Vi vu diều sáo Song Vân, Bắc Giang
Đến xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, không khó để bắt gặp hình ảnh những cánh diều đủ màu sắc căng mình trong gió, lơ lửng giữa không trung cùng những tiếng sáo trầm bổng ro ro, đu đu…
Ở Song Vân, người người chơi diều, nhà nhà chơi diều. Mỗi khi đi làm đồng, người dân Song Vân đều không quên mang theo những con diều to, nhỏ đủ loại rồi tranh thủ tháo những cuộn dây dài hàng trăm mét để “đâm” diều trước khi lao động. Ông Nguyễn Văn Thịnh, người chơi diều sáo lâu năm của làng cho biết, diều sáo Song Vân được thả cả ngày lẫn đêm, trừ những ngày giông bão hay mưa lớn: “Đấy là cái đam mê của người dân Song Vân, nghe tiếng sáo diều, nhìn cánh diều bay bổng ngân nga trên bầu trời, ai mà không thích”.
Người làng Song Vân còn truyền tai nhau câu chuyện ông Thịnh mê thả diều đến mức quên cả đi nhổ lạc cho vợ dù trời sắp mưa. Khi chúng tôi nhắc đến chuyện này, ông chỉ tủm tỉm cười. Ông cũng chẳng giấu nghề mà khoe luôn: “Diều muốn lên trời cao đứng im hoặc đứng lâu thì tôi khẳng định là không ở đâu theo được ở đây. Muốn vậy, mình phải vót làm sao phân đôi từ giữa ra hai đầu hai bên bằng nhau, cho nó thuôn đều. Sau khi mình vo lại mà hai đầu nó khum đều thì mình được dây cung. Thực ra cung nó phải hơi cứng một tý, gãy hay không thì giữa bao giờ cũng phải to và mình cứ thuôn dần gọi là vót đuôi chuột hai bên đầu hai bên đều nhau như thế là đỗ là lên…”.
Chia tay ông Thịnh “mê diều”, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Lộc, một “cao thủ” của làng trong làm sáo diều. Ông Lộc cho biết, muốn tiếng sáo kêu theo ý thì phải biết căn chỉnh miệng sáo làm sao phải thật chuẩn: “Đấy mới là người thợ làm giỏi, tay nghề giỏi.”
Với những người cao tuổi ở Song Vân, còn sức khỏe là còn chơi diều. Còn lớp trẻ của làng, niềm đam mê ấy cũng luôn được lưu truyền và tiếp nối. Có em 9-10 tuổi đã tự biết làm diều để mang đi “đâm”.
Thú chơi diều sáo ở Song Vân như những mạch nguồn chảy mãi, tạo nên bức tranh làng quê vô cùng đẹp đẽ và bình dị./.