Xây dựng sản phẩm du lịch học đường từ di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, niềm tự hào và tự tôn dân tộc cũng như ý thức trách nhiệm đối với đất nước. Khai thác giá trị di sản thông qua du lịch với sản phẩm du lịch học đường là giải pháp đáp ứng được yêu cầu trên.
Lễ hội đền Hùng. Ảnh: Dương Thanh Xuân
Giá trị tiêu biểu của di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt không chỉ bởi giá trị, ý nghĩa mà còn bởi loại hình, cấu trúc. Đây là di sản đầu tiên thuộc loại hình tín ngưỡng được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cũng là di sản có nhiều giá trị quan trọng đối với người Việt và lịch sử dựng nước, giữ nước của người Việt.
Giá trị lịch sử: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương phản ánh tương đối đa dạng diện mạo văn hóa và lịch sử của đất nước ở thời kì sơ sử, đã được chứng minh từ huyền sử cho tới chính sử (khảo cổ học, liên ngành văn hóa học). Đó là bức tranh cuộc sống người Việt với nền văn minh lúa nước, lối sống định cư trong các xóm làng, phong tục và văn hóa truyền thống của dân tộc như đắp đê trị thủy, thờ cúng tổ tiên, cưới hỏi, trầu cau, bánh chưng bánh dầy...
Giá trị văn hóa tâm linh: Với hạt nhân cốt lõi là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mở rộng là sự tích hợp, đan quyện của nhiều tín ngưỡng dân gian như thờ thần núi, thờ thành hoàng, thờ anh hùng dân tộc, thờ danh nhân văn hóa, thờ mẫu, thờ lúa, thờ trời... Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một di sản có vị thế đặc biệt trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc. Trong thời kì phong kiến, các vương triều không chỉ đưa “các vua Hùng” từ huyền sử vào chính sử mà còn giao nhiệm vụ cúng tế với nghi thức “quốc tế” (lễ tế cấp nhà nước) cho chính quyền địa phương Phú Thọ.
Giá trị bản sắc văn hóa dân tộc: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, phong tục, tập quán của cư dân văn hóa lúa nước. Là một di sản văn hóa phi vật thể, song hợp phần của di sản rất đa dạng, từ truyền thuyết, thần tích, thần phả, sắc phong, các cơ sở thực hành tín ngưỡng phân bố trong toàn tỉnh, trong cả nước, hệ thống nghi thức thờ cúng, lễ hội, diễn xướng... Tất cả tạo nên một chỉnh thể có hệ thống, lớp lang về một sáng tạo văn hóa độc đáo trải qua chiều dài lịch sử lâu đời của người Việt gắn với nền văn hóa lúa nước, gắn với những giá trị, những khái niệm mang tính bản sắc của dân tộc như “con Rồng, cháu Tiên”, “ơn tổ tiên, nghĩa đồng bào”, “uống nước nhớ nguồn”...
Giá trị cố kết cộng đồng: Tín ngưỡng đã có hành trình từ “làng” lên “núi”, từ thờ nhiên thần tới nhân thần rồi trở thành biểu tượng cội nguồn - Quốc tổ trong đại gia đình 54 dân tộc anh em, có ý nghĩa gắn kết cộng đồng cả trong chiều dài thời gian và chiều rộng không gian. GS. Hà Văn Tấn đã nhận định: “không ở đâu trên trái đất này, có một dân tộc tin rằng, có một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để một ngày trong năm, hành hương về tưởng niệm”.
Giá trị giáo dục: Xuyên suốt trong lịch sử, hình tượng các vua Hùng và những truyền thuyết đẹp về thời đại vua Hùng đã có một ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục tư tưởng, đạo lý cho các thế hệ người Việt. Việc Bác Hồ chọn đền Hùng là nơi gặp gỡ các chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong 308 ngày 19/9/1954 trước khi về tiếp quản Thủ đô là một sự kiện có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống, có tác dụng khích lệ tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc của toàn dân. Câu nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đã trở thành một đúc kết mang giá trị giáo dục lớn.
Giá trị tinh thần, tư tưởng: Việc triều Lê Sơ cho soạn Ngọc phả Hùng Vương (1472) với sự trân trọng, đề cao các hoạt động thờ tự các vua Hùng mang ý nghĩa tạo dựng một cơ sở niềm tin có hệ thống về nguồn gốc của người Việt. Văn bản này có giá trị như một bản “quốc phả”, một bản “lý lịch” dân tộc hun đúc ý thức cội nguồn và niềm tự hào cho người Việt, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc và ý thức tự lập tự cường vượt qua mọi biến cố lịch sử...
Bản sắc văn hóa dân tộc được phân bố rộng khắp. Ảnh: Tạ Ngọc Xuân
Du lịch học đường gắn với di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Ở góc độ giáo dục, du lịch học đường là hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường dành cho học sinh nhằm giảm tải áp lực học tập. Những khái niệm tương cận hoặc có thể thay thế là “study tour” hay “giáo dục trải nghiệm”. Tuy nhiên, du lịch học đường cần được hiểu là một hình thức học tập trải nghiệm bổ trợ cho học tập trong trường thông qua tương tác trực tiếp tại bối cảnh thực tế. Theo các nghiên cứu gần đây, “trải nghiệm” có thể được phân cấp ở ba mức độ: cấp độ 1 là tham quan (loại trải nghiệm mang tính vui chơi và tùy hứng); cấp độ 2 là giờ học thực tế (trực quan cảm nhận thực tế và ghi lại, mô tả lại, viết cảm nghĩ sau chuyến thực tế); cấp độ 3 là hoạt động trải nghiệm sáng tạo (yêu cầu cao về đáp ứng năng lực tư duy, sáng tạo của học sinh).
