Hoạt động của ngành

Tuyên Quang: Truyền nhiệt huyết giữ gìn di sản Then cho thế hệ trẻ

Cập nhật: 28/09/2020 07:53:13
Số lần đọc: 978
Những làn điệu Then hòa trong tiếng đàn Tính làm say đắm lòng người là “báu vật vô giá” của đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang.


Tỉnh Tuyên Quang tổ chức nhiều câu lạc bộ để giữ gìn di sản Then. (Nguồn: TTXVN)

Với mục đích bảo tồn, phát huy và vinh danh các giá trị đặc sắc của làn điệu Then, tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của làn điệu Then.

Đặc biệt, hiện nay, thực hành “Then Tày-Nùng-Thái Việt Nam” đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Truyền nhiệt huyết giữ gìn di sản Then cho thế hệ trẻ

Để hiểu hơn về phong trào bảo tồn di sản Then trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi tìm đến Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Tuyên Quang, nơi có câu lạc bộ hát Then-đàn Tính 11 năm tuổi.

Chị Bùi Thị Thu Hồng, Trưởng ban Văn thể, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông tỉnh Tuyên Quang, cho biết Trường có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, học tập và sinh hoạt tại trường. Vì vậy, với mong muốn tạo ra cho các em một “sân chơi” lành mạnh sau giờ học, đặc biệt có thể gìn giữ, phát huy được giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc, năm 2009, chị đã đề xuất với Ban Giám hiệu cho thành lập câu lạc bộ hát Then-đàn Tính Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Tuyên Quang.

Khi mới thành lập, câu lạc bộ chỉ có 10 thành viên là học sinh dân tộc Tày của trường.

Ngoài trực tiếp giảng dạy, chị còn mời các nghệ nhân am hiểu về hát Then, đàn Tính đến dạy cho các em trong câu lạc bộ.

Với ý nghĩa tích cực và nét văn hóa đặc sắc trong hát Then, Câu lạc bộ ngày càng thu hút nhiều học sinh từ 15-18 tuổi tham gia. Đặc biệt, ngoài các học sinh dân tộc Tày, câu lạc bộ còn có các em học sinh người dân tộc Dao, dân tộc Cao Lan tham gia.

Em Đặng Thị Chung, dân tộc Dao, học sinh lớp 10B, thành viên mới tham gia câu lạc bộ, chia sẻ mặc dù, là người Dao nhưng ngay từ nhỏ em đã được tiếp xúc với các làn điệu Then từ các bác dân tộc Tày cùng sinh sống trong thôn. Em cảm thấy làn điệu Then rất hay và rất yêu thích làn điệu này. Do đó, khi vào trường học, biết trường có câu lạc bộ hát Then-đàn Tính, em đã đăng ký tham gia. Vào câu lạc bộ, em không chỉ được học hát Then, học cách đánh đàn Tính, em còn quen được nhiều bạn mới, được các anh chị trong Câu lạc bộ chỉ dạy nhiều điều bổ ích trong học tập và cuộc sống, giúp em vơi đi nỗi nhớ nhà, tập trung vào việc học để không phụ lòng cha mẹ.

Là thành viên đã tham gia Câu lạc bộ được 3 năm, em Nông Hải Vỹ, dân tộc Tày, học sinh lớp 12B, cho biết: “Em rất vui và tự hào vì mình đã đóng góp công sức giữ gìn và phát huy giá trị làn điệu Then của dân tộc. Khi tham gia câu lạc bộ, được cô giáo và các nghệ nhân truyền dạy, em đã biết hát Then, đánh đàn Tính và biết thêm về những giá trị văn hóa đặc sắc trong làn điệu Then của dân tộc. Hiện nay, em đã có thể giúp cô giáo hướng dẫn cách hát Then, cách đánh đàn Tính cho các thành viên mới tham gia câu lạc bộ. Em hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều bạn trẻ tham gia vào việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình…”

Câu lạc bộ hát Then-đàn Tính Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Tuyên Quang hiện có 50 thành viên.

Từ nhiều năm nay, Câu lạc bộ vẫn luôn duy trì tập luyện hát Then, đàn Tính vào chiều thứ Hai và chiều thứ Bảy hàng tuần.

Câu lạc bộ không chỉ giúp học sinh có nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa mà còn góp phần giữ gìn làn điệu Then, lan tỏa ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Nhiều năm nay, Câu lạc bộ thường xuyên mang các tiết mục Then, đại diện cho trường đi giao lưu với các trường ở tỉnh bạn; biểu diễn trong các sự kiện lớn, quan trọng của tỉnh, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản Then.

Để giá trị di sản Then còn mãi với thời gian

Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, người có công rất lớn trong việc sưu tầm, sáng tác, quảng bá làn điệu Then và cây đàn Tính, cho biết Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả và gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi đắng cay của cuộc sống ông cha.

Trong quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại.

Các khúc hát Then thường cầu cho vạn vật được bình an, con người khỏe mạnh, mùa màng bội thu, luôn hướng mọi người làm điều thiện, tránh điều ác…

Nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then là cây đàn Tính - loại đàn được làm từ quả bầu, có hai dây, trên mặt đàn có dát một lớp gỗ mỏng, cần đàn được làm bằng gỗ.

Ngày xưa, dây đàn được làm bằng sợi tơ, nhưng tơ bây giờ rất hiếm nên dây đàn được làm từ dây cước. Nếu như hát Then mà không có cây đàn Tính là mất đi linh hồn của Then.

Với giá trị văn hóa đặc sắc, nhiều năm trở lại đây, việc bảo tồn giá trị di sản Then luôn được tỉnh Tuyên Quang đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hoa, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, cho biết để bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then, Sở đã khuyến khích các địa phương có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống, thành lập các câu lạc bộ hát Then-đàn Tính, truyền dạy cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh, thiếu niên dân tộc Tày nghệ thuật âm nhạc, đàn hát, múa, diễn xướng Then; đưa hát Then, đàn Tính vào dạy trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, dân tộc nội trú; khuyến khích các nghệ nhân lưu giữ, ghi chép lại đầy đủ những khúc hát Then, đặc biệt là các bài Then cổ.

Đồng thời, tỉnh xây dựng Đề án Làng văn hóa du lịch gắn với bảo tồn các làn điệu hát Then tại một số địa phương; tập trung truyền dạy và thực hành hát Then-đàn Tính thông qua việc đào tạo lớp nghệ nhân kế cận, đặc biệt là nghệ nhân trẻ…

Ngoài ra, thực hiện vai trò là tỉnh đầu mối, Tuyên Quang đã phối hợp với 10 tỉnh có di sản Then lập hồ sơ thực hành “Then Tày-Nùng-Thái Việt Nam” trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có khoảng 70 câu lạc bộ hát Then-đàn Tính. Đa số các câu lạc bộ đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả, sinh hoạt 1 hoặc 3 tháng một lần. Số lượng người trẻ tuổi, học sinh biết hát Then và thực hành các làn điệu hát Then đã tăng lên gần 2.000 người.

Chia sẻ về phương hướng bảo tồn di sản Then trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thúy Hoa, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, cho biết thêm Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường việc thành lập các câu lạc bộ, tổ chức dạy âm nhạc, đàn, hát, múa, diễn xướng Then cho thế hệ trẻ; tiếp tục đưa hát Then, đàn Tính vào nội dung các hoạt động ngoại khóa trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hát Then, đàn Tính.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục lập hồ sơ tôn vinh các nghệ nhân am hiểu về Then, khuyến khích các nghệ nhân sưu tầm, truyền dạy kiến thức về Then cho thế hệ trẻ; nghiên cứu, chế tác những cây đàn Tính đặc trưng của dân tộc Tày để phục vụ cho việc học, biểu diễn, tạo ra sản phẩm du lịch; đưa các tiết mục múa, hát Then vào các chương trình văn nghệ phục vụ du khách khi trải nghiệm du lịch cộng đồng./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục