TP Hồ Chí Minh: Tái hiện chợ nổi trên sông Sài Gòn
Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung phát triển tour tham quan bằng đường thủy.
Phát triển du lịch đường thủy, đường bộ, đường hàng không và metro là một trong những nội dung quan trọng nằm trong chiến lược phát triển du lịch của TP Hồ Chí Minh đến năm 2030. Trong đó, thành phố sẽ tập trung phát triển đa dạng tour tham quan thành phố bằng phương tiện đường thủy. Đặc biệt, tour ngắm thành phố từ sông Sài Gòn bằng du thuyền được xem là thế mạnh của Sở Du lịch, hứa hẹn là sản phẩm mới, hấp dẫn theo định hướng phát triển này. Theo đại diện Sở Du lịch thành phố, đây là sự nỗ lực của ngành du lịch thành phố trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, sự sáng tạo, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh để phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế, đặc biệt là phân khúc khách trung và cao cấp.
Theo đó, để phát huy thế mạnh, trong thời gian tới, thành phố sẽ phát triển tuyến du lịch quan trọng trên sông bằng các kế hoạch, chương trình như tái hiện chợ nổi tại khu vực cầu Tân Thuận định kỳ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Đa dạng hóa các dịch vụ giải trí trên các phương tiện đường thủy, kết nối các câu lạc bộ vui chơi, giải trí dưới nước như CLB du thuyền, CLB thuyền hơi, chèo thuyền kayak nhằm thu hút khách tham gia trải nghiệm, tạo không khí nhộn nhịp trên các tuyến sông nội đô. Cũng trong giai đoạn này, Sở Du lịch dự kiến sẽ xây dựng các loại hình tàu nghỉ qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn có quy mô từ 100-200 phòng, tàu gỗ nhỏ vận chuyển từ 10-50 khách nhằm kết nối với các khu vực rạch nhỏ/kênh kết hợp tham quan các di tích lịch sử, đình, chùa làng nghề trên tuyến. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai phát triển sản phẩm với tuyến du lịch đi quận 7 (hướng tuyến từ Bến Bạch Đằng-sông Sài Gòn-kênh Tẻ-rạch Ông Lớn-rạch Đỉa), tuyến du lịch Bạch Đằng-Cần Giờ cùng tuyến du lịch đường thủy từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sở Du lịch cho biết, tại tuyến du lịch quận 7 sẽ nâng cấp, chỉnh trang mỹ quan quanh khu vực bến thủy nội địa. Tạo thêm các chương trình du lịch hấp dẫn, liên kết với các dịch vụ trên tuyến như du ngoạn, ngắm cảnh sông Sài Gòn, ngắm hoàng hôn, thưởng thức ẩm thực, kết hợp tham quan các điểm đến ở đây như Cresent Mall, hồ Bán Nguyệt, cầu Ánh Sao, bảo tàng 3D Artinus… Cùng với đó, đầu tư, liên kết xe điện nối khu vực Phú Mỹ Hưng và cù lao Xanh (Nhà Bè) từ bến Saigon South Marina Club. Phát triển chương trình trải nghiệm dưới nước như chèo thuyền kayak, ca-nô kéo (trạm chèo Sài Gòn), còn riêng tuyến du lịch Cần Giờ sẽ chú trọng đầu tư loại hình du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng-Thạnh An để trở thành địa điểm lưu trú và trải nghiệm du lịch khép kín.
Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu năm 2025 đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch đường thủy/năm và đạt mức tăng trung bình từ 10-15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch đường thủy đến năm 2025 phấn đấu đạt 3.000 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của thành phố. |
Bài và ảnh: Ngọc Phạm