Ulsan (Hàn Quốc): Các nhà lãnh đạo ngành du lịch ra Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu tặng quà kỷ niệm Thị trưởng tỉnh Ulsan Song Cheol Ho
Chương trình có sự tham gia của khoảng 800 đại biểu gồm Lãnh đạo ngành du lịch của một số quốc gia bao gồm Maldives, Tây Ban Nha, Iran, Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Mông Cổ, Pakistan...; cơ quan quản lý du lịch Ulsan và các thành phố khác của Hàn Quốc; Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, cơ sở đào tạo du lịch và sinh viên ngành du lịch Hàn Quốc.
Ông Song Cheol Ho - Thị trưởng tỉnh Ulsan phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc, ông Song Cheol Ho - Thị trưởng tỉnh Ulsan vui mừng cho biết, Hội nghị ngành Du lịch thế giới là sự kiện đầy ý nghĩa, đánh dấu là sự kiện quốc tế đầu tiên do Ulsan đăng cai kể từ sau đại dịch Covid-19. Ulsan là thành phố phát triển về công nghiệp, tuy nhiên giá trị văn hoá và thiên nhiên cũng đầy tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Ông Song Cheol Ho hy vọng sự kiện sẽ quảng bá hơn nữa hình ảnh của du lịch Ulsan tới bạn bè quốc tế và cũng là dịp được nghe nhiều chia sẻ ý nghĩa của các nhà lãnh đạo ngành du lịch, để cùng học hỏi và phát triển. “Chúng ta nên tăng cường hợp tác quốc tế để phục hồi ngành du lịch thế giới bền vững hơn. Ulsan rất mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ vs các quốc gia, địa phương trong tương lai”, Thị trưởng tỉnh Ulsan nhấn mạnh.
Các diễn giả tại chương trình
Ông Harry Hwang, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNWTO cho biết, Ulsan là thành phố giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hoá, năng động phát triển du lịch, đã từng đăng cai Hội nghị của UNWTO về Du lịch Núi. Sự kiện này sẽ là đòn bẩy để Ulsan phục hồi và phát triển du lịch quốc tế sau đại dịch Covid-19.
Tại Diễn đàn, GS. Kazem Vafadari - Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Du lịch châu Á-Thái Bình Dương, Diễn giả chính phát biểu về chủ đề du lịch sinh thái. Theo Giáo sư, du lịch sinh thái trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, trở thành một công cụ hữu hiệu phát triển kinh tế, đặc biệt với các quốc gia không có thế mạnh về công nghiệp. Du lịch có thể bền vững khi các điểm đến có thể quản lý được sức chứa du khách; giữ mức tác động của du lịch đến trong mức giới hạn để bảo vệ thiên nhiên địa phương; điểm đến duy trì được sức hấp dẫn đối với du khách; tìm kiếm các "điểm đến thay thế", chủ yếu là các điểm đến thiên nhiên; mang lại lợi ích cho cộng đồng; phục vụ đối tượng khách phù hợp với mục tiêu phát triển.
Các khách du lịch cộng đồng thường đi thăm các vườn quốc gia và khu vực, các khu vực làng quê/nông thôn. Tuy nhiên du lịch sinh thái cũng phải đối mặt với một số thách thức chính, đó là: lợi ích kinh tế vượt khỏi tay của cộng đồng địa phương; thu nhập du lịch không được sử dụng để phát triển lan toả sang những ngành liên quan...
Toàn cảnh Diễn đàn
Các đại biểu, chuyên gia cũng đã chia sẻ về các nội dung liên quan đến thách thức trong hợp tác giữa du lịch với các ngành liên quan; đảm bảo an toàn cho du khách; chính sách du lịch sau dịch; các việc cần triển khai khi mở cửa du lịch; giải pháp phát triển du lịch bền vững…
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các nhà lãnh đạo du lịch các quốc gia đã đưa ra Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới. Trong đó các bên nỗ lực đảm bảo tất cả khách du lịch trên thế giới có một môi trường du lịch an toàn; ưu tiên hàng đầu cho hỗ trợ du lịch sinh thái; cố gắng bảo tồn môi trường tự nhiên của thiên nhiên; lan tỏa sự đồng thuận của khách du lịch trên toàn cầu đối với du lịch sinh thái…
Các nhà lãnh đạo ngành du lịch đưa ra Tuyên bố tầm nhìn chung về du lịch sinh thái thế giới
Trung tâm Thông tin du lịch/Vụ Hợp tác quốc tế