Bình Định chú trọng phát triển sản phẩm du lịch mới
Những năm gần đây, du lịch Bình Định đã có sự bứt phá mạnh mẽ, được xếp vào nhóm tăng trưởng mạnh của ngành Du lịch cả nước. Các tour du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống, tham quan di tích lịch sử - văn hóa về phong trào Tây Sơn, hệ thống tháp Chăm… gắn với các chương trình trình diễn nghệ thuật tuồng, bài chòi dân gian, võ cổ truyền Bình Định vừa phục vụ du khách vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử đặc trưng “đất võ, trời văn” đã thu hút nhiều du khách đến với Bình Định.
Dịch vụ lặn biển của HTX Dịch vụ Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải. Ảnh: Xuân Sáng
Với lợi thế về biển, đảo, tour du lịch lặn biển ngắm san hô, giải trí trên biển, vui chơi thưởng thức hải sản tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu (Phú Yên), Quy Nhơn - Nhơn Lý - Cát Tiến, Nhơn Hải - Nhơn Lý - Cù Lao Xanh (Nhơn Châu)… được khai thác trở thành điểm nhấn phát triển mạnh du lịch biển. Hướng tới phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo thành sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh, Sở Du lịch triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lý Lương, Lý Hưng - xã Nhơn Lý và Bãi Xép - phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) đến năm 2025 với các hoạt động tham quan, tìm hiểu đời sống, nét văn hóa đặc trưng của người dân miền biển; du khách trải nghiệm làm ngư dân đánh lưới, câu cá, câu mực đêm trên biển… tạo sự hấp dẫn, mới mẻ.
Bà Trần Thị Kim Qui, Phó Giám đốc Công ty CP FLC Quy Nhơn, cho hay: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động du lịch, mỗi doanh nghiệp lữ hành, khu du lịch, nghỉ dưỡng đều phải xây dựng những giải pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa kích cầu du lịch nội địa. FLC cũng không ngoại lệ, chúng tôi không ngừng phát triển hệ thống tiện ích, tăng thêm trải nghiệm và nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực, golf, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng vila đẳng cấp hướng biển, tham quan công viên động vật hoang dã Safari với nhiều hoạt động thú vị, giá ưu đãi nhưng chất lượng dịch vụ không thay đổi để tạo sản phẩm du lịch mới thu hút khách”.
Hiện, Sở Du lịch đang lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện Kế hoạch phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025, trình UBND tỉnh phê duyệt. Phó Giám đốc Sở Du lịch Huỳnh Cao Nhất cho biết: Trước đó, chúng tôi đã khảo sát, xây dựng một số sản phẩm du lịch mới thông qua hoạt động đánh giá khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch MICE trong các khách sạn, khu, điểm du lịch trong tỉnh; khảo sát tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Trung tâm Khám phá khoa học và các điểm lân cận để đề xuất các tour, tuyến du lịch gắn với điểm tham quan khám phá khoa học; khảo sát tại làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) để xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp trong thời gian tới.
Cùng với đó, ngành Du lịch cũng có kế hoạch triển khai định hướng phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh tại 4 huyện, thị xã: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, để xúc tiến, quảng bá, giới thiệu kết nối các tour du lịch; triển khai kế hoạch thí điểm phát triển một số làng nghề truyền thống như làng nghề rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), làng nghề nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), làng nghề trồng bí đao xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), làng nghề bún số 8, bánh tráng Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn) để quảng bá, giới thiệu đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch gắn với nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực du lịch Bình Định, đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững, nâng cao thương hiệu và sức thu hút của du lịch Bình Định./.
Đoàn Ngọc Nhuận