Trung tâm Thông tin du lịch và UBND huyện Bình Liêu ký kết hợp tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch
Ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch và ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bình Liêu ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025 (Ảnh: TITC)
Nhân dịp này, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia) và UBND huyện Bình Liêu đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bình Liêu cho biết, Bình Liêu đã bắt đầu tập trung phát triển du lịch từ năm 2015 và xây dựng đề án phát triển du lịch. Bình Liêu kỳ vọng, du lịch sẽ là ngành kinh tế tiên phong, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là cơ sở nâng cao đời sống của nhân dân. Thời gian vừa qua, nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, huyện Bình Liêu đang triển khai dự án “Nâng cao năng lực của người dân dân tộc thiểu số trong công tác phát triển du lịch cộng đồng”.
Các lãnh đạo, đại biểu chụp hình lưu niệm (Ảnh: TITC)
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bình Liêu nhấn mạnh, huyện đang rất chú trọng mảng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong du lịch. Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hoàng Ngọc Ngò hy vọng rằng Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) sẽ hỗ trợ huyện triển khai thực hiện và áp dụng Chương trình chuyển đổi số này. Từ đó, du lịch Bình Liêu sẽ được người dân cả nước biết tới nhiều hơn, các điểm đến nổi bật của Bình Liêu sẽ được quảng bá trên các nền tảng số Du lịch Việt Nam do Trung tâm quản lý.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hoàng Ngọc Ngò phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)
Ông Hoàng Quốc Hoà, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số là lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng yêu cầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
Ông Hòa nhấn mạnh, với việc tích hợp dữ liệu du lịch trên cùng một nền tảng, các cơ sở kinh doanh du lịch và du khách sẽ tránh được việc bối rối trong khi sử dụng phần mềm du lịch; hỗ trợ cơ quan quản lý du lịch trong hoạt động quản lý, phát triển du lịch trên địa bàn và cả nước.
Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Hoàng Quốc Hòa phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)
Về nội dung chuyển đổi số, ông Nguyễn Duy Minh - Trưởng phòng Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Thông tin du lịch đã giới thiệu với các đại biểu về chủ trương, định hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch; bộ tài liệu hướng dẫn về chuyển đổi số trong ngành du lịch; việc xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.
Theo đó, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch đã tham mưu các cấp ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đồng thời, Trung tâm Thông tin du lịch đã tập trung phát triển các nền tảng số ở tầm quốc gia nhằm tạo điều kiện hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, qua đó hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: TITC)
Một số nền tảng số cốt lõi ở tầm quốc gia đã được Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) phát triển và đưa vào vận hành, đó là hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam, nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia; ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” là ứng dụng tích hợp đa dịch vụ hỗ trợ khách du lịch; Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia, nhằm hỗ trợ khách du lịch thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử một cách thuận tiện và an toàn.
Hệ sinh thái chuyển đổi số ngành du lịch
Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin du lịch đã và đang hỗ trợ các điểm đến triển khai áp dụng hệ thống vé điện tử như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Đền Quán Thánh (Hà Nội), và đang tiếp tục làm việc với các địa phương, điểm đến khác trong cả nước để triển khai áp dụng hệ thống này.
Cùng với đó, trong ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, Trung tâm Thông tin du lịch đã phát triển các trang mạng du lịch quốc gia như website https://vietnamtourism.gov.vn/ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước; website https://vietnam.travel/ chuyên trách xúc tiến du lịch Việt Nam ra thị trường nước ngoài, và hệ thống các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, YouTube, Instagram...
Ông Nguyễn Duy Minh đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần tận dụng các nền tảng số cốt lõi mà Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phát triển để tiết kiệm nguồn lực và quan trọng nhất là tạo được sự đồng bộ, liên thông dữ liệu, mang lại hiệu quả trong công tác quản lý và kinh doanh du lịch, tạo sự thuận tiện nhất cho khách du lịch.
Cán bộ Trung tâm Thông tin du lịch phổ biến về hướng dẫn về chuyển đổi số trong ngành du lịch (Ảnh: TITC)
Về thống kê du lịch, cán bộ Trung tâm Thông tin du lịch đã phổ biến, cập nhật những điểm mới trong thực hiện chế độ báo cáo thống kê du lịch theo Thông tư 18/2021/TT-BVHTTDL. Các đại biểu đã được giới thiệu phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Thông tư; chế độ báo cáo thống kê và mẫu biểu; trách nhiệm thực hiện của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động du lịch và cơ quan quản lý du lịch địa phương; so sánh một số thay đổi cơ bản giữa Thông tư 18/2021/TT-BVHTTDL và Thông tư 26/2014/TT-BVHTTDL. Đây là bước chuyển đổi số quy trình tính toán, tổng hợp số liệu trong báo cáo thống kê của địa phương, doanh nghiệp theo hướng thuận tiện, nhanh chóng.
Trước đó, trong ngày 21/9, đoàn công tác Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã có buổi khảo sát một số điểm du lịch trên địa bản huyện Bình Liêu như Đình Lục Nà, Bản Ngàn Pạt, Cửa khẩu Hoành Mô, Mốc 1305, Sống lưng khủng long, Mốc 1317, Chợ Đồng Văn, bản Sông Moóc, núi Cao Ly, thác Khe Vằn…
Đoàn khảo sát Trung tâm Thông tin du lịch cùng Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu tại Cửa khẩu Hoành Mô (Ảnh: TITC)
Trung tâm Thông tin du lịch