Non nước Việt Nam

Việt Yên (Bắc Giang) - miền văn hóa cuốn hút du khách

Cập nhật: 19/10/2020 09:20:43
Số lần đọc: 793
Triền đê bờ Bắc sông Cầu nơi vẫn còn bao khóm tre, bờ cỏ, tiếng sáo diều vi vu đưa ta về vùng đất Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). Nơi đây có những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách. Từ ngạc nhiên với kiến trúc tiểu sành “độc lạ” ở Thổ Hà, ta lại bị “mê hoặc” bởi siêu vườn tháp cổ chùa Bổ Đà…

Tiểu sành, mảnh sành… đã tạo nên nét kiến trúc khác lạ.

Khi ta đang mải miết xem kho kinh khắc trên gỗ thị độc đáo, thì những bô lão quan họ ở Trung Đồng đã mời gọi tới nghe canh hát mộc mạc tình quê…

Độc, lạ kiến trúc tiểu sành

Chúng tôi bắt chuyến đò sáng sớm ở bến Vân Hà để từ phường Vạn An (TP Bắc Ninh) qua sông Cầu sang đất Thổ Hà (Việt Yên). Về làng cổ ba mặt giáp sông Cầu bây giờ đâu đâu cũng là những giàn phơi bánh đa nem, bánh đa vừng- lạc, mì gạo…

Nghề gốm xưa đã mai một, nhưng dấu tích, hồn cốt của nó vẫn hiện hữu ở mọi nơi. Chúng tôi được nghe các cụ cao niên ở Thổ Hà kể rằng sản phẩm chủ đạo của làng gốm xưa là đồ sành sứ như: Chum, vại, bình lọ và đặc biệt là tiểu sành.

Tiểu sành là thứ đồ dùng để đựng hài cốt của người chết khi làm lễ sang cát. Với ý nghĩa liên quan đến chốn cất, trong suy nghĩ của nhiều người, tiểu sành là thứ đồ đáng sợ, kiêng kị. Nhưng ở Thổ Hà, chẳng biết từ bao giờ lại coi tiểu sành như một chất liệu để xây tường, làm bờ kè ven sông… Cứ như thế, từ đời này sang đời khác, chiếc tiểu sành gắn bó gần gũi với người Thổ Hà từ lúc sinh ra, lớn lên và sau khi mất đi.

Đi vào từng con ngõ, chúng tôi sửng sốt khi nhìn lên những bức tường tiểu sành hai bên. Vôi vữa trên mảng tường bị bong tróc, lộ ra những chiếc tiểu sành xám, đỏ xếp lên nhau xen lẫn cùng loại gạch cổ. Chiếc tiểu sành nguyên vẹn cùng những mảnh vụn được người Thổ Hà xưa cho tất lên tường. Có ngôi nhà mà gần như phần tường đầu hồi được xây bằng tiểu sành, mạch chít bằng thứ vôi trộn với tro rơm, cùng cả bùn đất lấy từ sông Cầu…

Thấy chúng tôi tò mò, lạ lẫm, nhiều người dân chạy ra niềm nở, mời vào tận nhà xem. Có những chiếc bếp cũ xây bằng gạch, mảnh sành, tiểu sành mà chủ nhà bảo đã sống qua 4 thế hệ. Có hộ đã xây dựng nhà tầng, nhà gác nhưng vẫn giữ lại ngôi nhà, căn bếp lồ lộ, trần trụi chỉ toàn tiểu sành, gạch cổ như để hoài niệm, trân trọng những gì đã qua. Họ bảo rằng nhìn kỳ dị thế thôi, chứ nhà xây kiểu này bền chắc và mát mẻ lắm!

Những căn nhà trình tường đắp đất của đồng bào miền núi, nhà cổ bằng đá ong xứ Đoài (Hà Tây cũ)… dường như đều chào thua nhà cổ làng Thổ Hà. Đến Thổ Hà, du khách mới thực sự biết thế nào là kiến trúc “độc, lạ”, có một không hai. 

Gần bờ đê sông Cầu, mọi người càng ngạc nhiên hơn khi bắt gặp cả một bờ bao được kè hoàn toàn bằng tiểu sành. Những chiếc tiểu sành chẳng cần vôi vữa, xếp lên nhau qua bao mưa nắng vẫn giữ cho gò đất không bị xói mòn, rửa trôi. Trên gò ấy, cây đa quanh năm tỏa bóng mát để người già, trẻ nhỏ ngày ngày nô đùa, hàn huyên tâm sự...

Mãn nhãn vườn tháp, kho kinh cổ

Tạm biệt Thổ Hà, chúng tôi tiếp tục men theo đường đê rồi rẽ vào thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn để đến chùa Bổ Đà. Bước chân đến cổng chùa, du khách bị cuốn hút ngay bởi vẻ đẹp của tường đất rêu phong cổ kính bao quanh.

Sơn môn chùa Bổ Đà đưa du khách tới ngắm trọn vườn tháp. Nơi đây có diện tích lên đến gần 9.000 m2, là nơi lưu giữ tro cốt, xá lị của hàng nghìn cao tăng, thiền sư trong cả nước của thiền phái Lâm Tế. Vườn tháp mộ chùa Bổ Đà được đánh giá vừa có quy mô lớn nhất, vừa đẹp nhất trong số các cổ tự ở Việt Nam.

Nếu vườn mộ tháp toát lên vẻ kỳ vĩ, cổ kính thì trong Tàng kinh chùa Bổ Đà là sự ấn tượng, độc đáo của bộ kinh Phật khắc trên gỗ thị. Trước đây, cây thị mọc nhiều quanh chùa, gỗ có đặc điểm nhẹ, dẻo dai, bền chắc. Các nhà sư từ thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) đã cho khắc kinh Phật lên gỗ thị nhằm mục đích giảng đạo, lưu trữ tư liệu cho hậu thế. Trải qua gần 3 thế kỷ, đến nay bộ mộc bản kinh Phật vẫn còn khá nguyên vẹn khoảng 2.000 ván khắc. 

Chúng tôi được chiêm ngưỡng 10 giá đựng mộc bản với chữ Hán - Nôm khắc ở gáy rõ nét. Ngoài ra mọi người còn được xem một số ván kinh tiêu biểu do nhà chùa trưng bày. Những nét chạm khắc tinh xảo thể hiện nghệ thuật tài hoa của các bậc nghệ nhân xưa, khiến chúng ta không khỏi trầm trồ.

Quan họ đậm đà tình quê

Mảnh đất bờ bắc sông Cầu thuộc huyện Việt Yên còn đưa du khách đến với những làng quan họ cổ. Khi 49 làng quan họ được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của thế giới (tháng 9/2009) thì huyện Việt Yên đã có 5 làng. Đến nay số làng quan họ cổ được quy hoạch đưa vào bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Yên lên tới 19 làng (trong tổng số 23 làng ở cả tỉnh Bắc Giang). Nếu như các di sản vật thể ấn tượng, độc đáo ở Việt Yên làm du khách tìm đến, thì làn điệu quan họ thắm đượm hồn quê níu chân khách ở lại lâu hơn.

Hát quan họ trên sông Cầu.

Qua vùng quan họ cổ ở Việt Yên, ấn tượng đọng lại sâu lắng nhất trong tôi là hình ảnh, lời hát của những bô lão chơi quan họ ở làng Trung Đồng, xã Vân Trung. Chẳng cần lễ hội, về Trung Đồng bất kể dịp nào trong năm, du khách yêu thích quan họ cổ đều được các cụ cao niên mời ra cửa đình nghe hát. Những bài quan họ cổ do chính người Trung Đồng sáng tác được các cụ say sưa hát. Nào là "Em là con gái Trung Đồng", "Đêm qua", "Đôi ta như chỉ mới xe"… được hát lên trong âm thanh mộc mạc, giản dị thắm đượm tình quê, trân quý biết bao!

Đến Việt Yên, du khách sẽ được thỏa mãn mọi giác quan từ nghe nhìn đến ăn uống. Đó là cảm giác lạ mắt với kiến trúc độc đáo ở Thổ Hà, mãn nhãn vẻ đẹp cổ kính của vườn tháp, được xem, nghe canh hát quan họ trên sông, cửa đình… rồi thưởng thức món bánh đa dân dã, say trong hơi men mỹ tửu làng Vân… 

Có lợi thế, nhưng sự quảng bá, gắn kết, liên kết để tạo ra các tour du lịch như: “Về nghe quan họ bờ bắc sông Cầu", "Trải nghiệm làng cổ Thổ Hà"… một cách bài bản, thu hút thì ở đây chưa làm được. Thực tế ấy đòi hỏi những người làm du lịch, các cơ quan chức năng ở địa phương suy ngẫm, tạo bước đột phá mới cho du lịch ở vùng đất này.

Nguyễn Thị Hường

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT