Non nước Việt Nam

Gìn giữ bản sắc dân tộc Ơ Đu

Cập nhật: 20/08/2021 15:35:28
Số lần đọc: 1077
Nền văn hoá người Ơ Đu là một phần của nền văn hóa Việt. Nguy cơ mai một nền văn hoá này cho thấy cần tích cực gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc Ơ Đu, để bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.


Theo nghiên cứu lịch sử, dân tộc Ơ Đu xa xưa sinh sống ở lưu vực sông Nậm Nơn, Nậm Mộ trải dài từ huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Tộc người Ơ Đu xưa có một xã hội khá phát triển. Họ sống bằng nghề làm ruộng, phát nương làm rẫy, đào đãi vàng, chài lưới và buôn bán trên sông. Những địa danh như: Xiêng Tắm, Xiêng Lăm, Tạ Xiêng... luôn tấp nập thuyền, bè xuôi ngược.

Hiện nay, người Ơ Ðu sinh sống tập trung ở hai bản Xốp Pột và Kim Hoà, xã Kim Ða, huyện Tương Dương. Ở Lào họ hợp với nhóm Tày Phoọng cư trú ở tỉnh Sầm Nưa. Năm 2006, Nhà nước xây dựng thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Đu di dời về tái định cư tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, dân tộc người Ơ Đu hiện có 428 người, được xác định đây là một trong năm tộc người có dân số ít nhất Việt Nam cần phải bảo tồn, lưu giữ.

Trong đời sống văn hoá, theo chị Mạc Thị Tím (bản Văng Môn) tiếng Ơ Đu học rất khó, mặt khác lại ít sử dụng để giao tiếp hàng ngày, nên chỉ nói được vài câu chào hỏi xã giao, hiện chỉ có một số cụ trên 70 tuổi mới nói được tiếng Ơ Đu.

Các nhà nghiên cứu văn hoá cũng đã cho thấy, ngôn ngữ dân tộc thể hiện trình độ phát triển, văn hóa và tư duy của từng tộc người. Vì thế khi một ngôn ngữ trong cộng đồng 54 dân tộc anh em bị mất đồng nghĩa với một phần bản sắc văn hóa Việt Nam cũng bị “nghèo” đi. Điều đó cho thấy tính cấp thiết trong việc bảo tồn tiếng nói, ngôn ngữ của dân tộc Ơ Đu.

Trước những biến động trong nhiều giai đoạn lịch sử, do dân số ít, sống xen kẽ với người Khơ Mú và Thái, trong quá trình sống và giao thoa với các nền văn hoá khác làm tộc người Ơ Đu đứng trước nguy cơ mai một.


Mẫu nhà sàn truyền thống của người Ơ Đu. (Ảnh: D Bình)

Trong hôn nhân người Ơ Đu tuân thủ nguyên tắc “ngoại tộc hôn”, cùng một dân tộc không được lấy nhau. Bởi vậy, người con dâu, con rể của dân tộc này thường là người dân tộc khác. Được biết, bản Văng Môn có 99 hộ người Ơ Đu thì có 44 phụ nữ Thái và 52 phụ nữ Khơ Mú làm dâu. Chỉ có 3 trường hợp người Ơ Đu trong họ lấy nhau, họ là những trường hợp yêu thương nhau tha thiết, vượt qua nhiều khó khăn, rào cản văn hoá, tập tục để đến với nhau.

Đồng bào Ơ Đu có hệ thống lễ hội như Tết Nguyên đán, Tết cơm mới. Ngày hội lớn nhất là lễ đón tiếng sấm trong năm. Ngày đó, cư dân khắp nơi đổ về mở hội tế trời, mổ trâu, bò, lợn ăn mừng tại bản Xốp Pột, xã Kim Ða. Trong tín ngưỡng, người Ơ Ðu tin rằng khi chết đi linh hồn ngụ tại bãi tha ma, hồn gốc ở chỏm tóc ở lại làm ma nhà. Ma nhà chỉ ở với con cháu một đời theo thứ tự từ con trai cả đến con trai thứ. Khi các con trai đã chết hết, người ta làm lễ tiễn ma nhà về với tổ tiên…

Người Ơ Ðu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước, canh tác theo cách phát, đốt, gieo hạt. Mùa lúa gieo hạt từ tháng 4-5 âm lịch, thu hoạch vào tháng 9-10. Công cụ gồm dao, rìu, gậy, chọc lỗ. Ngoài lúa là cây trồng chính, còn trồng ngô, đỗ, sắn, bầu, bí. Hái lượm và săn bắn có ý nghĩa thiết thực với đời sống đồng bào.

Chăn nuôi trâu bò, lợn gà, dê cũng khá phát triển. Trâu, bò dùng làm sức kéo, kéo cày; lợn gà sử dụng trong các dịp cưới, nghi lễ tín ngưỡng... Ðan lát đồ gia dụng bằng giang, mây, một phần tiêu dùng, phần để trao đổi hàng hoá. Xưa họ còn biết dệt vải.


Trang phục truyền thống của người Ơ Đu. (Ảnh: D Bình)

Công tác bảo tồn, an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc Ơ Đu

Theo thống kê của UBND huyện Tương Dương, đến cuối năm 2020, dân tộc Ơ Đu có 135 hộ gia đình với 383 nhân khẩu. Trong đó, bản Văng Môn tập trung 99 hộ với 273 nhân khẩu, chiếm 73,3% số hộ và 71,3% nhân khẩu Ơ Đu. Phần còn lại cư trú rải rác ở các xã Xá Lượng, Tam Đình, Thạch Giám, Lượng Minh (Tương Dương), Thanh Sơn, Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương).

Những năm gần đây, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ ở huyện Tương Dương đã được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, được phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập…

Với đồng bào Ơ Đu đã có điện lưới về tới các thôn, bản (tỷ lệ hộ có điện dùng đạt 99 -100%), được thụ hưởng các chính sách xã hội, trong đó phải kể đến là các Đề án Hỗ trợ phát triển dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2006-2010 với kinh phí là 4 tỷ đồng. Kết thúc dự án, đời sống kinh tế và hạ tầng kỹ thuật của người dân có khá hơn.

Để hỗ trợ phát triển tộc người đặc biệt này, năm 2017, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025 với kinh phí 120 tỷ đồng, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người Ơ Đu một cách bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của họ; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu...

Những nỗ lực của Trung ương và địa phương đã đem lại những mảng sáng cho đời sống đồng bào dân tộc Ơ Đu. Được biết bản Văng Môn đã được đầu tư 15 giếng khoan; 20 khung cửi phát triển nghề dệt may truyền thống; 77 chuồng bò hiện đại và 304 con bò giống; 77 máy cắt cỏ, cải tạo 8,5 ha đất trồng cỏ và cung cấp cỏ giống. Nhà văn hóa được xây dựng với kinh phí 4,5 tỷ đồng, rộng, đẹp cùng các thiết bị loa đài, hỗ trợ đội văn nghệ của bản; mở các khóa học tiếng Ơ Đu...

Về trình độ học vấn, bản Văng Môn có 19 người được đào tạo cơ bản (12 người có trình độ đại học, 7 cao đẳng, 2 trung cấp), 65 trẻ em theo học các cấp (36 học sinh tiểu học, 18 trung học cơ sở, 11 trung học phổ thông).

Những giải pháp nỗ lực, đầu tư nâng cao đời sống, dân trí, hạ tầng kỹ thuật đã có, nhưng sự mai một về văn hóa thì vẫn luôn đe dọa cộng đồng này. Điều đó cho thấy sự quan tâm không chỉ là đầu tư tài chính, hay kết cấu kỹ thuật hạ tầng. Thực tế nền văn hoá người Ơ Đu vẫn trong tình trạng bị đồng hoá trước những nền văn hoá người Thái, người Khơ Mú, cần có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia tâm huyết và những chính sách hiệu quả, để phát huy vai trò của chủ thể văn hóa.


Đồng bào dân tộc Ơ Đu, bản Vang Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, giới thiệu Lễ mừng tiếng sấm, một đặc trưng văn hoá của dân tộc mình. (Ảnh: D Bình)

Kinh nghiệm thực hiện ở một số địa phương và từ các chuyên gia nghiên cứu về bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc thiểu số chỉ ra rằng: Cần tích cực hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số thông qua hình thức dạy tiếng, chữ viết của các dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng sâu, vùng xa nơi có dân tộc thiểu số cư trú.

Cần xây dựng cơ chế duy trì và phát triển ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số như khuyến khích, bắt buộc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong giáo dục bậc tiểu học, đẩy mạnh truyền thông về giá trị, cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Đưa chỉ tiêu giáo viên tiểu học là người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, tộc người Ơ Đu đang sinh sống huyện Mường Khu, Xiêng Khoảng (Lào) có 48 hộ với khoảng 242 người còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của người Ơ Đu, thậm chí cả ngôn ngữ và chữ viết. Đây là nguồn tư liệu sống, giúp cho công tác nghiên cứu, bảo tồn một tộc người có nguy cơ mai một.

Để bảo tồn văn hóa tộc người Ơ Đu, cần phát huy sức mạnh cộng đồng người Ơ Đu. Đó là sự liên kết giữa các thành viên trong tộc người, quan hệ họ hàng cũng như các mối liên kết khác được hình thành từ trong quá trình lịch sử. Đồng thời quy hoạch xây dựng lại bản Văng Môn theo cấu trúc không gian làng, bản truyền thống của người Ơ Đu cổ xưa; phục dựng các lễ hội quan trọng như lễ Chăm phtrong, lễ ăn cơm mới, rước hồn lúa và mừng nhà mới.

Kinh nghiệm tổ chức mô hình “làng dân tộc truyền thống” ở một số nước trong khu vực đã cho thấy hiệu quả tích cực trong công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản, đồng thời tạo một sản phẩm du lịch văn hoá hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế địa phương từ nền tảng truyền thống, thích ứng với sự phát triển chung của đời sống, xã hội trong thời kỳ mới.

Dương Bình

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT