Hành trang lữ khách

Về thăm vùng đất “địa linh nhân kiệt” Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương)

Cập nhật: 30/08/2019 08:39:52
Số lần đọc: 1454
Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia. Hiện di tích này thuộc xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Côn Sơn, Kiếp Bạc tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang và được coi là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với khu di tích danh thắng này.

Khu quần thể được bao bọc bởi rừng cây bạt ngàn xanh ngút ngát, chủ yếu là thông, suối Côn Sơn chảy rì rầm từ Bắc xuống Nam, giống như tiếng đàn cầm vang vọng giữa mênh mông màu xanh của núi rừng. Bắc qua suối là cây cầu Thấu Ngọc đã đi vào thơ ca, sử sách. Côn Sơn phía Bắc giáp núi Ngũ Nhạc, cao 238 m, trên đỉnh có miếu “Ngũ Nhạc linh từ” thờ thần núi. Ngay bên cạnh là núi Kỳ Lân (còn gọi là núi Côn Sơn) cao 200 m, trên đỉnh có Bàn Cờ Tiên và di tích nền của Am Bạch Vân.

Quần thể Khu Di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc khá rộng. Khách thập phương có thể phải dành cả ngày mới có thể đi hết khu quần thể này. Nếu Kiếp Bạc là trung tâm nội đạo thờ Đức Thánh Trần, thì Khu Di tích Côn Sơn còn được biết đến là một trong những trung tâm Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm Đại Việt mà Trần Nhân Tông đã sáng lập vào thế kỷ XIV. Côn Sơn cũng là nơi thờ Trần Nguyên Đán và Nguyễn Trãi. Côn Sơn, Kiếp Bạc là một trong những di tích tiêu biểu mang ý nghĩa kết tinh tư tưởng tam giáo đồng nguyên: Phật giáo - Nho giáo - Lão giáo. Nơi đây là mảnh đất có bề dày văn hóa hiếm có. Ở Côn Sơn, văn hóa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ nhưng tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt. Những nét văn hóa thú vị này hiện vẫn còn lưu lại đầy đủ và rõ ràng trên các công trình xây dựng, các bia đá, tường thờ, hoành phi...

Đặc biệt, ở Côn Sơn hiện có rất nhiều công trình kiến trúc giá trị và có ý nghĩa to lớn về lịch sử xây dựng, mỹ thuật của ngành kiến trúc Việt Nam. Ngoài các công trình mang ý nghĩa về thiết kế, tạo tác, trạm trổ kỳ mỹ, Tòa cửu phẩm Liên hoa có thể được xem là kiến trúc đặc biệt về kỹ thuật bởi có thể xoay được cả tứ hướng. Đây là một công trình kiến trúc cho thấy kỹ thuật xây dựng độc đáo, tài tình của cha ông ta ngày xưa. Hiện tòa nhà đang được trùng tu và các trụ đá vẫn có thể quay tứ phía sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Cùng nằm trong quần thể, được nối với nhau bởi hệ thống giao thông nội bộ khá đẹp với cây cối xanh mát, Kiếp Bạc nằm cách Côn Sơn khoảng 3km. Kiếp Bạc là địa danh lừng lẫy bên lục đầu giang (nơi hội tụ của sáu con sông là sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình). Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi.

Sau cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lừng lẫy, Trần Hưng Đạo đã chọn Kiếp Bạc lập trại bản doanh. Nơi đây có vị trí đắc địa về phong thủy, hình thế hiểm yếu về quân sự và có tứ linh quần tụ. Đây cũng chính là nơi Hưng Đạo Vương đã tập hợp 20 vạn quân, hơn 1.000 thuyền chiến đánh trận Vạn Kiếp, tiêu diệt 20 vạn quân Nguyên Mông, kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ 2. Và cũng chính từ căn cứ này, Hưng Đạo Vương và Vua Trần Nhân Tông đã tổ chức phản công đánh trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng, tiêu diệt 30 vạn quân giặc, kết thúc thắng lợi 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông của dân tộc.

Sau khi Trần Hưng Đạo mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với đất nước, Nhân dân địa phương đã lập đền thờ ở vị trí trung tâm chỉ huy xưa, đặt tên là Kiếp Bạc và tôn ông làm Đức Thánh Trần. Điểm nhấn tham quan của khu di tích này là Đền Kiếp Bạc, hai bên là chùa Nam Tào và chùa Bắc Đẩu.

Khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Đến Kiếp Bạc, Côn Sơn là đến với miền đất có bề dày lịch sử, văn hóa, đất “địa linh nhân kiệt”. Du khách đến đây đều mong muốn được bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn các bậc anh hùng, tiền nhân với lòng thành, hướng thiện.../.

Nguồn: baolamdong.vn

Cùng chuyên mục