Hoạt động của ngành

Tuyên Quang: Đánh thức liên kết du lịch vùng Việt Bắc

Cập nhật: 27/08/2024 16:01:17
Số lần đọc: 381
Tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra Lễ khai mạc Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV - Bắc Kạn năm 2024 với nhiều sự kiện ấn tượng. Mục tiêu chính của chương trình là quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch vùng được 6 tỉnh vùng Việt Bắc, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang tổ chức thường niên, luân phiên. Qua đó, tạo tính liên kết, gắn bó và chia sẻ tài nguyên du lịch giữa các tỉnh trong khu vực với nhau.

Tiềm năng lớn

Có thể nói qua một quãng thời gian 15 năm (2009), chương trình đã thực sự đánh thức liên kết du lịch vùng. Nhiều điểm, khu, sản phẩm du lịch được quảng bá, các thỏa thuận được ký kết, tua tuyến du lịch, dịch vụ du lịch được hình thành, tốc độ phát triển du lịch vùng tăng trung bình 15%/năm.

Tuyên Quang là một trong 6 tỉnh vùng Việt Bắc có tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiều nhiệm kỳ qua đều xác định, tập trung phát triển du lịch là một trong ba lĩnh vực đột phá, xây dựng thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Để xây dựng được nền móng du lịch như ngày nay, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng.

Tỉnh Tuyên Quang tham gia 3 gian hàng nông sản OCOP tại Ngày hội Nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc do tỉnh Bắc Kạn tổ chức.

Thực tiễn đã chứng minh không một địa phương nào chú trọng phát triển du lịch mà chỉ đi một mình. Xét về vị trí địa lý, Tuyên Quang cách Thủ đô Hà Nội không xa, khoảng 140 km, là trung tâm của chiến khu Việt Bắc xưa. Từ Tuyên Quang có thể sang Đông Bắc, Tây Bắc hay xuôi về đồng bằng Bắc Bộ đều thuận lợi. Tuyên Quang và một số tỉnh khác đều chung dòng sông Lô oai hùng đổ về sông Hồng. Xét về lịch sử, văn hóa thì Tuyên Quang là bảo tàng cách mạng của cả nước với 660 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 Di tích Quốc gia đặc biệt là Tân Trào (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa) và Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. 

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết,  từ những nét tương đồng về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, 6 tỉnh vùng Việt Bắc đã tích cực hợp tác, liên kết, phát triển du lịch tạo nên hành trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Qua đó, khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên và giá trị di sản văn hóa của các tỉnh trong vùng để giới thiệu tới du khách gần xa. Chương trình đã có những chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, dần đi vào chiều sâu. Nội dung hợp tác gồm xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; hợp tác phát triển nhân lực du lịch địa phương; hợp tác xây dựng hạ tầng giao thông, viễn thông, liên kết du lịch vùng. Cơ chế liên kết, các tỉnh thực hiện theo cơ chế luân phiên làm trưởng nhóm hợp tác đăng cai tổ chức các hoạt động trong một năm.

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”

Các tỉnh vùng Việt Bắc đã thống nhất triển khai 3 sản phẩm du lịch liên vùng chiến lược gồm “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”, “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”, “Từ chiến khu Cách mạng Tân Trào đến Mặt trận biên giới Vị Xuyên”.

Đối với những tỉnh giáp ranh, Tuyên Quang cũng tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Cùng với Hà Giang mở tuyến du lịch “Huyền thoại sông Gâm”, du khách từ huyện Bắc Mê có thể xuôi thuyền xuống hồ sinh thái Lâm Bình, Na Hang và ngược lại. Ông Đặng Văn Khánh, du khách Hà Nội cho biết, đoàn của ông rất ngạc nhiên, khi đoàn có thể hành trình từ Bến thủy Hồ thủy điện Tuyên Quang đi huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang và ngược lại. Trên quãng đường đi đoàn ấn tượng với những rừng cây nguyên sinh, đỉnh núi cao, bồng bềnh mây phủ, xen kẽ các bản làng, khu nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của đồng bào dân tộc. Một chuyến đi có thể hiểu được vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của hai tỉnh.

Việc mở tuyến đường bộ liên kết giữa huyện Ba Bể, Bắc Kạn và Na Hang hiện nay cũng đã và đang được triển khai. Ngoài ra các tuyến đi hồ Thác Bà, Yên Bái; Đền Hùng, Phú Thọ đã được hình thành. Tuyên Quang cũng chủ động quan hệ tốt với hai trung tâm du lịch lớn của cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều hội nghị truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, trưng bày, triển lãm, giao lưu, hợp tác giữa hai bên được diễn ra trong thời gian vừa qua. Tỉnh cũng liên kết, hợp tác với nhiều doanh nghiệp, công ty du lịch lớn như: Vietravel, Vietjet Air; VinGroup, Mường Thanh, Hanoitourist,  Vietrantour, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội…

Tại Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV tại Bắc Kạn 2024, đại diện lãnh đạo 6 tỉnh đã thống nhất phải tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, hấp dẫn, độc đáo hơn nữa. Đồng thời ký kết với Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác truyền thông, để Nhân dân, du khách trong và ngoài nước biết đến du lịch vùng Việt Bắc nhiều hơn. Điển hình như Khu du lịch An toàn khu - Định Hóa (Thái Nguyên); Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); Khu di tích Pác Bó (Cao Bằng); Khu du lịch Mẫu Sơn - Lạng Sơn; Khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang); Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).

 Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn: Báo Tuyên Quang - baotuyenquang.com.vn - Đăng ngày 27/8/2024

Cùng chuyên mục