Trên địa bàn nhà nước Văn Lang cổ - tỉnh Phú Thọ ngày nay còn lưu giữ và ghi danh 345 cơ sở thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Những ngôi đình, đền, miếu hiện còn di tích hoặc phế tích, những thần tích, thần phả, văn bia, di sản Hán Nôm liên quan cùng những cổ tục, sinh hoạt thờ cúng, thực hành tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội, trò diễn, diễn xướng liên quan vô cùng phong phú, đặc sắc. Ngoài Khu di tích lịch sử đền Hùng, một số điểm tài nguyên đã bắt đầu được lựa chọn khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch như: làng Hùng Lô với sinh hoạt thực hành Tín ngưỡng và biểu diễn hát xoan (hình thức hát cửa đình liên quan chặt chẽ đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương); đình làng Đào Xá, một trong những di tích thờ cúng Hùng Vương được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đầu tiên; miếu Lãi Lèn - được coi như nhà hát đầu tiên của Việt Nam; làng Minh Nông với Lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa; dự án phục dựng đền thờ Lang Liêu - “ông tổ nghề ẩm thực” của Việt Nam… Đây là nguồn lực dồi dào cho việc nghiên cứu, lựa chọn, thiết kế các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Hiện nay, ở Phú Thọ có 11/26 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa có sản phẩm du lịch học đường, song hầu hết mới dừng lại ở cấp độ 1 với những chuyến đi dã ngoại, điểm đến là di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, thư viện, khu du lịch sinh thái - vui chơi giải trí, trang trại giáo dục... với hoạt động tham quan, nghe thuyết minh, tham dự các hoạt động hoạt náo, trải nghiệm đơn giản, tự nguyện. Các điểm đến còn hạn chế về số lượng, có thể kể những điểm liên quan đến di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như đền Hùng, đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn, bảo tàng Hùng Vương...
Hát xoan kết nối cộng đồng. Ảnh: Phạm Chính Trung
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch học đường gắn với di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Về nội dung giáo dục di sản, cần nghiên cứu, xây dựng những chương trình du lịch nâng cao tính trải nghiệm từ ý nghĩa, giá trị của di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Có thể sử dụng những hình tượng trong truyền thuyết như hoàng tử Lang Liêu, công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa…; sử dụng các tích truyện cổ, phong tục cổ, biểu tượng văn hóa độc đáo như voi chín ngà, gà chín cựa, bánh chưngbánh giầy, hạt lúa thần, bọc trăm trứng, dải lụa đào của mẹ Âu Cơ… làm chủ đề, ý tưởng sáng tạo cho người học.
Có thể thiết kế nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo đa dạng, thu hút người học như: tham gia các nghi thức thực hành tín ngưỡng tại các đình, đền, miếu thờ cúng Hùng Vương, các lễ hội, sự kiện gắn với di sản, các trò chơi, trò diễn dân gian; vẽ tranh và sáng tạo trên gốm theo các thiết kế từ hệ thống biểu tượng văn hóa thời Hùng Vương (Đào Xá, Thanh Thủy); thực hành sinh hoạt nông nghiệp truyền thống (cấy/thu hoạch lúa, tát cá, làm cỏ...). Trong đó cần ưu tiên lựa chọn các điểm đến có tích hợp nhiều hợp phần di sản như làng cổ Hùng Lô như: tham quan kiến trúc đình cổ, nhà cổ, thực hành tín ngưỡng, thưởng thức hát xoan, gói bánh chưng truyền thống, sinh hoạt dân gian (chợ quê, trò chơi dân gian)… Việc xây dựng chương trình du lịch học đường tại những điểm đến cần phải có những nghiên cứu, lựa chọn nghiêm túc, sát thực và thuyết phục đối với từng hợp phần cũng như giá trị cụ thể của di sản.
Theo thống kê, cả nước có khoảng trên 1.410 cơ sở thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Mỗi năm, vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội đền Hùng, hầu khắp các địa phương đều có các sinh hoạt, sự kiện tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc. Theo đề án tổ chức giỗ tổ Hùng Vương hằng năm, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự gắn kết trong việc “góp giỗ” với tỉnh Phú Thọ. Điều đó thể hiện tính khác biệt, sự độc đáo riêng có của di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Việc xây dựng các sản phẩm mang nội dung giáo dục về di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ có thể là tiền đề kết nối với sản phẩm du lịch học đường ở các địa phương trong toàn quốc cũng như với cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Nội dung của sản phẩm này có thể được thiết kế với hai thành tố cơ bản: một là, điểm đến di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (hơn 200 di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; hàng nghìn cơ sở thực hành tín ngưỡng khắp cả nước); hai là, nội dung trải nghiệm lựa chọn trong hệ thống những kết quả nghiên cứu về thời kì Hùng Vương, những thành tựu văn hóa đặc trưng của thời kì dựng nước nói chung và các hợp phần của di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng như đã phân tích ở trên.
Giáo dục di sản trong nhà trường hay du lịch học đường không chỉ là một giải pháp cho giáo dục truyền thống và đào tạo con người Việt Nam mà còn là phương cách hữu hiệu đáp ứng đa mục tiêu kinh tế - văn hóa – xã hội trong bối cảnh hiện nay. Du lịch học đường khai thác các giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có thể là một sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của vùng đất Tổ và cũng sẽ là một mẫu hình sản phẩm giáo dục di sản phù hợp với chủ trương giáo dục hướng đến/thông qua trải nghiệm cho học sinh hiện nay của ngành Giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Chí Bền, Đặc điểm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Tạp chí Di sản văn hóa, Số 2 (35) - 2011)
2. Phan Huy Lê (2015), Di sản văn hoá Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.85
3. Số liệu thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Thọ năm 2005 và 2018
Nguyễn Thị Huyền
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021)