Tin tức - Sự kiện

Phát triển du lịch sinh thái miền Tây Nghệ An

Cập nhật: 03/11/2008 13:11:21
Số lần đọc: 1849
Mười  huyện miền núi thuộc miền Tây Nghệ An  có diện tích gần 1,4 triệu ha, chiếm 84% diện tích toàn tỉnh. Là vùng có quỹ đất rộng,  rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam nên có rất nhiều tiềm năng để  phát triển du lịch sinh thái.  Tuy vậy, du lịch sinh thái miền Tây Nghệ An hiện vẫn đang ở dạng tiềm năng.

Tiềm năng nhiều, hiệu quả ít


Nổi bật của du lịch sinh thái miền Tây Nghệ An phải kể đến Vườn Quốc gia Pù Mát với diện tích hơn 91.000 ha và hai khu bảo tồn thiên nhiên  Pù Huống và Pù Hoạt. Đây là vùng có thảm thực vật phong phú và đa dạng với hơn 2.600 loài đã được xác định, trong đó gần 50 loài quý hiếm, trên 250 loài cây thuốc có giá trị. Có hệ động vật đặc hữu,  nguyên sinh với gần 150 loài thú, 300 loài chim, 25 loài bò sát, 82 loài cá, 15 loài lưỡng thê và nhiều loài động vật đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam hiện đang được bảo vệ tốt với nhiều nét hoang sơ.

 

Vườn Quốc gia Pù Mát  hiện còn nhiều loại gỗ quý, nhiều rừng cây cổ thụ lớn hàng ngàn năm tuổi mà ít có nơi nào trong khu vực Châu Á có được như rừng cây samu dầu có đường kính 3,4-4,7m. Ngoài ra do  nằm trên địa hình nhiều dãy núi đá vôi, kết nối nhau có đỉnh cao trên 2.700m do vậy miền Tây Nghệ An có nhiều hang động, thác nước đẹp hấp dẫn khách du lịch như thác kèm ở Trung Chính xã Yên Khê huyện Con Cuông; thác Xao Va, Thác 7 cấp ở Quế Phong…


Đây cũng là khu vực còn lưu lại nhiều di tích lịch sử văn hoá quý giá  của người Việt như: Di tích thành Trà Lân, bia Mã Nhai, cây đa Cồn Chùa (huyện Con Cuông); di tích Hang Bua, hang Thẩm Ồm, Thẩm Chạng( huyện Quỳ Châu); Đền 9 gian (huyện Quế Phong); di chỉ khảo cổ Làng Vạc( huyện Nghĩa Đàn) …


Với những tiềm năng trên, thời gian qua, du khách đã dần biết và đến tham quan du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống, thác Xao Va, đền Chín Gian, hang Thẩm Ồm, Thẩm Chạng… Tỉnh Nghệ An cũng đã xây dựng các tuor du lịch sinh thái, du lịch văn hoá lịch sử trong vùng bước đầu phục vụ nhu cầu tham quan du lịch. Nhờ đó, lượng khách du lịch ngày càng tăng đạt 70.000 lượt khách du lịch/năm, trong đó 10.200 lượt khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách đến khu du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát 8 tháng đầu năm nay với 3.200 lượt khách.


Các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dần được hình thành, nhân lực phục vụ khách du lịch cũng được chú trọng nâng cao chất lượng như đường nối Quốc lộ 7 từ Con Cuông vào Vườn Quốc gia Pù Mát, đường từ QL48 đến các điểm du lịch thác Xao Va, Hang Bua, Thẩm Ồm, đền Chín gian, Quốc lộ 7 và đường giao thông nối liền các huyện vùng biên giới.


Tuy vậy, phát triển du lịch sinh thái miền Tây Nghệ An trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém, chưa khai thác hết tiềm năng dồi dào sẵn có. Công tác tuyên truyền về du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống đang còn hạn chế. Việc bảo vệ môi trường sinh thái chưa được sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như nhân dân sở tại. Nạn săn bắt động vật quý hiếm vẫn xảy ra.


Kèm theo đó, dịch vụ, y tế, điện, nước, thông tin bưu điện còn nghèo nàn lạc hậu chưa đủ điều kiện tối thiểu để phục vụ khách du lịch. Tỉnh vẫn chưa nghiên cứu, khảo sát tìm ra được sản phẩm đặc thù hấp dẫn khách du lịch, do vậy chưa có tài liệu để tuyên truyền quảng bá. Khách du lịch đến tham quan nghiên cứu tại Vườn quốc gia Pù Mát và các Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt còn gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế và quy định thống nhất giữa các đơn vị quản lý. Người dân địa phương chưa có thói quen và nghiệp vụ hướng dẫn, tổ chức đón tiếp phục vụ khách du lịch.

 
Hướng đi  nào cho du lịch sinh thái miền Tây  


Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 đạt 200.000 lượt khách du lịch, trong đó 35.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 150 tỷ đồng, Nghệ An đang xác định du lịch sinh thái miền Tây sẽ là một mũi nhọn quan trọng. Thời gian này tỉnh đang hoàn thành  công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch trong vùng, tập trung chủ yếu ở Vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt, Quỳ Châu và Quế Phong. Đây được xem là giải pháp đầu tiên để phát triển du lịch sinh thái miền Tây.


Trên cơ sở quy hoạch được xác lập, tỉnh tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ đón tiếp khách du lịch. Tại Vườn quốc gia Pù Mát tập trung vào các sản phẩm du lịch sinh thái, khai thác tuyến Phà Lài-Khe Khặng vào vùng lõi Vườn Quốc gia bằng đường sông; tuyến du lịch Thác Kèm; đầu tư dự án nối đường 7 với bản Tùng Hương, mở tuyến đi bộ từ bản Tùng Hương vào rừng cây cổ thụ ở Pù Xiêm Liệp; tham quan bảo tàng gene, làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái ở Yên Thành, Lục Dạ-Con Cuông. Đến nay, đã có hai dự án đầu tư vào Khu du lịch sinh thái đập Phà Lài xã Môn Sơn và Khu du lịch sinh thái Thác khe Kèm xã Yên Khê với tổng mức đầu tư gần 34 tỷ đồng.


Nói về triển vọng này Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết:  Du lịch sinh thái phải gắn với văn hoá dân tộc ít người, bới vậy, tỉnh đang tiến hành xây dựng dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo” riêng cho vùng rừng Quốc gia Pù Mát. Với ý nghĩa, khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, học tập ở vùng này sẽ ở lại ngay tại nhà dân, để tìm hiểu phong tục tập quán bản địa. Một mặt, hình thành nên du lịch cộng đồng, các bản làng sống quần tụ, đoàn kết bên nhau.


Thời gian tới, ngành du lịch sẽ khảo sát để mở tuyến du lịch Rừng cây cổ thụ tại đỉnh Pơ Mu thuộc huyện Tương Dương. Xây dựng các làng nghề dân tộc truyền thống tại bản Yên Thành xã Lục Dạ (Con Cuông), bản Hoa Tiến xã Châu Thuận (Quỳ Châu) để phục vụ du khách. Bên cạnh đó tỉnh cũng  tiến hành đầu tư hạ tầng phát triển du lịch vùng Quỳ Châu - Quế Phong đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn xây dựng khu du lịch sinh thái thác Xao Va. Tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển du lịch gắn với phát triển du lịch sinh thái tại các vùng hồ thuỷ điện bản Mồng, Hủa Na, Bản Cốc; từng bước xây dựng đường từ các tỉnh lộ vào khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt.


Rõ ràng phát triển du lịch sinh thái miền Tây không chỉ góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế các huyện miền núi mà còn  góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên để khai thác hết tiềm năng đang đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng của các cấp các ngành và chính quyền tỉnh. Về lâu dài cần có kế hoạch để đào tạo nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch miền Tây. Giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng miền Tây Nghệ An cho các hãng lữ hành quốc tế và trong nước biết đến.

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT