Tin tức - Sự kiện

Quảng Trị phát triển thương mại và du lịch

Cập nhật: 04/11/2008 13:11:41
Số lần đọc: 1651
Cầu Hữu Nghị 2 nối hai tỉnh Mục-đa-hán (Thái-lan) và Xa-van-na-khét (Lào) đã khánh thành và thông tuyến. Ðó là một lợi thế để tỉnh Quảng Trị phát triển kinh tế, mở rộng giao thương với các nước trong Hành lang kinh tế Ðông - Tây (EWEC)  và quốc tế. Cũng là điều kiện và cơ hội để Quảng Trị phát triển thương mại và du lịch.

Tiềm năng và lợi thế

 

Xét về tiềm năng và lợi thế, tỉnh Quảng Trị nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Ðông - Tây và tuyến bắc - nam, có đường Hồ Chí Minh, cảng Cửa Việt và hệ thống đường sắt đi qua, trong đó ga Ðông Hà nằm trong dự án đường sắt Ðông - Tây. Các thị xã và thị trấn có khoảng cách 20 km, đang dần dần hình thành một chuỗi đô thị, là trung tâm giao lưu thương mại, dịch vụ, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ thuận lợi đến các vùng dân cư. Ðặc biệt, thị xã Ðông Hà là trung tâm hành chính, thương mại đang được đầu tư nâng cấp, có trung tâm thương mại tại điểm giao lưu hai trục Ðông - Tây và Nam - Bắc. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo là cửa ngõ phía Tây nối với các địa phương của các nước trong khu vực ASEAN. Khu vực này đang được đầu tư khá đồng bộ và có các chính sách ưu đãi đặc biệt, kết hợp Khu kinh tế Ðen-sa-vẳn thành Khu kinh tế thương mại trung chuyển, giao dịch quan trọng trong quan hệ hợp tác, hội nhập kinh tế khu vực. Gần đây, nhiều tỉnh ở miền trung đã có các hoạt động để đón đầu khai thác Hành lang kinh tế Ðông -  Tây như TP Ðà Nẵng, các tỉnh Nghệ An, Bình Ðịnh... Tỉnh Quảng Trị cũng có nhiều hoạt động như: Hội thảo về du lịch Ðông - Tây, lễ hội nhịp cầu xuyên Á, Hội chợ thương mại, tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư có kết quả tích cực. Hiện nay, không chỉ tỉnh Quảng Trị mà các tỉnh khác ở khu vực miền trung đang chủ động đón nhận cơ hội khai thác lợi thế hành lang kinh tế Ðông - Tây một cách tích cực và có sự cạnh tranh khá quyết liệt.

 

Giám đốc Ban quản lý các Khu du lịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Huy, cho biết: Lộ trình khai thác Hành lang kinh tế Ðông - Tây đang được khai thông về quan hệ hợp tác. Các nước đã bỏ vi-sa; nhiều tỉnh dọc biên giới tổ chức các hội nghị chuyên đề hỗ trợ và tạo điều kiện phát huy lợi thế của từng địa phương, cải cách thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh ngày càng thuận lợi cho khách du lịch, vận chuyển và lưu thông hàng hóa, đi lại của cư dân biên giới.

 

Mới đây, sau chuyến khảo sát hành lang kinh tế Ðông - Tây (từ ngày 4 đến 11/9/2008), Thứ trưởng  Ngoại giao Ðoàn Xuân Hưng đánh giá cao tuyến đường này: "Mặc dù chỉ chiếm 19% chiều dài EWEC, nhưng Quảng Trị và Ðà Nẵng có vai trò hết sức quan trọng, mở đường ra tuyến giao thông hàng hải quốc tế. Các địa phương cần tiếp tục cải thiện hạ tầng cơ sở, đồng thời sớm xây dựng đồng bộ "hạ tầng mềm" (quy định, dịch vụ tiếp vận, kho bãi, trạm nghỉ, đào tạo nhân lực...) để tạo thuận lợi cho giao thương và thu hút đầu tư".

 

Ðể tạo động lực và đón đầu cho phát triển thương mại và du lịch, những năm qua tỉnh Quảng Trị đã  đầu tư quy hoạch, xây dựng hệ thống đô thị, các trung tâm kinh tế thương mại - dịch vụ, các khu du lịch một cách đồng bộ. Khu thương mại - dịch vụ Ðông Hà, Lao Bảo trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ của khu vực và cả nước; là nơi trung chuyển hàng hóa của hành lang kinh tế Ðông - Tây, là điểm dừng chân cho việc mua sắm của du khách trên tuyến bắc - nam và đông - tây. Xây dựng các trung tâm dịch vụ tổng hợp dọc tuyến đường 9, các cụm thương mại - dịch vụ tại các huyện, thị xã và hình thành mạng lưới chợ nông thôn, bảo đảm cung cấp hàng hóa và tiêu thụ nông sản cho nhân dân. Ðồng thời với đẩy mạnh phát triển thương mại, việc thu hút khách du lịch đến với Quảng Trị được chú trọng. Trong đó, chọn du lịch sinh thái làm nền tảng, kết hợp du lịch sinh thái với du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch "Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội", du lịch mua sắm...  Trong tương lai sẽ hình thành các khu du lịch sinh thái rừng Khe Sanh - Rào Quán - ÐaKrông, tiếp tục đầu tư khu du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ đạt tiêu chuẩn du lịch quốc tế, nâng cao chất lượng hoạt động của các tua du lịch (Nghĩa trang Trường Sơn - di tích đôi bờ Hiền Lương - Dốc Miếu, Thành Cổ - La Vang - trằm Trà Lộc), xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, nơi nghỉ dưỡng... Cùng với việc quy hoạch xây dựng các tua, tuyến du lịch trong tỉnh, ngành thương mại, du lịch chú trọng việc gắn kết, mở rộng các tua, tuyến du lịch đến những di sản văn hóa thế giới như Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế), Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam); liên kết để khai thác tuyến du lịch đường bộ giữa các tỉnh miền trung với Lào, Thái-lan và ngược lại.

 

Hiệu quả bước đầu và giải pháp phát triển

 

Ðể khai thác có hiệu quả tiềm năng, tạo động lực cho thương mại và du lịch phát triển, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm việc quảng bá kết hợp xúc tiến thương mại thông qua hội thảo, hội chợ quốc tế; thông qua các đối tác theo chuyên ngành có tiềm lực, vị thế trên thương trường để kêu gọi đầu tư từ bên ngoài vào lĩnh vực thương mại và du lịch...

 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, thời gian qua, ngành du lịch đã khai thác có hiệu quả tiềm năng nên hoạt động kinh doanh du lịch đã thu được những kết quả làm tăng ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tổng lượng khách chín tháng đầu năm đạt 253.500 lượt, trong đó có 202 nghìn lượt khách nội địa và 51 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu kinh doanh du lịch đạt 430 tỷ đồng. Về hoạt động lữ hành, tổng lượt khách chín tháng là 14.665 lượt. Một số trung tâm lữ hành được tổ chức tốt nên đã thu hút đông khách tham quan, du lịch như: Trung tâm lữ hành Công ty CP Du lịch Quảng Trị, Trung tâm lữ hành Công ty CP Mê Công, Trung tâm lữ hành Sê Pôn... Về thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn chín tháng đầu năm 2008 ước đạt hơn 4.318 tỷ đồng, tăng 33,18% so với cùng kỳ năm 2007. Các trung tâm thương mại Lao Bảo, Ðông Hà, hệ thống chợ các trung tâm huyện, thị, chợ nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng chín tháng đầu năm tăng hơn 21,7%, đạt mức kỷ lục, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ  trong GDP của tỉnh hai năm qua đều hơn 37%. Dự tính giá trị hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn năm 2008 đạt hơn 30 triệu USD, giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt 39,29 triệu USD.

 

Giám đốc Ban quản lý các Khu du lịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Huy vui mừng khi nói về thu hút đầu tư, Quảng Trị vừa tham gia dự án "Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Công". Sau khi kết thúc giai đoạn 1 ở hai tỉnh An Giang và Kiên Giang về phát triển du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả tích cực, Ngân hàng châu Á tiếp tục tài trợ giai đoạn 2 về phát triển du lịch bền vững cho năm tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Bắc Cạn và Cao Bằng, với tổng vốn ban đầu là 11,111 triệu USD. Trong đó tỉnh Quảng Trị được 1,698 triệu USD cho hai hợp phần xóa đói, giảm nghèo và du lịch hành lang Ðông - Tây. Dự án này sẽ góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng về phát triển du lịch cho các bản đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Cát, bản Ka Lu. Nhờ tích cực quảng bá, thu hút đầu tư nên ngoài các dự án trước đây, ở Quảng Trị vừa có thêm 25 dự án đầu tư vào các khu du lịch, với tổng số vốn là 6.065,33 tỷ đồng. Một số dự án đang được triển khai xây dựng và gấp rút hoàn thành như: Khu du lịch sinh thái biển Cửa Việt, Trung tâm nghỉ dưỡng và du lịch Hoàng Anh, Khu nghỉ mát Tùng Việt...

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Thăng  nêu một số nhiệm vụ chỉ đạo đẩy mạnh phát triển thương mại và du lịch Quảng Trị trong thời gian tới. Ðó là: Tiếp tục quảng bá, tổ chức khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch hành lang kinh tế Ðông - Tây và du lịch hoài niệm. Triển khai công tác lập quy hoạch làm cơ sở quản lý, bảo vệ, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch và thu hút đầu tư. Sớm hoàn thành việc quy hoạch du lịch đảo Cồn Cỏ, khu du lịch Rào Quán và các khu chức năng thuộc Khu dịch vụ du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - Vịnh Mốc. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch đi đôi với quản lý đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch được duyệt. Ðẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng, nhất là với tỉnh Xa-van-na-khẹt, Muk-da-han (Lào)...

 

Tại Hội nghị Tỉnh ủy vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Viết Nên, khi nêu một số giải pháp để phát triển thương mại và du lịch Quảng Trị, đã nhấn mạnh: Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, xây dựng và thực hiện các chính sách ưu đãi; đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước mang tính chuyên nghiệp cao. Tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách các thủ tục liên quan công tác xúc tiến đầu tư, thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường tại các khu, điểm du lịch, các trung tâm thương mại - dịch vụ, các khu vực công cộng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, khách du lịch, các cơ quan quản lý và các tổ chức xã hội, góp phần phát triển thương mại và du lịch Quảng Trị bền vững theo các tiêu chí hấp dẫn, thân thiện, văn minh và hiện đại...

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT