Non nước Việt Nam

Bảo tồn nghề làm giấy của các dân tộc thiểu số

Cập nhật: 30/10/2012 10:03:42
Số lần đọc: 10130
Ngày 29/10, những người thợ dân tộc Mông ở Pà Cò (huyện Mai Châu, Hoà Bình) đã lập kỷ lục làm ra tờ giấy bằng phương pháp thủ công lớn nhất Việt Nam - khổ 1,8m x 56m. Kỹ thuật làm giấy của người Mông, người Mường có nét độc đáo riêng. Tuy nhiên, bà con dân tộc Mông rất cần có sự hỗ trợ để có thể lưu giữ nghề truyền thống của mình.

Cứ đến tháng 10 âm lịch, bà con người Mông ở xã Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình lại vào rừng chặt những cây giang bánh tẻ về làm giấy. Anh Sùng A Pha, người có kinh nghiệm nhiều năm làm giấy thủ công của người Mông ở xã Pà Cò, cho biết: "Người Mông chúng tôi chuẩn bị cho năm mới từ rất sớm, bằng tiếng đập giấy rộn rã khắp các bản. Mọi người làm giấy để dùng cho việc viết chữ, làm các lễ vật để thờ cúng trời đất, tổ tiên".

Kỹ thuật làm giấy của người Mông tồn tại ít nhất 300 năm trở lại đây. Khác với giấy dó của người Kinh, người Mông thường làm giấy bằng cây giang. Cây giang được chặt về, cạo sạch lớp vỏ xanh bên ngoài rồi nấu với tro bếp (người Mông gọi là "chảu"). Sau khi nấu khoảng từ 10 đến 12 giờ đồng hồ, cây giang được vớt ra, ngâm nước tiếp khoảng 7 đến 10 ngày. Khi đã "ngấu", cây giang mềm rũ ra, những người phụ nữ vớt ra rồi đập kỹ. Cây giang chỉ còn lại những sợi nhỏ li ti. Người ta cho vào nước khuấy lên, sau đó, có thể bắt đầu làm giấy. Nếu như người Kinh làm giấy dó bằng cách seo giấy trong các "niềm seo" thì người Mông dùng kỹ thuật "đổ giấy". Người ta căng một lớp vải mỏng, ngày nay thường dùng bằng vải màn làm khuôn rồi đổ thứ bột giang kia lên. Nước sẽ chảy xuống qua lớp vải, đọng lại lớp bột. Lớp bột giang khô đi, người ta bóc ra là được một tờ giấy. Đặc biệt, do sợi giang dài, dai nên độ liên kết rất cao, giấy từ cây giang rất bền, xé không rách. Việc "đổ giấy" đòi hỏi bàn tay khéo léo của người phụ nữ, vì nếu đổ không đều, tờ giấy chỗ mỏng, chỗ dày kém thẩm mỹ.

Với kỹ thuật "đổ giấy" độc đáo, người Mông có thể làm khổ giấy lớn tuỳ theo mình mong muốn, không bị hạn chế theo khuôn như giấy của người Kinh. Vì thế, tham gia Hội chợ Quà tặng và thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2012, những người thợ làm giấy người Mông đã trình diễn làm ra tờ giấy thủ công kích thước lớn nhất từ trước đến nay, với khổ 1,8m x 56m. Để chuẩn bị cho việc làm tờ giấy kỷ lục này, năm người thợ gồm các anh chị: Sùng A Pha, Sùng A Tráng, Tánh A Của, Mùa Y Máy, Mùa Y Dua đã phải chuẩn bị trong vòng hai tháng, từ khâu lên khung, xử lý nguyên liệu...

Thực tế hiện nay, do điều kiện kinh tế xã hội thay đổi, đã có những gia đình không còn làm giấy. Họ mua giấy ở chợ phục vụ cho các công việc của mình. Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (viết tắt là VIRI) đã triển khai dự án "Thương mại và sản xuất xanh nhằm nâng cao thu nhập cho người nghèo" nhằm nâng cao nhận thực cho đồng bào về giá trị của nghề giấy thủ công truyền thống, gìn giữ nghề và hướng tới sản xuất ra sản phẩm hàng hoá. Từ chỗ chỉ phục vụ cho gia đình, làng xóm, thời gian gần đây, bước đầu giấy của người Mông đã được bán trên thị trường. Anh Sùng A Pha cho biết: "Một số người đặt mua sản phẩm của chúng tôi và họ rất thích. Chúng tôi hy vọng qua buổi trình diễn này, kỹ thuật làm giấy của người Mông được biết đến nhiều hơn, để chúng tôi có thể bán được sản phẩm của mình".

Cùng trình diễn kỹ thuật làm giấy với người Mông, một nhóm người Mường đến từ xã Suối Cỏ (huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) cũng trình diễn kỹ thuật làm giấy của người Mường. Kỹ thuật làm giấy của người Mường gần giống kỹ thuật của người Kinh, dùng cây dướng, ngâm, ủ và sau đó seo giấy bằng niềm seo, với kích cỡ định sẵn. Nghề giấy ở xã Suối Cỏ đã thất truyền từ lâu. Dự án "Thương mại và sản xuất xanh nhằm nâng cao thu nhập cho người nghèo" do VIRI triển khai trên địa bàn từ năm 2006 đã giúp người dân khôi phục nghề giấy truyền thống. Hiện xã Suối Cỏ có 15 hộ gia đình làm giấy. Người Mường ở Suối Cỏ đã có một số đơn đặt hàng từ Nhật. Sản phẩm của Suối Cỏ, ngoài giấy dó thông thường, còn được làm thành một số sản phẩm như: sổ, túi đựng quà, khung ảnh... và được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, hiện các hộ dân ở đây vẫn chưa tìm được nguồn tiêu thụ ổn định và thường xuyên nên bà con vẫn coi đây là công việc làm thêm, bên cạnh canh tác nông nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Chúc, dân tộc Mường, trưởng nhóm làm giấy Suối Cỏ cho chúng tôi biết: "Dù biết là truyền thống quý báu của cha ông, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan thì nghề làm giấy của chúng tôi không thể khôi phục. Đời sống kinh tế của bà con còn khó khăn, khả năng maketinh kém, nên sau khi khôi phục, chúng tôi vẫn cần các cơ quan hỗ trợ tiêu thụ, để nghề giấy đem lại thu nhập cho bà con thì nghề giấy mới có thể tồn tại lâu dài". Nghề làm giấy thủ công là nét văn hoá độc đáo của nhiều dân tộc thiểu số nước ta mà nghề giấy của người Mông, người Mường chỉ là những ví dụ nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết đang đứng trước nguy cơ mai một. Đồng bào các dân tộc rất cần thêm sự hỗ trợ để có thể bảo tồn nét văn hoá quý báu của chính mình./.

Nguồn: Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT