Non nước Việt Nam

Nghệ thuật cải lương Nam Bộ

Cập nhật: 17/09/2009 09:01:35
Số lần đọc: 2805
Cách đây khoảng 3 thế kỷ, Nam Bộ là một vùng đất mới, các lưu dân Việt trong quá trình Nam tiến đã tới khai phá và định cư lại ở vùng đất màu mỡ này, truyền thồng văn hoá cũng theo chân họ tới đây, tiếp tục phát triển trong hoàn cảnh mới đã tạo nên những nét văn hoá đặc sắc trong đó có nghệ thuật sân khấu cải lương.

Cải lương là một loại hình kịch hát hình thành trên cơ sở nhạc tài tử và dân ca Nam Bộ. Âm nhạc tài tử bắt nguồn từ sự kết hợp giữa nhạc dân gian và nhạc bác học (cụ thể là nhạc lễ và ca Huế) ở những loại bản lớn như Nam, Oán, Ngự. Điệu thức oán và hai điệu thức Bắc, Nam đã được kế thừa đủ sức phục vụ cho một sân khấu trữ tình hỷ, nộ, ái, ố. Thêm vào đấy là sự tiếp thu những đặc tính của dân ca Nam Bộ (giai điệu vừa là nhạc kể chuyện, vừa là nhạc đối đáp), đã tạo cho âm nhạc cải lương ngoài chất trữ tình, còn có chất tự sự, điều này đã làm nên đặc trưng nghệ thuật của sân khấu cải lương: đó là tính tự sự - trữ tình.

 

Do vậy, trong nghệ thuật biểu diễn, ca và nói đều giữ vai trò quan trọng như nhau: ca kết hợp với nói, nói giữa hai bài ca, hay nói ngay trong lòng bản của câu ca. Cải lương đã nảy sinh từ một phong cách âm nhạc hầu như không có liên quan gì đến sân khấu kịch hát truyền thống, nên âm nhạc cải lương có thể coi là yếu tố đặc trưng nhất của loại hình nghệ thuật này. Từ bản Tứ đại oán cho đến Dạ cổ hoài lang, Vọng cổ đều là những bản nhạc thuộc điệu thức oán - một điệu thức đặc sản tinh thần Nam Bộ, và đều là bài bản chủ chốt của âm nhạc cải lương, phát triển cùng với sự phát triển của sân khấu cải lương.

 

Sân khấu cải lương rất đa dạng về đề tài và phong cách biểu diễn: Nó có thể miêu tả được tất cả các loại đề tài của cuộc sống mà không bị các điều kiện của thể loại gò bó, kết hợp được chặt chẽ giữa tính hiện thực và tính ước lệ, cách điệu. Kết cấu của một vở cải lương bao giờ cũng gọn gàng, trọn vẹn, liên tục, hình ảnh nhân vật rõ ràng, chú ý nêu bật trọng điểm, cách bố cục gần với cuộc sống, đậm chất trữ tình, kết hợp được nhuần nhuyễn, chặt chẽ giữa tính dân tộc và tính phổ biến thế giới, do vậy cải lương dễ dàng đi vào các đề tài hiện đại, và đây là một thế mạnh của sân khấu cải lương trong hoàn cảnh hiện nay.

 

Nghệ thuật sân khấu cải lương ra đời trên mảnh đất Nam Bộ - cụ thể hơn là miền đồng bằng sông Cửu Long, trong vài thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Cách đây khoảng 3 thế kỷ, Nam Bộ là một vùng đất mới, các lưu dân Việt trong quá trình Nam tiến đã tới khai phá và định cư lại ở vùng đất màu mỡ này, truyền thồng văn hoá cũng theo chân họ tới đây, tiếp tục phát triển trong hoàn cảnh mới đã tạo nên những nét văn hoá đặc sắc.

 

Đời sống âm nhạc của người dân Nam Bộ cũng phát triển trên cơ sở của nền văn hoá ấy, do vậy sinh hoạt ca hát của cư dân ở đây rất phong phú đa dạng. Đầu thế kỷ XX, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân trên vùng đất mới ngày một tăng, những hình thức sân khấu trước đó chưa đáp ứng được (như nói thơ, nói truyện, hát bội...), đòi hỏi phải có một hình thức sân khấu mới, về nội dung tuồng tích gần gũi hơn với cuộc sống, về nghệ thuật phải thoả mãn được nhu cầu nghe ca và xem hát của khán giả. Trước tình hình đó, và trước ảnh hưởng của kịch nói Pháp, những màn ca ra bộ bắt đầu ra đời, đây là một hình thức trình diễn sân khấu: một ca khúc trong khi hát có cả minh hoạ bằng điệu bộ, là gạch nối của quá trình chuyển dần từ hình thái âm nhạc sang hình thái sân khấu.

 

Sau một thời gian ca ra bộ chuyển dần sang hát chập. Hát chập là cách hát nhiều người cùng biểu diễn một bài ca, hoặc nhiều bài nối tiếp có chung một cốt truyện, có các động tác biểu diễn linh hoạt, phong phú. Hát chập càng ngày càng phát triển, từ một vài bài ca, cho đến lúc nhiều bài ca kết nối lại thành một vở diễn tương đối hoàn chỉnh, và vở cải lương đầu tiên ra đời là vở Lục Vân Tiên.

 

Chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng 1910 - 1920) cải lương ra đời, vừa tiếp tục định hình vừa phát triển nhanh chóng, và ngay từ khi mới ra đời cải lương đã là một sân khấu có kịch bản, có tác giả, không có hiện tượng chồng lớp của nhiều thế hệ vô danh như tuồng, chèo. Các gánh cải lương đầu tiên xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long, rồi lần lượt các tỉnh Nam Bộ và Sài Gòn đều có, đến năm 1919 cải lương Nam Kỳ ra bắc, trước hết là ở Hà Nội, được các nghệ sĩ miền Bắc tiếp thu và học tập.

 

Từ đó đến nay, qua gần một thế kỷ phát triển, cải lương đã thu được nhiều thành tựu rực rỡ, và ngày càng khẳng định vai trò của mình trong cái nôi sân khấu truyền thống Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Website Bình Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT