Non nước Việt Nam

Làng Trường Sanh- Quảng Trị

Cập nhật: 28/09/2020 10:20:51
Số lần đọc: 1389
Trường Sanh là một làng cổ phía nam huyện Hải Lăng, được hình thành từ xa xưa trong quá trình Nam tiến của người Việt, tạo nên một hương thôn khá đặc biệt của vùng quê Quảng Trị. Làng được hình thành dọc theo con nước Ô Lâu, dòng sông chan chứa huyền thoại và tình sử tạo nên một thủy đạo chảy từ Tây sang Đông, thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh láng giềng Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Làng Trường Sanh nay thuộc xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Dòng sông Ô Lâu -Ảnh: TL​

Qua tìm hiểu thư tịch và qua thực tế cho thấy, Trường Sanh từ xưa đã có tên đầy đủ là đại xã Trường Sanh, nghĩa là làng lớn với ngũ giáp. Thạc sĩ Yến Lê Đức Thọ, Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh cho rằng: Làng Trường Sanh là một làng cổ của Quảng Trị, nơi có lịch sử hình thành làng xóm rất đặc biệt, đó là từ gốc phát xuất chỉ có một làng theo cơ cấu tổ chức xã hội truyền thống kiểu “đại xã” (làng lớn). Trong một làng lớn ấy, các đơn vị cư trú được tổ chức theo những tập hợp được gọi là giáp - một tổ chức đơn vị cư trú phi hành chính nhưng là thành tố tạo nên làng kiểu đại xã. Đó là Đoan Trang/Trường Sanh ngũ giáp (5 giáp).

Trong quá trình phát triển, có điều đặc biệt là các giáp này không tách ra toàn bộ để lập nên các làng con theo kiểu “tiểu xã” mà vẫn nằm trong làng mẹ. Ngoại trừ giáp Phước tách ra thành làng Trường Phước (nay thuộc xã Hải Lâm) vì địa giới đất đai nằm tách bạch ra khỏi làng mẹ. Chính vì thế, Trường Sanh đại xã - ngũ giáp đến nay vẫn còn tồn tại 4 giáp: Đông - Mỵ - Trung - Hậu mà từ sau năm 1945, khi có sự chuyển đổi quy mô đơn vị hành chính cơ sở cấp làng thì cũng được gọi thành 4 thôn: Đông - Mỵ - Trung - Hậu nhưng mọi thiết chế văn hoá truyền thống đều vẫn nằm chung trong Trường Sanh đại xã.

Quá trình hình thành đại xã Trường Sanh cho đến hôm nay trải qua nhiều thế kỷ. Dù qua nhiều dâu bể vẫn còn những văn bản ghi nhận theo thời gian năm tháng. Theo thống kê, đến nay có gần 30 sắc phong của triều đình ban cho làng và các họ tộc. Các dòng họ dù đến trước đến sau vẫn chung lưng đấu cật, một lòng vì làng vì nước, tối lửa tắt đèn có nhau, càng đậm đà tình làng nghĩa xóm cũng như một lòng cung kính với tổ tiên, nhất là trong mỗi dịp tề tựu ở đình làng. Rất nhiều thế hệ người Trường Sanh đã sinh hạ trên mảnh đất này, vẫn giữ truyền thống tốt đẹp của làng dù qua nhiều binh đao, tao loạn. Ông Lê Văn Hách, Trưởng Ban Bảo tồn văn hóa làng Trường Sanh khi trò chuyện đã nói lên tình yêu và lòng tự hào về làng quê của con dân Trường Sanh dù đang ở quê hay là người xa xứ.

Làng vốn xưa kia có tên là Đoan Trang, sau vì kỵ húy hiệu ngài Đoan quận công Nguyễn Hoàng nên vào cuối thế kỷ XVI, đầu thời Chúa Nguyễn, đổi thành tên gọi Trường Sanh tồn tại cho đến ngày nay, gồm 4 thôn, hơn 1.000 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu. Đến nay, làng có tất cả 14 dòng tộc và hệ phái, có họ đồng tộc, có họ đồng tôn. Các vị thủy tổ khai canh thuộc các thế hệ đầu của làng Trường Sanh từng đã được các vua Triều Nguyễn sắc phong vì có nhiều công lao trong việc canh điền, lập ấp, tạo dựng làng xóm, giúp lập cho nước, che chở cho dân. Thế tục con cháu các dòng tộc của làng Trường Sanh tính từ các vị thủy tổ đến nay đã qua 18 - 20 đời. Đất đai của làng Trường Sanh không ngừng được canh khẩn và mở rộng. Theo một văn bản Hán - Nôm kê khai công điền thổ kiến canh, phụ canh, tịch lưu hoang cùng tam bảo điền thổ của làng Đoan Trang đến năm Quang Hưng thứ 12 (năm 1589) là gần 1.600 mẫu ruộng, nghĩa là ruộng cò bay thẳng cánh, chưa kể núi rừng bát ngát phía tây của làng. Vì thế ngày xưa mới có câu tục ngữ ví von “Đất An Lộng, động Trường Sanh”.

Dạo quanh làng Trường Sanh sẽ thấy quy mô của làng rộng lớn, điển hình cho một làng đồng bằng bề thế, một điểm nhấn của vựa lúa Hải Lăng-Quảng Trị từ ngàn xưa cho đến hôm nay. Những công trình tâm linh, những mái nhà dù mới mẻ vẫn gợi lên dáng vẻ cổ xưa, những cánh đồng trải dài trong nắng chói chang, những con đường quê hương nối chân người và những tấm lòng hướng về nguồn cội.

Một Trường Sanh đất rộng, người đông, cũng là cổ hương tên tuổi định danh từ nhiều thế kỷ, đã thành làng, thành xóm, thành quê hương bản quán từ ngày xửa, ngày xưa đã thành nhớ, thành thương. Có một đại xã Trường Sanh nồng nàn mà đằm sâu như thế thì đâu dễ gì mà có thể phôi phai.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn: Báo Quảng Trị

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT