Non nước Việt Nam

Hội đình Giang Võng - Nét văn hoá của người dân chài thuỷ cư trên vịnh Hạ Long

Cập nhật: 11/01/2010 09:01:57
Số lần đọc: 3433
Sau một thời gian sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng các vốn cổ, vào ngày 24, 25/12 (tức mồng 9, 10/11 âm lịch vừa qua), hội đình Giang Võng (phường Hà Khánh, TP Hạ Long), một trong hai đại lễ của người dân chài thuỷ cư trên Vịnh Hạ Long xưa kia, đã diễn ra theo đúng những nghi thức truyền thống.

Hội đình Giang Võng là để tưởng niệm công đức các vị thánh thần, tổ tiên và những người có công với dân với nước, đồng thời cầu xin những vị thần này phù hộ độ trì cho dân làng mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt, làng, xã đổi mới. Như vậy, sau hơn 50 năm không tổ chức hội lớn (hàng năm chỉ sửa các lễ nhỏ), nhiều giá trị văn hoá của hội đình đặc trưng cư dân vùng sông nước này bị mai một, đến nay hội đình Giang Võng đã được phục dựng lại một cách nguyên gốc.

 

Lễ rước nước, một hoạt động chính và cũng là nét độc đáo nhất của hội đình Giang Võng, đã được tái hiện một cách hoành tráng, quy mô. Bài vị vua Thuỷ tề và bình nước thiêng thờ trong đình đã được rước ra sông Cửa Lục bằng đội hình thuyền chải mang hình rồng, tàu ghép đôi, các chải nhỏ, hàng chục tàu thuyền máy mang cờ, nghi trượng v.v... Sau khi làm các thủ tục xin nước ngoài sông, đoàn rước còn được long trọng đưa, đón về đất liền bằng hai hàng bát biểu, tàn, lọng, đội lân, đội rồng, trống, chiêng, dàn nhạc bát âm v.v... Lễ rước nước đình Giang Võng mang ý nghĩa mời thần thuỷ phủ và các vị thánh linh về đình dự hội, cầu mong cho trời yên, biển lặng, nhiều cá tôm, ban cho người dân chài Hạ Long có cuộc sống no ấm, tránh được nhiều tai ương, hiểm hoạ. Khác với các lễ rước nước ở hầu hết các hội đình làng vùng ven biển và vùng nông nghiệp ở các nơi, lễ này thường nhằm mục đích xin phép tắm tượng, lau chùi ban thờ, đồ thờ, thậm chí có nơi còn sử dụng nước để tắm đình, thì ở đình Giang Võng nước được múc ngoài sông, nơi có dòng chảy, đón các đàn cá đi qua và được mang về kính cẩn thờ phụng tại đình. Tục thờ nước và rước bài vị vua Thuỷ tề ra sông tại đình Giang Võng đến thời điểm này có thể coi là được phục dựng đầu tiên và cũng là duy nhất trên địa bàn tỉnh.

 

Ngoài lễ rước nước linh thiêng, tưng bừng và độc đáo, hội đình Giang Võng còn diễn ra nhiều nghi thức cúng, tế, giải đua thuyền chải, các đám hát giao duyên, thi kéo co, vật dân tộc v.v... Trong đó hội đua chải thu hút rất đông người xem. Hội năm nay diễn ra giữa hai giáp của làng Giang Võng xưa là giáp Đông (đại diện là đội bơi của khu 7, khu 8 phường Cao Xanh) và giáp Tây (đội bơi của thôn 4, xã Lê Lợi, Hoành Bồ). Đây vừa là trò chơi trong hội song cũng là tục lệ không thể thiếu, thể hiện khí phách của những người dân sông nước...

 

Cùng với hát giao duyên, hát đám cưới trên biển, hội đình Giang Võng nằm trong Dự án phục dựng, bảo tồn và phát huy một số sinh hoạt văn hoá dân gian của ngư dân làng chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long, do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện từ năm 2006 đến nay. Theo anh Cao Đức Bình, người trực tiếp thực hiện tiểu dự án này cho biết: Hội đình Giang Võng xưa được làng quy định cứ 5 hoặc 10 năm tổ chức một hội lớn, phần lễ và phần hội đều được thực hiện rất quy mô, dân cả xã dù có làm ăn xa ở đâu hôm đó cũng về dự hội.

 

Hội đình Giang Võng là nét văn hoá đặc trưng tiêu biểu của những người dân chài thuỷ cư trên Vịnh Hạ Long. Nếu được gìn giữ và phát huy tốt hội đình sẽ là thành tố tôn vinh giá trị văn hoá của di sản thế giới này.

 

Đình Giang Võng còn gọi là đình Cái Đá, có thể được xây dựng vào cuối thế  kỷ XIX, khi thành lập xã Giang Võng. Đình có kiến trúc 3 gian bái đường, 3 gian hậu cung. Xưa kia được dựng ngay sát mép nước biển để tàu thuyền của dân làng có thể neo đậu ngay sát cửa đình cầu cúng, lễ bái, hội hè. Theo thời gian, kiến trúc và khung cảnh đình hiện nay đã thay đổi nhiều, hiện đình chỉ còn lại một gian hậu cung và nằm trong khu vực sản xuất của Công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ Quảng Ninh. Đình Giang Võng thờ thần núi, thần biển, Đức Thánh Trần, Đức ông Cửa Suốt, Đức ông Lục Đầu giang, Đức vua Cao Minh và quan cụ Hà Ráng cùng 3 quan giúp việc thần thánh và 7 cụ tổ của 7 dòng họ lớn trong làng, cũng là thành hoàng làng. Cùng với đình Trúc Võng của làng Trúc Võng xưa ở đối diện bờ sông bên kia, đình Giang Võng là công trình văn hoá cộng đồng biểu hiện khát vọng lên bờ của người dân vạn chài và cũng là bằng chứng về quy cách quản lý những cụm thuỷ cư lênh đênh trên biển của chính quyền phong kiến ngày xưa.

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT