Non nước Việt Nam

Nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo - An Giang

Cập nhật: 23/05/2012 14:34:40
Số lần đọc: 5225
Mặc dù chưa nức “tiếng thơm” như thổ cẩm Chăm của tỉnh Ninh Thuận hay lụa Tân Châu, nhưng với sự độc đáo riêng có, thổ cẩm Khmer Văn Giáo Tịnh Biên được xem là sản phẩm văn hóa tinh túy của dân tộc Khmer được thị trường ngày càng ưa chuộng.

Trải qua nhiều thăng trầm, nghề dệt thổ cẩm xã Văn Giáo huyện Tịnh Biên có lúc đứng trước nguy cơ thất truyền. Song, với sự quan tâm của tỉnh An Giang cũng như sự tâm huyết với nghề của đồng bào dân tộc Khmer, nghề dệt thổ cẩm xã Văn Giáo đã từng bước được vực dậy và tạo được danh thơm cho làng nghề. Nhiều người còn ưu ái gọi sản phẩm dệt của làng nghề này là “Silk Khmer”

 

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer vùng miền núi Tịnh Biên đã xuất hiện từ mấy trăm năm trước. Đến bất kỳ phum sóc nào cũng nghe thấy tiếng khung cửi rộn ràng. Từ bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người phụ nữ Khmer, nhiều sản phẩm thổ cẩm như túi xách, khăn tay đã có mặt ở nhiều nơi trên đất nước và được người tiêu dùng ưa chuộng. Song, nhiều năm sau đó, do không cạnh tranh được với các sản phẩm dệt may trên thị trường, mặt khác, vì cuộc sống mưu sinh nhiều thợ dệt giỏi đã phải bỏ nghề đi làm ăn xa hoặc mãi mê với nghề nông, nên nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer ngày càng mai một.

 

Đứng trước nguy cơ thất truyền, các ngành chức năng trong tỉnh AG đã đề ra nhiều biện pháp gìn giữ và bảo tồn làng nghề bằng cách như tìm đầu ra cho sản phẩm, thành lập hợp tác xã dệt và hỗ trợ vốn cho người dân khôi phục lại nghề. Trong đó, tỉnh đã đầu tư 30 triệu đồng giúp xã viên HTX đóng mới 60 khung dệt và tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho các thợ dệt trong HTX. Hiện nay, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, đã thành lập một HTX dệt thổ cẩm gồm 126 hộ thành viên và nhiều tổ hợp dệt cơ sở. Và sản phẩm dệt ở Văn Giáo ngày càng đi xa đến các vùng miền trong nước và cả nước ngoài.

 

Gần đây sản phẩm thổ cẩm Khmer - Văn Giáo còn được mang đi triển lãm, chào hàng và tiêu thụ khá mạnh tại các hội chợ làng nghề thủ công, mỹ nghệ trong nước. Mỗi chiếc khăn choàng (sợi tơ nguyên chất) khổ rộng 5 tấc, dài 1,8 mét bán được 180.000 -200.000 đồng/ chiếc; mỗi tấm xà rông bán được 400.000-500.000 đồng/ chiếc; khăn trải bàn hoặc bức hoạ trang trí giá dao động từ 800.000-1.000.000 đồng/ chiếc... Thậm chí, nhiều khách du lịch đến Bảy núi, nghe “tiếng thơm” Silk Khmer đã dừng chân xuống ấp Srây Sa Kôth chọn mua một vài sản phẩm thổ cẩm làm quà kỷ niệm, góp phần đưa sản phẩm thổ cẩm khmer Văn Giáo ngày càng đi xa hơn, đến với nhiều người hơn./.

Nguồn: website An Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT