Non nước Việt Nam

Xứ Thanh qua những làng nghề

Cập nhật: 21/04/2020 10:32:31
Số lần đọc: 1283
Xứ Thanh với “Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa hội tụ hợp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi...”. Và theo cách nói của Tiến sĩ người Pháp H. Le Breton “Thanh Hóa níu giữ và quyến luyến như mọi địa điểm nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thống và vĩ đại”. Đấy là xứ Thanh anh dũng, hào hùng trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc hẳn là điều đã được minh định.


Cói Nga Sơn ở thời điểm hiện tại không chỉ trung thành với sản phẩm chiếu cói truyền thống, bằng sự sáng tạo người làm nghề còn cho ra đời những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói cho giá trị kinh tế cao hơn.

Vậy nhưng, bạn có biết, còn có một xứ Thanh rất khác, xứ Thanh rất đời bởi những “bảng màu” của cuộc sống với những làng nghề truyền thống nổi danh hàng trăm năm tuổi khẳng định cho tài hoa, trí óc và đôi bàn tay khéo léo của con người quê Thanh. Là mộc Đạt Tài, chiếu Nga Sơn, bánh gái Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng, đúc đồng làng Chè... đi khắp muôn phương. Mỗi làng nghề không chỉ là niềm tự hào, đó còn là câu chuyện kể về một tinh thần lao động, sáng tạo của người xứ Thanh.

Đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc) thuộc khu di tích đền Bà Triệu được đánh giá là một trong những đình cổ nổi tiếng của xứ Thanh. Ghé thăm đình Phú Điền những dấu ấn thời gian ẩn hiện trên từng nét kiến trúc độc đáo. Đặc biệt, những hoa văn chạm trổ, phù điêu uốn lượn trên từng thớ gỗ khiến khách tham quan không thể rời mắt. Là tùng, cúc, trúc, mai, long, ly, quy, phụng... vô cùng sống động khiến ta tự hỏi, người nghệ nhân xưa phải tài hoa đến nhường nào mới có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh tế đến vậy! Dẫn chúng tôi tham quan một vòng đình làng, người thủ từ già nhẹ nhàng kể lại: Phù điêu chạm khắc tứ linh, tứ quý ấy là do những người thợ mộc Đạt Tài (Hoằng Hóa) làm nên từ hơn 300 năm về trước. Đó là khi đình Phú Điền được khởi dựng, đã có một cuộc thi tài ngay tại đây. Theo đó, hai đội thợ mộc được mời đến, mỗi đội thợ đảm trách thực hiện một phần công trình, khi hoàn thiện thì người dân trong làng trực tiếp chấm điểm. Bằng sự tài hoa khéo léo của mình, những hoa văn điêu khắc, chạm trổ của nghệ nhân mộc Đạt Tài đã được đánh giá cao hơn. Và đình Phú Điền chỉ là một trong rất nhiều công trình gỗ ghi dấu ấn của nghệ nhân Đạt Tài xưa. Từ di sản đình, đền đến nhà cổ. Đi qua thời gian, đến nay, những người thợ mộc Đạt Tài, bằng sự tài hoa tâm huyết đời nối đời vẫn cứ miệt mài khẳng định thương hiệu của làng mộc nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh.

Nói đến sự tinh xảo của nghề thủ công truyền thống xứ Thanh, lẽ nào không nhắc đến những sản phẩm của làng đúc đồng Trà Đông xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Chưa ai khẳng định chắc chắn về thời gian ra đời của làng nghề ở vùng đất Kẻ Rị xưa. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, câu ca “đất họ Lê, nghề họ Vũ, chữ họ Ngô” thì đã ăn sâu vào tiềm thức của những thế hệ người dân trong làng. Theo đó, theo truyền thuyết “nghề họ Vũ” gắn với truyền thuyết về Thánh Sư Không Lộ Nguyễn Minh Không - vị tổ sư của nghề đúc đồng ở nước ta (thời Lý). Sau khi từ phương Bắc trở về, ngài cùng hai đồ đệ họ Vũ chu du khắp cả nước tìm đất tốt làm khuôn đúc đồng. Khi đến vùng đất Trà Sơn Trang (làng Trà Đông ngày nay) thì mới tìm được đất làm khuôn ưng ý, đem về Lam Trúc Sơn (Hà Nội) để đúc bộ tứ khí. Nhận thấy Trà Đông là vùng đất tốt, hai học trò họ Vũ cùa Thánh Sư Không Lộ đã quay trở lại đây mở lò đúc đồng, truyền dạy nghề cho người dân.

Nghề đúc đồng tưởng dễ mà khó vô cùng. Ngoài nguyên liệu gồm các loại đồng (đồng thau, đồng chuông, đồng máy, đồng nát...) còn có đất sét để làm khuôn đúc (đất già, đất vừa, đất non)... và kỹ thuật đúc đồng chính là yếu tố quyết định đến thành công của sản phẩm. Với người làm nghề đúc đồng Trà Đông, đúc đồng không chỉ là nghề nặng nhọc mà còn đòi hỏi kỹ thuật, kỹ năng. Từ nấu đồng, thổi bễ, dập bễ, rót đồng vào khuôn, giữ ngọn nước đồng... tất cả đều phải thực sự điêu luyện, không thể làm bừa. Vậy nhưng, kinh nghiệm làm nghề lại chỉ là những truyền miệng từ đời này sang đời khác và người làm nghề chỉ thành công khi thực sự “thuộc” nghề, trải nghề. Bởi vậy, với bất cứ nghề nào cũng có thể “học mót”, nhưng với riêng đúc đồng, nếu không được truyền nghề thì rất khó để làm ra sản phẩm tốt. Vì vậy, ở Thiệu Trung ngày nay dù có nhiều thôn, làng song vẫn chỉ có duy nhất người dân làng Trà Đông làm và sống được với nghề.

Cũng theo các nghệ nhân làm nghề đúc đồng Trà Đông, sở dĩ sản phẩm của làng nghề có sức hút và thị trường tiêu thụ ổn định bởi tính thủ công tinh xảo. Khác với những sản phẩm của nơi khác được sản xuất hàng loạt, các sản phẩm đồng của Trà Đông được làm thủ công, nhỏ lẻ khiến cho số lượng hạn chế và giá thành cũng khá cao. Tuy nhiên, cũng bởi sự thủ công và tỉ mỉ của người thợ làm nghề mà những sản phẩm của đúc đồng Trà Đông như: trống đồng, chiêng, tượng, đồ thờ... tự xưa đến nay vẫn thực sự khác biệt. Với sự độc đáo, lắng đọng những giá trị trao truyền, năm 2018, nghề đúc đồng cổ truyền làng Trà Đông đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là niềm vui, tự hào song có lẽ cũng là trách nhiệm đặt ra với việc phát triển nghề truyền thống cha ông của người làm nghề hôm nay.

Tạo hóa có phải vốn hữu ý khi ban tặng cho xứ Thanh hơn 102 km bờ biển cùng vùng lãnh hải rộng lớn với tài nguyên phong phú. Những thế hệ cha ông cần lao đã nương theo đó mà bám biển mưu sinh tự ngàn đời. Cuộc sống trước biển dẫu chưa bao giờ là dễ dàng song mẹ thiên nhiên với sự hào phóng vẫn thường ban cho con người vô vàn sản vật quý. Những thuyền đầy cá, tôm, mực... giúp cho cuộc sống no đủ hơn. Sống dựa vào biển, con người còn biết cách tạo nên những món ngon nức tiếng cho đời.

Là một trong những làng nghề biển nổi tiếng của xứ Thanh, Do Xuyên - Ba Làng từ lâu đã định vị bởi nghề làm mắm nức tiếng xa gần, thậm chí trong quá khứ nó còn theo các tầu buôn sang cả triều đình phương Bắc. Với người vùng biển, nước mắm được ví như tinh túy của đất trời, biển cả và con người. Sự ví von ấy cũng chẳng phải quá lời. Bởi, nếu ai đó đã từng thưởng thức một lần sẽ khó để quên. Nước mắm Do Xuyên - Ba Làng có mùi đặc trưng, không tanh mà thơm nồng hương biển, mặn nơi đầu lưỡi nhưng ngọt đậm vị đạm khi nuốt vào trong, hấp dẫn thực khách. Và cũng như bao làng nghề truyền thống khác, để làm nên thương hiệu, sức sống trường tồn của một làng nghề, có thể nào thiếu những bí quyết mà chỉ người lao động khi thực sự sống trọn với nghề mới có thể nắm hết.

