Hành trang lữ khách

Đắc Chưng-điểm du lịch mới của vùng biên Việt -Lào

Cập nhật: 21/11/2008 08:11:41
Số lần đọc: 2510
Khi sương vẫn còn giăng mờ mịt trên cánh rừng tây Trường Sơn đã thấy những cư dân Đắc Chưng (thuộc tỉnh Sê Kông, Lào) lúp xúp gùi hàng tìm về phiên chợ sớm vùng biên Đắc Ốc. Vùng đất Đắc Chưng heo hút giờ đây đã được khai mở khi tuyến đường Cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang), Đắc Chưng sắp được hoàn thiện và du khách lại có thêm một địa chỉ mới để khám phá cuộc sống nguyên sơ của những cư dân vùng biên giữa đại ngàn.

Nếu đã từng rong ruổi trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh chắc hẳn du khách sẽ có cảm giác choáng ngợp trước phong cảnh hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn. Hay dừng lại ở một bản làng nào đó và hòa mình vào không khí lễ hội ăn mừng lúa mới của đồng bào Cơtu, du khách sẽ được sống trong bầu không khí linh thiêng với tiếng cồng chiêng rộn rã và nhịp điệu tung tung da dá trong lễ đâm trâu. Đường Hồ Chí Minh được khai mở, cũng là lúc những địa danh, thắng cảnh du lịch của các miền sơn cước Quảng Nam và nước bạn Lào được kết nối gần hơn. Và một chuyến lang thang qua những miền đất mới bằng phương tiện xe máy giờ đây đã không còn quá khó khăn dành cho những ai yêu thiên nhiên, thích khám phá cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao với nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Tuyến đường từ Cửa khẩu Đắc Ốc đến trung tâm huyện lỵ Đắc Chưng dài khoảng 50km qua nhiều ngầm đá, thác ghềnh và xuyên giữa rừng nguyên sinh hoang sơ. Đầu mùa mưa, miền Hạ Lào trở nên ẩm ướt và lạnh tê tái bởi từng mảng sương muối dày đặc trên những tán lá. Thế nhưng, sự kỳ vĩ của những cánh rừng nguyên sinh tây Trường Sơn lại là điều kỳ thú cho những ai yêu thích khung cảnh hoang dã.

Cách Cửa khẩu Đắc Ốc khoảng 20km, thủy điện Sêkaman 3 là công trình mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị đặc biệt Lào - Việt. Thủy điện chặn dòng Nậm-pnoi, thuộc bản Măng Hạ của huyện Đắc Chưng. Đây là một nhánh nhỏ của sông Xêkaman chảy từ tây Trường Sơn về sông Sê Kông và đổ ra sông mẹ Mê Kông hùng vĩ. Đứng ở Xêkaman 3, vẫn nhìn thấy đầu nguồn Nậm-pnoi bạc như màu khói len lỏi từ rừng già xuôi về vùng giáp biên và mất hút ở một bản làng xa xôi mờ ảo dưới màn sương. Xêkaman 3 như một tòa lâu đài đồ sộ lọt thõm giữa núi rừng. Những đường hầm xuyên núi, những tảng bê tông sừng sững càng gợi lên cảm giác thán phục về sức người đang miệt mài kiến tạo những công trình cho tương lai.

Rời công trường Xêkaman 3, du khách có thể ngược dòng Nậm-pnoi đến bản Đắc Tà Oọc và Đắc Man thuộc huyện Đắc Chưng. Đây là hai bản nằm giáp biên với huyện Nam Giang và từ lâu đồng bào hai bên vốn có mối quan hệ khắng khít. Khác với các bản làng Cơtu truyền thống của vùng tây Quảng Nam, nhân dân các bộ tộc Lào luôn chọn những vùng cao để lập bản và mật độ dân cư cũng dày hơn với từng ngôi nhà sàn lợp tranh nối nhau san sát. Đất đai canh tác của vùng này rất màu mỡ và bằng phẳng. Người Lào thường chỉ chọn những mảnh đất gần bản và khai thác quanh năm bằng các giống cây bản địa như bắp, lúa nếp, sắn và thường cho năng suất rất cao. Từ khi Cửa khẩu Đắc Ốc được khai mở, cư dân ở đây càng có điều kiện để giao lưu với các bản vùng cao Nam Giang và phiên chợ sớm tại Cửa khẩu Đắc Ốc là điểm giao thương chộn rộn với các thổ sản như rượu, gà, thịt rừng, muối, gạo nếp... và những sắc màu thổ cẩm. Ông Xen-đi, Trưởng bản Đắc Man còn tiếp chuyện bằng tiếng Việt với hồi ức về quân giải phóng Việt Nam cùng sát cánh dân tộc Lào anh em trong những năm tháng chiến tranh. Sự hiếu khách của người Lào cũng là “đặc sản” và bất cứ lúc nào cũng sẵn lòng thết đãi du khách một bữa cơm nếp thơm lừng kèm với món cá chiên kho được khai thác từ dòng Nậm-pnoi trong cảnh đầm ấm, yên bình.

Huyện lỵ Đắc Chưng là điểm đến cuối cùng trên chặng đường khám phá tây Trường Sơn từ Cửa khẩu Đắc Ốc bởi không dễ lên được Sê Kông bằng đường bộ trong mùa hạ ở Lào thường có những cơn mưa bất chợt. Nơi đặt huyện lỵ Đắc Chưng là một thảo nguyên xanh ngút tầm mắt. Đắc Chưng mang dấu ấn của một vùng đất vừa được khai mở khi hạ tầng cơ sở đang còn ngổn ngang nhưng sắc thái văn hóa bản địa ở đây thì chưa hề phai nhạt. Khu chợ Đắc Chưng là "điểm nhấn" ấn tượng của một huyện ở Hạ Lào, nơi bày bán nhiều mặt hàng thổ sản vùng cao như thịt khô, cá suối nhưng đặc biệt nhất vẫn là rượu nếp. Nước rượu trong veo đựng trong đủ loại chai lọ đã qua một lần sử dụng. Nhưng không dễ quên được hương vị thơm nồng của thứ gạo nếp được trồng ở vùng đất ba dan được nấu từ chính bàn tay của các cư dân ở tây Trường Sơn. Người ta cho rằng, thứ rượu này là ngọn nguồn cảm xúc của điệu nhảy lăm vông đầy ngẫu hứng của các bộ tộc Lào,  để những lời hẹn của sợi chỉ buộc ở cổ tay không quá xa xôi trong lòng mỗi du khách…
Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục