Non nước Việt Nam

Nét đẹp Tết rằm tháng 7 của người vùng cao Bắc Kạn

Cập nhật: 24/08/2021 14:23:45
Số lần đọc: 752
Trong văn hóa của người dân vùng cao Bắc Kạn, nhất là người Tày, Nùng, rằm tháng 7 là dịp lễ tết rất quan trọng trong năm. Nét đẹp văn hóa này vẫn được nhiều người dân duy trì và gìn giữ.



Người Tày mang đồ lễ đi nhà ngoại dịp rằm tháng 7 (Ảnh sưu tầm)

Từ lâu, người dân vùng cao Bắc Kạn đã có quan niệm "Tết cả năm không bằng rằm tháng 7". Vì vậy, ngay từ mùng 10, người dân ở các bản làng đã đi chợ phiên sắm gạo nếp, nhu yếu phẩm, chuẩn bị vịt thịt, làm bánh, làm bún… để ăn Tết. Đến ngày 14, 15 âm lịch, mọi người dừng hết mọi việc để ăn rằm. Những cô gái đi lấy chồng về thăm cha mẹ, gia đình, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ.

Người Tày, Nùng quan niệm rằng, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng, phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên nhà chồng. Chính vì vậy, ngày rằm tháng 7 là dịp người phụ nữ cùng chồng con mình trở về nhà bố mẹ đẻ để tỏ lòng hiếu thuận. Việc này không chỉ thể hiện sự báo hiếu cho cha mẹ đẻ của mình mà còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ của mình đã vất vả khó nhọc sinh thành và chăm sóc cho cô gái mà mình lấy về làm vợ. Quà cho cha mẹ thường là một đôi vịt béo, một chục bánh rậm... Nhiều gia đình còn dành thời gian làm bún thủ công, làm các loại bánh gai, bánh hoa chuối... Đây đều là những sản vật của núi rừng Bắc Kạn. Ngày Tết, cả gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương.


Bánh lá gai cũng là món ăn không thể thiếu dịp rằm tháng 7

Chị Hoàng Thị Thơm quê tại huyện Bạch Thông, hiện lập gia đình Ba Bể cho biết, do ở xa, công việc lại bận quanh năm nên lâu lâu 2 vợ chồng mới có dịp được về quê vợ, nhưng dịp lễ rằm tháng 7 thì không thể không về. Năm nào cũng vậy, cứ ngày 14 âm lịch là cả nhà lại chuẩn bị đồ đạc, đặc biệt là không thể thiếu một đôi vịt để cả nhà “Pây tái” nhà ngoại.

Tết rằm tháng 7 âm lịch là một dịp lễ truyền thống lâu đời của người Việt nói chung. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, đền ơn đáp nghĩa đối với bậc sinh thành. Đối với người dân vùng cao Bắc Kạn, Tết rằm tháng 7 đặc biệt quan trọng. Dù cách làm, phong tục mỗi nơi, mỗi dân tộc khác nhau nhưng tấm lòng hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên trong ngày rằm tháng 7 đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng là cơ hội để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, trong dòng tộc, họ hàng và tình đoàn kết giữa mọi người với nhau. Nét văn hóa đặc sắc, đậm tính nhân văn ấy cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển./.

Hương Lan

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Bắc Kạn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT