Non nước Việt Nam

Một ngày cho trang phục dân tộc

Cập nhật: 23/08/2021 08:52:34
Số lần đọc: 602
Ở thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, khoảng cách giữa con người với nhau được rút ngắn nhờ những cú “click chuột” hay lướt nhẹ tay trên điện thoại thông minh. Việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nghề truyền thống của địa phương, bởi vậy, cũng trở nên dễ dàng hơn hẳn.



Cửa hàng nhỏ của H’Tuyết (ở tổ dân phố 10, thị trấn Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) được nhiều người tìm đến đặt may các bộ trang phục dân tộc.

Chị Rơmah H’Tuyết, người con gái dân tộc Gia Rai tài hoa ở tổ dân phố 10, thị trấn Phú Thiện (tỉnh Gia Lai), giữ nghề may trang phục truyền thống bằng vải thổ cẩm với nhiều kiểu dáng đa dạng, phong phú. Còn thầy giáo Tưih, người dân tộc Ba Na (ở làng Dur, xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai), hiện thực hóa ý tưởng thiết kế các mẫu váy cưới, váy dạ hội bằng thổ cẩm bắt mắt, phù hợp xu hướng của giới trẻ… Chính việc kết hợp thú vị sản phẩm thời trang hiện đại trên nền chất liệu thổ cẩm Tây Nguyên đã thu hút được đông đảo khách hàng gần xa. 

Để tiếp sức cho những nỗ lực đáng quý từ thế hệ trẻ các dân tộc thiểu số nói chung và thế hệ trẻ các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng, cần có những giải pháp thiết thực và cụ thể. Trước hết, những nghệ nhân, người trẻ đam mê nghề dệt, may thổ cẩm, và các nghề truyền thống khác cần được duy trì không gian (hội thi, cuộc thi, lễ hội văn hóa dân tộc…) để vừa thể hiện tài năng, vừa tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nhất là giữa những người trẻ và lứa nghệ nhân tiền bối giàu kinh nghiệm.

Với những người thụ hưởng văn hóa truyền thống, trực tiếp là cộng đồng người Gia Rai, Ba Na, Ê Đê… sinh sống tại các địa phương, luôn cần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa đặc trưng, đồng thời khuyến khích bà con mặc trang phục truyền thống vào dịp lễ, Tết, hiếu hỷ… Cán bộ, công chức người địa phương, cũng có thể mặc đến công sở trong một số ngày nhất định trong tuần, như cách TP Huế đang thử nghiệm với áo ngũ thân, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. 

Đầu tháng 3, phụ nữ trên toàn quốc đã tích cực hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” vừa để tôn vinh áo dài, vừa thể hiện niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam với áo dài truyền thống của dân tộc. Thiết nghĩ, với các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, có lẽ cũng nên có một ngày riêng để tôn vinh trang phục truyền thống, nhằm củng cố thêm niềm tự hào về di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Ksor H’Yuên

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT