Hoạt động của ngành

Vĩnh Phúc phấn đấu là điểm đến nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế

Cập nhật: 03/02/2021 08:09:36
Số lần đọc: 589
Khai thác tiềm năng, lợi thế để đầu tư xây dựng các công trình lớn có quy mô, tầm vóc một cách tinh tế, chiến lược, Vĩnh Phúc đã và đang tạo sức hút, khẳng định vị thế về du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và vươn tầm thế giới.
Khu du lịch Tam Đảo ngày hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Thế Hùng
 

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 01 về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011 - 2020; Chương trình hành động số 41 của Tỉnh ủy để thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch của tỉnh có tính cạnh tranh cao, bền vững, phát huy lợi thế về du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; phát huy lợi thế liên kết vùng để thu hút khách du lịch nội địa, khách quốc tế; phấn đấu là điểm đến nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.

Từ lợi thế về tự nhiên, Vĩnh Phúc đã khai thác một cách có chiều sâu, tôn trọng cảnh quan sinh thái; đồng thời, đầu tư, xây dựng các dự án ven hồ, cải tạo làm đẹp rừng, góp phần gìn giữ thiên nhiên và phát huy hiệu quả tiềm năng.

Những năm qua, Vĩnh Phúc đã chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm.

Đồng thời, tập trung phát triển thị trường và sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, lễ hội, tâm linh, các di tích, danh thắng; đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái.

Đồng thời, kêu gọi đầu tư xây dựng loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, gắn kết với các điểm du lịch hồ Xạ Hương, Làng Hà, Đại Lải, khu nghỉ mát thị trấn Tam Đảo.

Trước mắt, tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng có tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù như: Tam Đảo, Đại Lải.

Quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất ngành Du lịch. Đặc biệt là việc đầu tư phát triển kết nối hạ tầng giao thông; tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng....

Đến nay, Khu du lịch Tam Đảo đã “thay da đổi thịt”, tiềm năng được đánh thức đúng lúc, đúng hướng với hàng loạt các dự án lớn đầu tư như khu Lâu Đài, Khách sạn nghỉ dưỡng Venus đạt tiêu chuẩn 4 sao, khu thương mại, dịch vụ, ẩm thực… của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng.

Các khu resort, nhà hàng và hàng trăm khách sạn đẳng cấp… với nhiều kiến trúc độc đáo; dịch vụ được nâng cấp nhờ phong cách phục vụ, đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng của du khách. Tam Đảo 2 cũng đang được triển khai với các dự án nghỉ dưỡng, vui chơi quy mô, độc đáo…

Du lịch Đại Lải sáng giá trên bản đồ Việt Nam và thế giới nhờ Khu Flamingo Resort - từng được một Tạp chí Quốc tế bình chọn vàoTop 10 khu nghỉ dưỡng đẹp nhất hành tinh. Với tổ hợp dịch vụ cao cấp: Ẩm thực, thể thao, nghỉ dưỡng… đã đem đến cho du khách sự lựa chọn phong phú.

Tại đây với hàng nghìn biệt thự, căn hộ; trong đó hệ thống 179 căn biệt thự trên cao của Flamingo được quản lý theo tiêu chuẩn hiện đại và chuyên nghiệp bậc nhất của Wyndham.

Với kiến trúc rừng xanh, "vương quốc hoa hồng" và vườn treo, đường dạo trên cao độc đáo, Flamingo có tòa nhà Forest In The Sky thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan và nghỉ dưỡng cùng nhiều trải nghiệm thú vị qua 11 nhà hàng, quầy bar, hầm rượu trong tổ hợp nghỉ dưỡng 4 mùa phong phú, đậm phong cách Á - Âu.

Hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp lớn nhất miền Bắc; hệ thống bể bơi nước nóng ngoài trời, các khu thể thao, vui chơi giải trí Flamingo Play World có quy mô lớn nhất Việt Nam…

Giữa thiên nhiên tươi đẹp ven hồ Đại Lải đã có gần 120 tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong và ngoài nước; Flamingo đã trở thành “điểm vàng” đáng sống, đánh thức tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng của vùng đất được vinh danh trong Top 10 resort đẹp nhất thế giới.

Hiện, Tập đoàn Flamingo và Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng đã và đang là các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tinh tế, có sức hút riêng biệt cho du lịch Việt Nam.

Trong 3 năm trở lại đây, khách du lịch tới Vĩnh Phúc tăng cao, năm 2017, lượng khách hơn 4,4 triệu lượt; năm 2018 là 5,2 triệu lượt, doanh thu đạt 1.670 tỷ đồng; 2019 là 6,1 triệu lượt, doanh thu đạt 1.910 tỷ đồng.

Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách chỉ đạt hơn 4,7 triệu lượt, doanh thu 1.255 tỷ đồng.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 445 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có 4 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, gần 50 khách sạn 2 sao; 24 khách sạn 1 sao và gần 400 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2009.

Toàn tỉnh có 14 đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó 6 đơn vị có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế với thị trường khách Inbound chủ yếu từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2021, Vĩnh Phúc phấn đấu đón 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 48.500 lượt; doanh thu du lịch đạt 2.500 tỷ đồng.

Bước đi bền vững theo lộ trình đã hoạch định, du lịch Vĩnh Phúc có cơ hội để ghi danh trên bản đồ thế giới và trở thành điểm đến nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế trong tương lai không xa.

Thu Thủy

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Cùng chuyên mục