Hoạt động của ngành

Xứ Thanh - miền đất địa linh, nhân kiệt

Cập nhật: 02/04/2019 09:20:12
Số lần đọc: 1049
Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm dựng n­ước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, xứ Thanh được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ, nơi chứng kiến và in dấu nhiều sự kiện lịch sử và văn hóa trọng đại của dân tộc.

Thiên nhiên hào phóng và khéo sắp đặt đã tạo cho miền đất này hội đủ các địa hình sinh thái: Núi, trung du, đồng bằng và biển cả lại còn là vùng Tây Bắc chạy dài. Từ bao đời nay, các sử gia đã viết về đất và người xứ Thanh đầy xúc cảm: Địa hình “Mặt Đông trông ra biển lớn, mặt Tây khống chế rừng dài. Bảo Sơn châu chặn hiểm ở phía Nam (tục gọi là Eo Ông), giáp huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; núi Tam Điệp dăng ngang ở phía Bắc. Ở trong thì sông Mã, sông Lương, sông Ngọc Giáp hợp nhau; ở bên ngoài thì núi Chiếc Đũa, núi Biện Sơn che chở, thực là một trọng trấn có hình thế tốt”.

Tỉnh Thanh với 102 km bờ biển, 2 đảo và 1 bán đảo, thềm lục địa có diện tích rộng 18.000 km2 là ngư trường đánh bắt hải sản tiện lợi, làm nên văn hóa ẩm thực, mang đậm hương vị biển khơi. Ở các cửa lạch, nơi sông gặp biển hình thành nên những cửa sông lớn, là nơi tụ hợp đông dân cư chài lưới, đánh cá, chế biến hải sản và buôn bán. Dọc dài theo chân sóng, nhiều nơi “núi nhoài ra tận biển”, tạo cho tỉnh Thanh có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, như: Thắng cảnh Thần Phù, bãi An Tiêm, cửa biển Linh Trường, Lạch Bạng, thắng cảnh Thập Bát Mã Sơn... và các bãi biển kỳ thú, như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, vụng biển Nghi Sơn. Biển xứ Thanh không chỉ có non xanh, nước biếc, sóng vỗ đầu ghềnh, nắng vàng bãi cát mà còn ẩn chứa biết bao huyền thoại, cổ tích của ngày hôm qua, ngày hôm nay và những câu chuyện tình của biển.

Từ non cao về với biển khơi, sông Mã không chỉ có 54 thác lớn nhỏ tô đẹp cho đại ngàn hùng vĩ nơi miền Tây xứ Thanh, cung cấp dòng nước mát lành mà còn ăm ắp mỡ màu bồi đắp phù sa, mở ra miền đồng bằng rộng lớn, êm ả chảy giữa đôi bờ lúa ngô tươi tốt và những xóm làng trù phú, làm nên những mùa vàng mong ước. Đồng bằng sông Mã là vựa lúa lớn thứ ba của đất nước, mùa nào thức ấy những phẩm vật do tạo hóa ban cho và được người dân nơi đây lao động để nuôi sống mình và cả muôn người. Đồng bằng sông Mã xứ Thanh, nơi có dòng sông chảy suốt hàng vạn năm không khi nào ngơi nghỉ ấy còn trầm tích các lớp văn hóa, nuôi lớn sức vóc và tâm hồn các thế hệ người dân xứ Thanh hôm qua, hôm nay và cả những ngày sau.

Cùng với biển rộng, sông dài, miền núi tỉnh Thanh có hệ thống rừng nguyên sinh Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên... với thảm thực vật, động vật phong phú, nhiều loài được ghi trong sách đỏ. Son Bá Mười (Lũng Cao, Bá Thước), Cổng Trời... có khí hậu ôn đới mát mẻ không kém gì Sa Pa, Tam Đảo. Thác Ma Hao, thác Trai Gái, thác Bảy Tầng, thác Muốn, thác Voi... tầng tầng thác đổ vọng tiếng non ngàn. Hệ thống hang động: Hang Bo Cúng, hang Co Láy, hang Poong, hang Luôn Lang, hang Khua... Xuân Thủy (Quan Sơn), hang Mường Vạn Xuân (Thường Xuân), hang Phi (Quan Hóa), động Vĩnh An, động Từ Thức, động Trường Lâm... với các nhũ đá thiên tạo, kỳ thú. Hệ thống hồ Bến En, Đồng Mực, Kim Sơn, Suối cá Cẩm Lương... là những công trình tuyệt tác mà bà mẹ tạo hóa đã ban tặng cho xứ Thanh. Miền núi phía Tây trải bao đời là căn cứ địa kháng chiến, rừng che đoàn quân nghĩa, rừng vây hãm và ngăn bước quân thù. Từ núi rừng miền Tây này một cánh quân của nghĩa quân Lam Sơn hồi thế kỷ XV đã sử dụng để tiến quân ra Bắc vây hãm và tiêu diệt quân xâm lược nhà Minh ở Thăng Long. Căn cứ kháng chiến của Tống Duy Tân, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước và các nghĩa sĩ yêu nước hưởng ứng chiếu Cần Vương. Vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, con đường này là một trong những tuyến huyết mạch được quân đội ta chọn để chi viện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Nằm ở vị trí thuộc Bắc Trung bộ, Thanh Hóa kết nối giữa đồng bằng Bắc bộ rộng lớn với khu vực miền Trung dài và hẹp. Về địa chất, miền núi Thanh Hóa là sự nối dài của Tây Bắc bộ trong khi đồng bằng Thanh Hóa là đồng bằng lớn nhất Trung bộ, nhiều thành phần dân tộc cùng cư trú. Hiện nay, Thanh Hóa có 7 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú từ bao đời đoàn kết bên nhau cùng chung sống, bức khảm tộc người đó ở tỉnh Thanh làm phong phú thêm sắc màu cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ở vào vị trí mở, cửa ngõ vào Nam ra Bắc và cũng là điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế, chính những yếu tố về địa lý, tự nhiên đã đem đến cho mảnh đất này nhiều dấu ấn đậm nét về lịch sử và văn hóa. Xứ Thanh miền đất gợi về quá khứ hào hùng từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, một miền văn hóa nguồn cội. Nếu như con sông Hồng đã làm nên nền văn minh Việt phía Bắc thì sông Mã tỉnh Thanh cũng góp phần làm cho văn minh Việt phát triển rực rỡ với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng.

Lịch sử đã từng in dấu ấn sâu đậm trên miền đất này trong suốt nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Xứ Thanh là miền đất cổ, cách đây khoảng 6.000 năm đã có con người tối cổ sinh sống, từ địa bàn rừng núi tiến ra trước núi, kéo xuống đồng bằng rồi chiếm lĩnh biển khơi. Thời đại đồ đá cũ có: Núi Đọ, hang Con Moong, hang Làng Tráng, mái đá Điều; thời đại đồ đá mới có: Đa Bút, cồn Cổ Ngựa, Gò Trũng, Hoa Lộc; thời kỳ văn hóa Đông Sơn với di chỉ khảo cổ học Đông Lĩnh, Cẩm Giang, Đông Sơn, núi Chè... đã minh chứng xứ Thanh là một trong những nơi ngọn nguồn của sự hình thành con người từ thời kỳ đồ đá đến thời kỳ đồ đồng. Với văn hóa biển, tương ứng với văn hóa Hạ Long, Sa Huỳnh ở tỉnh Thanh có văn hóa Gò Trũng, Hoa Lộc. Sang đầu thời đại kim khí, thuộc thời đại đồ đồng, qua các bước phát triển với các giai đoạn trước văn hóa Đông Sơn, Thanh Hóa đã trải qua một tiến trình phát triển với các giai đoạn văn hóa: Cồn Chân Tiên, Đông Khối - Quỳ Chữ tương đương với văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun ở lưu vực sông Hồng. Tiếp đó là nền văn minh Văn Lang cách đây hơn 2.000 năm, văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa với kỹ thuật chế tác đồ đồng và trống đồng đạt tới đỉnh cao đã tỏa sáng rực rỡ trong đất nước của các vua Hùng. Không chỉ là di chỉ khảo cổ mà truyền thuyết và di tích thời đại Hùng Vương từ vùng đất tổ trung châu đã theo các dòng sông lớn về tận miền đất Cửu Chân với các truyền thuyết về Thánh Gióng, núi Sóc (Vĩnh Lộc), Mai An Tiêm (Nga Sơn), di tích Hùng Trinh Vương (Yên Bái, Yên Định), Phan Tây Nhạc (Hà Yên, Hà Trung), An Dương Vương (Quảng Châu - Quảng Xương, Nghi Sơn - Tĩnh Gia)...

