Hoạt động của ngành

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham dự Phiên họp Nhóm công tác Du lịch GMS lần thứ 53

Cập nhật: 24/04/2024 13:58:50
Số lần đọc: 367
(TITC) - Ngày 23/4/2024, tại TP. Lệ Giang, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp Nhóm công tác Du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 53 và Phiên họp Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Công. Cùng tham dự các phiên họp (trực tiếp và trực tuyến) có đại diện Vụ Kế hoạch, Tài chính và Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Toàn cảnh Phiên họp Nhóm Công tác Du lịch GMS lần thứ 53

Trưởng Đoàn Việt Nam phát biểu tại Phiên họp

Tại phiên họp, các nước GMS đã cập nhật về tình hình du lịch mỗi nước. Theo đó, Phiên họp đã ghi nhận kết quả tăng trưởng du lịch của các nước trong Tiểu vùng thông qua các kết quả thống kê du lịch (khách quốc tế, nội địa, tổng thu), cập nhật chính sách thị thực tạo thuận lợi du lịch, thị trường mục tiêu, các sáng kiến về du lịch thông minh, du lịch số, xúc tiến quảng bá, kế hoạch các sự kiện, hoạt động hợp tác trong năm 2024.

Đoàn Việt Nam báo cáo cập nhật tình hình du lịch Việt Nam tại phiên họp

Theo báo cáo của đoàn Việt Nam tại phiên họp, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, phục vụ 108,2 triệu lượt khách nội địa. Ba tháng đầu năm 2024, có 4,64 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, lượng khách nội địa đạt 30 triệu lượt. Mục tiêu đặt ra trong năm nay, du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 110 triệu lượt khách nội địa.

Những thị trường khách hàng đầu đối với du lịch Việt Nam là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan… 

Đặc biệt, từ 15/8/2023, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết thông qua việc chính thức thực hiện một số chính sách mới về thị thực và xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách quốc tế đến Việt Nam. Cụ thể, thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước với thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày, có giá trị nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân các nước được miễn thị thực đơn phương vào Việt Nam.

Trưởng đoàn các nước GMS chụp ảnh lưu niệm

Việt Nam cũng đã chia sẻ một số kênh truyền thông và mạng xã hội của du lịch Việt Nam nhằm phục vụ khách quốc tế như website quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam vietnam.travel; kênh Facebook Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Tất cả khẳng định, du lịch Việt Nam luôn sẵn sàng chào đón du khách và bạn bè quốc tế đến khám phá dải đất chữ S xinh đẹp, hấp dẫn.

Cũng tại phiên họp, Giám đốc MTCO trình bày báo cáo hoạt động của MTCO trong thời gian qua, tập trung vào kết quả các sáng kiến kỹ thuật số, triển khai Kế hoạch truyền thông phát triển du lịch GMS, kế hoạch công tác MTCO 2024, các dự án chung…

Đoàn Việt Nam đóng góp ý kiến đối với dự thảo lần 2 Chiến lược Du lịch GMS 2030 do chuyên gia Tư vấn ADB xây dựng

Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cập nhật Chương trình hỗ trợ kiến thức và tài chính của ADB cho du lịch GMS giai đoạn 2024 - 2026; Công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh GMS 2024 và các kết quả dự kiến; các sáng kiến khác để hỗ trợ du lịch Tiểu vùng. Đại diện đoàn Việt Nam cũng đã đóng góp ý kiến đối với dự thảo lần 2 Chiến lược Du lịch GMS 2030 do chuyên gia Tư vấn ADB xây dựng.

Phiên họp thảo luận về các dự án du lịch Tiểu vùng trong thời gian tới. Dự án  “Chương trình chứng nhận điểm du lịch - chứng nhận điểm đến xanh” tại GMS do DASTA (Thái Lan) là chủ dự án. Dự án được thực hiện từ Quỹ hợp tác Lan Thương - Mê Công do Trung Quốc tài trợ, trong giai đoạn 2023-2025. Nội dung hoạt động về xây dựng tiêu chí chứng nhận, xây dựng năng lực chứng nhận và thực hiện thí điểm chứng nhận. Dự án đặt mục tiêu xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận du lịch cho GMS. MTCO và DASTA ký MOU hợp tác trong thực hiện dự án này cùng với tổ chức đối tác khác về chứng nhận điểm đến xanh như AEN, Green Destination. Dự án “Thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo phục vụ phát triển du lịch di sản tại khu vực Mê Công-Creative4Mekong” do MTCO phối hợp với Học viện Mê Công (MI) triển khai, đã được Quỹ Mê Công - Hàn Quốc phê duyệt. Thời gian triển khai dự án 3 năm (3/2024-2/2026). Địa điểm thực hiện dự án tại 6 nước CLMTV và Hàn Quốc (tại Việt Nam, dự án chọn Huế). Dự án có 5 hoạt động và kết quả chính, gồm nghiên cứu thực trạng, hội thảo xây dựng năng lực, xây dựng nền tảng trực tuyến để xúc tiến quảng bá kết quả dự án, xây dựng tài liệu đào tạo và khuyến nghị chính sách, hội thảo. Đối tượng tham gia và thụ hưởng dự án là cơ quan quản lý di sản, du lịch, văn hoá, thương mại, tiêu chuẩn và chứng nhận cấp trung ương và địa phương; các doanh nghiệp MSMEs và các nghệ nhân. Các nước cho ý kiến đối với các nội dung hợp tác giữa MTCO và MI trong thực hiện dự án này. Ngoài ra, MTCO phối hợp với Trung tâm ASEAN-Nhật Bản triển khai Dự án tăng cường kỹ năng số cho phụ nữ trong cộng đồng làm du lịch tại các nước CLMV.

Các đại biểu dự Phiên họp chụp ảnh lưu niệm

Để xúc tiến chung du lịch Tiểu vùng, sau khi thảo luận, Phiên họp đã thống nhất chọn Trung Quốc làm thị trường để xúc tiến chung. Phiên họp giao MTCO hợp tác với CNT National Travel Magazine thực hiện quảng bá du lịch Tiểu vùng tại Trung Quốc. Thời gian dự kiến thực hiện trong tháng 5 và tháng 6/2024.

Phiên họp Nhóm công tác Du lịch GMS lần thứ 54 và họp MTCO dự kiến sẽ diễn ra tại Thái Lan vào tháng 11/2024.

Đoàn Việt Nam tham dự các Phiên họp

Triển lãm ảnh chủ đề “Thành tựu hợp tác du lịch GMS” bên lề các Phiên họp và Diễn đàn

Trung tâm Thông tin du lịch/Phòng Quan hệ quốc tế

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 24/4/2024

Cùng chuyên mục