Không cần đến sự tinh xảo, chẳng đòi hỏi quá nhiều kinh nghiệm, ấy vậy mà món quà quê bánh gai Tứ Trụ của người dân đất hai vua xứ Thanh vẫn cứ nức tiếng xa gần. Là vị dẻo thơm của gạo nếp lựa chọn kĩ kết hợp đậu xanh, dừa khô, lá gai, thịt nạc, hành phi thơm... tất cả hòa quyện tạo thành một thương hiệu bánh gai Tứ Trụ. Đặc biệt, nếu là người sành ăn, đã thưởng thức bánh gai nhất định phải được mua ở làng Mía xã Thọ Diên - quê hương gốc của bánh gai Tứ Trụ. Người ta nói, là vì chỉ mua bánh ở đây thì khi ăn mới cảm nhận được hết cái phong vị riêng có của vùng đất sản sinh ra nó!

Trải qua hàng trăm năm ra đời, tồn tại và phát triển, những làng nghề truyền thống xứ Thanh chẳng phải khi nào cũng phát triển rực rỡ. Đó còn là cả thăng trầm mà chỉ người làm nghề mới thấu hết. Câu chuyện về một nghề cói Nga Sơn với những biến động khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Từ thuở xưa, người dân Nga Sơn những tưởng đành phải bất lực mưu sinh nơi vùng đất phù sa nhiễm mặn một dải ven biển thì tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho họ thứ cây đặc biệt: cây cói. Những cánh đồng cói xanh mướt một dải một thời từng là niềm kiêu hãnh của người dân nơi đây, thậm chí đi vào ca dao sánh ngang với những vật phẩm nổi tiếng cả nước: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Thậm chí, chiếu cói Nga Sơn từng được xem như vật phẩm tiến cống dưới thời nhà Nguyễn. Vậy nhưng cây cói - nghề làm cói vốn niềm tự hào, được xem như báu vật trời ban cho vùng đất này rốt cuộc cũng không tránh khỏi sự trầm lặng, tưởng chừng muốn đứt gãy.

Đó là khi mất thị trường truyền thống, thị hiếu tiêu dùng của người dân thay đổi... tất cả khiến cho sản phẩm từ cói mất chỗ đứng trong đời sống người dân những thập niên cuối của thế kỉ XX. Và khi ấy, nếu người trồng cói buông bỏ, người làm nghề buông xuôi, chắc hẳn, vựa cói Nga Sơn ngày nào giờ chỉ là quá khứ. Vậy nhưng, có lẽ chỉ có tình yêu và sự yêu nghề, day dứt về nghề mới khiến những người dân vùng cói trăn trở đến vậy. Quyết không để cói chết, nghề mất, đó sự thôi thúc tự trái tim. Để rồi, chỉ khi người ta thực sự cố gắng, thực sự hết mình thì nghề sẽ không phụ người. Về Nga Sơn hôm nay, bên cạnh chiếu cói Nga Sơn thì đã có không ít các sản phẩm mỹ nghệ từ cói khiến du khách thích thú. Các sản phẩm mỹ nghệ từ cói (thảm ngồi, làn cói...) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, có cảm giác, đi qua thăng trầm bể dâu thì nghề cói ở Nga Sơn không chỉ phát triển hơn mà còn từng bước chinh phục con đường nghề bền vững.

Sự thăng trầm, biến động của cây cói, nghề cói truyền thống ở Nga Sơn không phải là duy nhất. Đó là câu chuyện gặp phải của hầu khắp các làng nghề trăm tuổi ở xứ Thanh. Vậy nhưng, thay vì đầu hàng khó khăn, từ bỏ tinh hoa nghề mà lớp lớp cha ông đi trước đã nhọc nhằn góp nhặt, hậu thế vẫn gian truân âm thầm giữ lấy nghề dù không dễ dàng. Để rồi xứ Thanh hôm nay, bên cạnh hàng nghìn di sản văn hóa lịch sử thì hơn 150 nghề, làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi trải khắp đồng bằng, miền núi, vùng biển cũng đang từng bước góp phần vào sự phát triển, làm cho bức tranh quê Thanh thêm phần thắm sắc.

Nguồn: vanhoadoisong.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT