 – 2019, tỷ lệ tổng thu từ khách quốc tế và khách nội địa hầu như không thay đổi với 55% thu từ khách quốc tế và khoảng 45% thu từ khách nội địa.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng nhấn mạnh mục tiêu cơ cấu lại thị trường khách du lịch nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường; Đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới; Tăng trưởng ổn định khách du lịch nội địa, phân bổ cân đối các vùng miền.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: TITC)
Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng cục Du lịch đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp về: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch; Xây dựng cơ chế chính sách; Xúc tiến quảng bá; Chuyển đổi số trong phát triển thị trường khách du lịch; Tăng cường phát triển nguồn nhân lực nhằm hướng sang cơ cấu thị trường mới.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến quảng bá du lịch
Thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ để nghiên cứu, quảng bá, xúc tiến du lịch là một trong những chủ đề chính được quan tâm và thảo luận tại hội nghị. Ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch HG Holdings cho rằng trong tương lai, công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kích cầu ngành du lịch, vì vậy các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ để có kế hoạch kinh doanh hiệu quả.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Tập đoàn HG Holdings (Ảnh: TITC)
Cùng bàn về tác động của công nghệ trong bối cảnh hiện nay, ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã nêu ra những thay đổi trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, marketing hay xúc tiến quảng bá dưới tác động của sự phát triển công nghệ số. Các trải nghiệm của du khách trong mỗi chuyến đi trở nên sống động, thú vị hơn. Công nghệ cũng tạo hiệu ứng tích cực trong hỗ trợ công tác đánh giá thị trường, điều tra và thống kê khách du lịch hay phân tích hành vi của khách du lịch trên các nền tảng dữ liệu lớn (như Google, TripAdvisor, Facebook, Youtube…).
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Ảnh: TITC)
Theo bà Trâm Nguyễn, Giám đốc điều hành tại Việt Nam, Lào, Campuchia của Tập đoàn Google, các kênh du lịch online, đặc biệt là video trực tuyến đã khơi nguồn cảm hứng du lịch cho du khách. Bà Trâm Nguyễn cho biết, để góp phần thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam, Tập đoàn Google đang phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch, Vụ Thị trường du lịch, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) để triển khai hỗ trợ thông qua các dự án tôn vinh vẻ đẹp quốc gia, đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp và cung cấp giải pháp kết nối với khách du lịch. Bà cho biết, các dự án tôn vinh vẻ đẹp quốc gia nổi bật mà Google đã thực hiện là Google Arts & Cultures và Google Adventure Vietnam 2019.
Cơ cấu lại thị trường khách
Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 thì thị trường nội địa được coi là trụ cột nhằm thúc đẩy du lịch phục hồi trở lại. Chia sẻ tại hội nghị, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng đang tập trung tăng tỷ trọng khách du lịch địa phương, tiếp đó mở rộng ra các địa phương lân cận như miền Trung, Tây Nguyên, các khu vực phía Bắc và phía Nam...
Theo đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch, hãng đã tái cơ cấu đường bay, tập trung khai thác các đường bay nội địa và mở nhiều đường bay mới kết nối thêm nhiều điểm đến trong nước. Nhờ đó, hãng đã khôi phục thị trường nội địa, có thời điểm sản lượng vận chuyển nội địa tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù hiện tại du lịch quốc tế chưa mở lại, tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị ngành du lịch cần chuẩn bị cơ sở, nguồn lực và các phương án để sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại ngay sau khi Chính phủ cho phép.
Liên tục làm mới sản phẩm, dịch vụ du lịch
Để thu hút khách du lịch, các doanh nghiệp đang liên tục làm mới mình bằng những sản phẩm, dịch vụ du lịch mới chất lượng và hấp dẫn, đặc biệt là các sản phẩm du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, nghỉ dưỡng, thể thao…
Bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc kinh doanh Sun World (Ảnh: TITC)
Bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc kinh doanh Sun World chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng và nhu cầu đi du lịch của du khách, trong đó ưu tiên chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng. Nắm bắt xu hướng đó, vừa qua, tập đoàn Sun Group đã cho ra mắt Khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh (TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh) với sản phẩm chủ đạo là trị liệu suối khoáng nóng mang phong cách Nhật Bản. Bà Nguyện cho rằng các doanh nghiệp không chỉ cần đầu tư sản phẩm mới, mà cũng cần làm mới những sản phẩm đã có.
Đánh giá cao các ý kiến, đề xuất được chia sẻ tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh đây là thời điểm để ngành du lịch Việt Nam đánh giá, xem xét và cơ cấu lại thị trường du lịch nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Những đề xuất, ý kiến của các đại biểu tại hội nghị ngày hôm nay sẽ được Tổng cục Du lịch tổng hợp và báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 11 tới đây.
Trung tâm Thông tin du lịch