Hoạt động của ngành

Làng mộc Mỹ Xuyên (Thừa Thiên – Huế): Nơi hội tụ những tinh hoa truyền thống về nghề chạm khắc

Cập nhật: 15/09/2010 10:00:08
Số lần đọc: 3459
Nằm bên dòng Ô Lâu, làng Mỹ Xuyên thuộc xã Phong Hoà- huyện Phong Điền là một làng truyền thống của nghề mộc, chạm khắc mỹ nghệ. Theo một số tư liệu sử học, Nghề chạm khắc trên gỗ bắt đầu xuất hiện ở làng Mỹ Xuyên khoảng vào thế kỷ 19. Người khai sinh ra nghề này cho làng là ông Nguyễn Văn Thọ, con rể của làng. Ông Thọ, người gốc xứ Thanh vốn trước đây là nghệ nhân nổi tiếng của triều đình nhà Nguyễn. Sau đó ông đã kết duyên với bà Lê Thị Núc, người làng Mỹ Xuyên và sinh sống ở quê vợ để truyền nghề lại cho con cháu và người dân trong làng…

Nói đến làng mộc Mỹ Xuyên, sẽ rất nhiều người đề cập đến nhà thờ họ Lê Văn. Đây là dòng họ lớn và đóng vai trò quan trọng trong quá trình lập làng Mỹ Xuyên. Cùng với sự ra đời của hàng loạt kiến trúc đình chùa, miếu mạo ở thế kỷ 19 trên đất Thuận Hoá, nhà thờ họ Lê Văn được xây dựng vào năm 1881- đời Tự Đức thứ 34. Nhà thờ họ Lê Văn nằm ở vị trí trung tâm của làng, mặt quay về hướng Nam, trên một gò đất cao, bằng phẳng. Kết cấu xây dựng gồm 3 gian, 2 chái, diện tích 160 m2 với 4 bộ vì kéo được gắn kết trên 48 cột lớn chia làm 3 hàng. Tất cả hệ thống cột, kèo, đòn tay đều bằng gỗ, được các nghệ nhân là những con dân trong dòng họ chạm khắc một cách công phu. Tuy đã trải qua 2 lần trùng tu vào các năm 1928 và 1961 nhưng điều đáng quý là cho đến nay những giá trị về  mặt kiến trúc ban đầu vẫn gần như được giữ nguyên.

Có thể nói nhà thờ họ Lê văn là nơi hội tụ và bảo lưu những tinh hoa truyền thống về nghề chạm khắc của làng Mỹ Xuyên vào cuối thế kỷ 19. Mái của nhà thờ họ Lê Văn hơi ngang, tạo thành một hình khối nhẹ nhàng, phía trước và hai bên lợp ngói liệt, dùng kiểu đắp bờ nóc phụ ở lưng chừng mái. Ở mái trước được trang trí “ lưỡng long chầu nguyệt” cách điệu bằng vật liệu xi măng sành sứ. Với chức năng là nơi để tưởng niệm và thờ cúng tổ tiên của một dòng họ, công trình kiến trúc này mang phong cách nhà rường dân gian xứ Huế. Toàn bộ kết cấu bên trong của ngôi nhà là một khung gỗ mộng mẹo một cách  sít sao. Các cột cái, cột quân, cột hiên trong cùng một vì kèo được nối với nhau từng đôi một. Tất cả các vì kèo trong ngôi nhà được nối với nhau tạo thành mối liên kết ngang , gồm thượng lương, xà và hoành tử. Nhìn một cách tổng thể, các đề tài chạm khắc, trang trí trong nội thất của nhà thờ họ Lê Văn có phần hơi khiêm nhường và không đi vào các đề tài sinh hoạt về con người như ở một số di tích kiến trúc nghệ thuật khác. Với kiểu dáng , kỹ năng mỹ thuật, các đồ trang trí theo lối nghệ thuật đặc trưng của thời nhà Nguyễn, nhà thờ họ Lê văn đã phản ánh được tính chất của một dòng họ ở một làng quê có bề dày truyền thống văn hoá cũng như truyền thống ngành nghề.

Nhà thờ họ Lê văn còn là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật quý gía mà đặc biệt là văn bản chữ Nôm thời Lê Sơ- Lê Nhân Tông thứ 9/1451.Các tác phẩm điêu khắc được chạm khắc trên gỗ, trang trí bên trong nội thất của ngôi nhà đã phản ánh được sự phát triển của ngành nghề thủ công truyền thống của vùng đất này. Đây cũng là một di sản dân gian quý báu cùng với hệ thống làng cổ Phước Tích, làng đệm bàng Phò Trạch để tạo nên một hệ thống di sản bên dòng Ô Lâu…

Nguồn: website 2hue.net

Cùng chuyên mục