Miền đất xứ Thanh hầu như không hề chia tách kể từ bộ Cửu Chân, một trong mười lăm bộ của sự phân chia hành chính thời các vua Hùng. Thanh Hóa trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam vốn có nhiều tên gọi khác nhau qua từng thời kỳ, như Cửu Chân bộ thời Hùng Vương; Tượng quận thời Tần; Cửu Chân quận thời Hán; thời Ngô được chia làm hai quận: Cửu Chân và Cửu Đức; đến đời Lương Vũ Đế (502-549), vùng phía Bắc quận Cửu Chân được tách ra, lập làm Ái Châu. Thời Tùy (589-617), Ái Châu lại lệ vào quận Cửu Chân. Đến nhà Đường (618-907) thì tách ra làm hai quận Ái Châu và quận Cửu Chân. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), Lý Thái tổ đổi 10 đạo trong cả nước làm 24 lộ, châu Hoan (Nghệ An nay) và châu Ái (Thanh Hóa nay) làm trại... Cái tên Thanh Hóa xuất hiện từ thời Lý và tồn tại cho đến ngày nay, về sự kiện này căn cứ vào ghi chép của Khâm định Việt sử thông giám cương mục là bộ chính sử quan trọng thứ hai của lịch sử Việt Nam (sau Toàn thư) là sách Cương mục thì địa danh hành chính Thanh Hóa xuất hiện vào năm Thiên Thành thứ 2 triều Lý Thái tông (1029). Cụ thể, tại tờ 20, quyển 21 sách Cương mục có đoạn chép về Thanh Hóa: “Xưa, thời Hùng Vương là quận Cửu Chân, đời Tần thuộc Tượng quận, đời Hán là quận Cửu Chân, đời Ngô - Tấn - Tống cũng theo đó [là Cửu Chân].

Đời Lương Vũ đế đổi Cửu Chân làm Ái Châu, đời Tùy trở lại tên gọi là quận Cửu Chân. Đời Đường thì phân tách và bố trí thành hai quận Ái Châu và Cửu Chân. Triều Đinh, Lê gọi là Ái Châu. Triều Lý đổi là trại. Năm Thiên Thành thứ hai (1029) đổi làm Thanh Hóa phủ)”.

Xứ Thanh là mảnh đất có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hóa, xuyên suốt từ thuở các vua Hùng dựng nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, xứ Thanh luôn là miền đất hiểm yếu để hợp binh, chờ thời cơ diệt giặc, vùng đất linh địa sinh cho đất nước những tướng lĩnh tài ba, văn nho xuất chúng “lên ngựa cầm gươm, xuống ngựa cầm bút”, họ chính là “những con người đã hóa núi sông ta”, làm rạng rỡ nòi giống Tiên - Rồng./.

 

Nguồn: baothanhhoa.vn
Từ khóa: Thanh Hóa

Cùng chuyên mục