Hoạt động của ngành

Trải nghiệm văn hóa miền Tây Nam Bộ tại Hà Nội

Cập nhật: 30/09/2022 05:51:44
Số lần đọc: 1035
Trong tháng 10/2022, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức loạt sự kiện với chủ đề “Ấn tượng miền Tây” gồm các hoạt động hàng ngày và cuối tuần, nhằm giới thiệu về không gian văn hóa, du lịch một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.  


Chương trình tháng 10 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) mang chủ đề “Ấn tượng miền Tây” với nhiều hoạt động đặc sắc. Trong tháng 10 vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày tại Làng sẽ tái hiện cuộc sống của dân tộc Khmer; hoạt động dân ca, dân vũ: các làn điệu hát lâm thôn, hát múa Rom vông, Xa za van, Lâm lêu; giới thiệu nghệ thuật truyền thống Rô băm, nghi thức cúng Tổ nghề và trình diễn nghệ thuật Rô băm như vở tuồng nàng Sê Đa, chàng P’re Rem và khỉ Krôngzep…

Chùa Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Nguồn: Làng VHDLCDTVN

Đáng chú ý, lễ Ok - Om - Bok (lễ cúng Trăng) của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh được tái hiện vào sáng ngày 23/10. Theo quan niệm của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần có quyền năng chi phối mùa màng trong canh tác nông nghiệp. Sau khi thu hoạch những sản phẩm đầu tiên của mùa vụ, người ta tiến hành nghi thức cúng tế để tạ ơn thần Mặt Trăng đã cho một mùa bội thu, giúp phum sóc no đủ. Lễ hội này là sự phản ánh, lưu giữ và truyền thừa những giá trị tích cực của tín ngưỡng đa thần cổ xưa của một tộc người gắn chặt cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình và cả phum sóc với ruộng đồng, mùa vụ và thiên nhiên.

Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh được giới thiệu trong khung giờ 9h - 10h30 và 14h30 - 16h các ngày 22 và 23/10/2022. Theo tiếng Khmer, "Chầm riêng" có nghĩa là hát, "Chà pây" là tên gọi của một loại đàn, được dùng để đệm sau mỗi đoạn hát. Cả cụm từ “Chầm riêng Chà Pây” có nghĩa là "đàn ca" hay "ca kể chuyện". Ngoài ra, loại nhạc cụ này còn được dùng trong nhạc lễ, nhạc cưới và cúng tế thần (gọi là "Chà pây đơn vênh") hoặc được sử dụng để đệm cho hát múa “À day” đối đáp (song ca nam nữ đối đáp). Ngoài một số bài cơ bản, nghệ thuật này phát triển rất đa dạng về nội dung và phong cách thể hiện, có thể trình diễn ở rất nhiều không gian khác nhau, ở mọi nơi, mọi lúc.

Đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 20 - 23/10, du khách còn được tham quan Không gian văn hoá đặc trưng dân tộc Khmer Nam Bộ tại đây. Tại “Ngôi nhà chung”, chủ thể văn hóa - đồng bào dân tộc Khmer (Sóc Trăng) đang hoạt động hàng ngày tại Làng sẽ tái hiện một số các hoạt động như giới thiệu trang phục dân tộc, nhạc cụ dân tộc, các thể loại sân khấu nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tại không gian nhà dân tộc Khmer.

Bên cạnh nhà Khmer là một không gian văn hóa, nơi đoàn nghệ nhân dân tộc Khmer trình diễn, giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca dân vũ… Những điệu múa đã trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều ca khúc về quê hương ngọt ngào và trong trẻo. Trang trí tiểu cảnh thuyền hoa bên cạnh chiếc cầu khỉ tạo không gian chụp ảnh cho du khách, cũng như gợi nhớ về miền Tây sông nước. Dịp này, du khách có cơ hội tìm hiểu ẩm thực dân tộc Khmer Nam Bộ qua các các loại bánh cổ truyền./.

Nam Anh

Nguồn: Báo Điện tử VOV- vov.vn - Đăng ngày 29/9/2022

Cùng chuyên mục