Hoạt động của ngành

Yên Bái - Điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng

Cập nhật: 05/07/2021 09:51:56
Số lần đọc: 853
Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.  


Trong đó, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” với thương hiệu là “điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng”.

Phấn đấu năm 2025, Yên Bái đón trên 1.500.000 lượt khách, trong đó 400.000 lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân đạt 14,6%/năm. Doanh thu từ du lịch năm 2025 đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 26%/năm, chiếm khoảng 7% tổng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ. Tạo việc làm cho 12.500 lao động trong lĩnh vực du lịch.

Phấn đấu năm 2030, đón trên 2.500.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 800.000 lượt khách, tăng trưởng bình quân đạt 10,8%/năm. Doanh thu từ du lịch năm 2030 đạt khoảng 4.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 23,4%/năm, chiếm khoảng 12,8% tổng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ. Tạo việc làm cho 33.600 lao động trong lĩnh vực du lịch.

Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp về phát triển du lịch, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và tư duy trong phát triển du lịch của các thành phần kinh tế và nhân dân; Thực hiện tốt công tác quy hoạch, thu hút đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch bảo đảm phát triển du lịch bền vững; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái tập trung mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch đặc trưng phù hợp với tiềm năng tại các vùng du lịch trọng điểm. Triển khai xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển du lịch.

Cùng với đó, bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và tài nguyên du lịch khác để phát triển du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch hướng đến tính chiều sâu về chất lượng dịch vụ. Đổi mới cách thức, nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động du lịch. Phát triển du lịch thông qua các hoạt động liên kết hợp tác với một số địa phương trong và ngoài nước. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường lành mạnh trong phát triển du lịch.

Thao Lam

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục