Hành trang lữ khách

Về vùng cao ăn tết với thịt nướng, cơm lam

Cập nhật: 08/02/2010 13:02:13
Số lần đọc: 3571
Cơm lam, cái tên không lạ của đồng bào miền núi các tỉnh phía bắc. Còn với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao ở tỉnh ta thì cơm lam nó đơn giản là cơm nướng bằng ống tre, có lẽ xuất xứ của nó từ hồi chưa có công cụ sắt, nhôm, đồng… khi đó đồng bào dùng ống tre, ống lồ ô, ống nứa thay nồi, vì vậy không chỉ có cơm nướng trong ống mà thịt cũng nướng trong ống và canh cũng nấu trong ống.

Tôi đã từng nhiều lần lên vùng cao, vùng đồng bào K’ho ở Đông Giang, La Dạ… Những năm trước, nhiều gia đình dùng ống tre để nấu cơm, canh và nướng thịt. Vào năm 1998, lần đầu tiên tôi được ăn lá bép trộn với thịt nấu trong ống tre tại nhà ông Hoàng Sơn Nể nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đông Giang. Nấu lá bép với thịt cũng đơn giản, ông Nể cho lá bép xắt nhỏ cỡ 3 đến 5 cm, xắt thịt heo trộn đều rồi nhồi nhét vào đoạn ống tre dài khoảng 50 cm, sau đó đun lửa, lăn đều đến khi ống tre xém cháy là đồ ăn đã chín. Nấu cơm lam cũng tương tự như vậy, dùng ống tre một đầu hổng, đổ gạo lúa mẹ đã được ngâm vào ống, cho nước vào rồi dùng lá dong hay lá chuối nút kín lại, xếp và đốt cho đến khi ống tre xém cháy là cơm chín. Nghe thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Có người làm khi thì cơm sống, khi thì cơm nhão. Chính vì vậy, thức ăn nấu nướng trong ống tre, ống lồ ô phải có người chuyên làm mới ngon. Phải nói là thức ăn nấu, nướng trong ống tre ngon tuyệt, ai ăn cũng tấm tắc khen. Khi mở ống ra, cơm thơm ngào ngạt mùi gạo mới, mùi lá chuối, mùi tre tươi… khi tước cái vỏ ống ra thì một thỏi cơm trắng ngần gật gù trên tay, bẻ từng miếng nhỏ chấm với muối sả, muối ớt rừng, xé kèm một miếng thịt gà nướng thì quả là “sơn hào hải vị” .

 

Có hai kiểu nướng thịt, khi nướng thịt gà thì nướng trực tiếp trên bếp than củi nguyên con bằng cách mổ phanh ra, dùng 3 que tre xiên theo hình rẽ quạt rồi cắm dựng bên bếp than, khi chín ăn đến đâu xé đến đấy. Đối với thịt nai, thịt heo, thịt bò… thì thái miếng ướp gia vị rồi nhồi vào ống tre, nút bằng ruột lõi cây chuối, dựng quanh bếp than củi. Nước thịt được giữ lại trong ống, nước ống tre, nước nõn chuối ăn vào ngọt lịm cùng với hương vị ngày tết uống rượu cần thì tuyệt tác vô cùng. Ngày tết ở các xã vùng đồng bào DTTS tỉnh ta nhà nào cũng chuẩn bị từ 2 đến 5 ché rượu cần. Rượu cần là thứ nước uống quý nhất trong ngày tết, họ còn dùng để tiếp đãi khách quý từ các địa phương khác về vui tết với đồng bào.

 

Nghệ thuật ẩm thực ngày tết của đồng bào DTTS có rất nhiều món ăn lạ nhưng rất ngon như món canh lá bép nấu với thịt heo, món cá đồng nướng, gà nướng, gà nấu lá chua rừng… riêng món canh nấu ống tre thì thật tuyệt. Cũng không phải canh, mà là quả cà đắng trên rẫy của đồng bào. Quả cà này đắng tựa như khổ qua, đem về bổ ra nhét vào ống tre cùng với mấy con cá suối và ít muối, vài nắm lá rừng chua chua, ngọt ngọt, một chút nước rồi dựng quanh bếp cho đến nhừ. Cà mềm nhũn trộn với cá nhừ cả xương quyện với hương lá rừng, ăn với cơm lam ngon tuyệt.

 

Ngày nay, đồng bào ít dùng ống tre, ống lồ ô, ống nứa để nấu cơm lam, nướng thịt… mà đã dùng nồi bằng gang, bằng nhôm hay nấu bằng nồi cơm điện như người Kinh. Đồng bào cho rằng nấu cơm lam, nướng thịt bằng ống mất nhiều công và còn lạc hậu nữa. Tập tục tuy xa xưa nhưng mỗi khi có tiệc tùng trong làng, bản thì già làng huy động con, cháu đến nấu cơm lam, nướng thịt, nấu canh bằng ống tre. Tết Canh Dần này, lên vùng cao cùng đồng bào thưởng thức món ăn dân dã từ xưa sẽ thấy vô cùng hấp dẫn.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục