Hoạt động của ngành

Bắc Kạn: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Cập nhật: 16/09/2020 15:08:30
Số lần đọc: 820
Với lợi thế nhiều danh lam, thắng cảnh và tiềm năng về du lịch cộng đồng, đặc biệt là Khu du lịch hồ Ba Bể, Bắc Kạn đang tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch.

Gian hàng nông sản OCOP của nhà hàng, nhà nghỉ Suối Đậu (Khang Ninh, Ba Bể).
 
2 năm gần đây, Bắc Kạn chủ trương kêu gọi đầu tư vào du lịch, đồng thời ban hành nhiều chính sách định hướng, khuyến khích phát triển lâu dài ngành du lịch. Nhờ đó, du lịch Bắc Kạn có những bước đi đúng, mang lại kết quả khả quan. Đến nay, nhiều nhà đầu tư lớn đã và đang đầu tư vào du lịch Ba Bể. Cụ thể như Công ty du lịch Sài Gòn, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch GREENCANAL Việt Nam, Tập đoàn FLC… Ngoài ra, du lịch cộng động, mô hình homstay phát triển mạnh dọc ven hồ Ba Bể; các dịch vụ đưa đón, hướng dẫn tham quan vùng hồ tạo nên một thị trường du lịch nhộn nhịp. Tổng lượt khách du lịch đến Bắc Kạn trong giai đoạn 2016-2020 ước đạt trên 2,4 triệu lượt, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 1.636 tỷ đồng. Thị trường khách du lịch của Bắc Kạn rất phong phú và đa dạng. Khách du lịch quốc tế đến Bắc Kạn chủ yếu đến từ các nước: Pháp, Đức, Hà Lan, Anh, Italia, Úc, Trung Quốc...
 
Song song với phát triển du lịch, Bắc Kạn đã chủ trương đẩy mạnh thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm ” và Đề án phát triển kinh tế tập thể lấy hợp tác xã làm mô hình nòng cốt. Chỉ trong 2 năm (2018 – 2019), bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hội nghị về phổ biến các nội dung Đề án OCOP; Tổ chức điều tra, thống kê đánh giá các sản phẩm truyền thống trên địa bàn; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 cơ sở, tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất, chế biến ra 105 sản phẩm nông sản thực phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó có 08 sản phẩm đạt 4 sao và 97 sản phẩm đạt 3 sao, nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như Cucumin Trịnh Năng, tinh bột nghệ của Công ty cổ phần nông sản Bắc Kạn, tinh bột nghệ của HTX Tân Thành, rượu chuối Tân Dân, miến dong Tài Hoan, gà thả đồi của HTX Trần Phú…
 
Để thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực thực hiện công tác xúc tiến thương mại. Cụ thể, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (sở Công thương) đã phối hợp với các công ty tổ chức hội chợ, tổ chức Hội chợ thương mại Bắc Kạn tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh; Tổ chức khảo sát, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn tại tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Lạng Sơn; thực hiện đề án “Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn” và tham gia các Hội chợ triển lãm trong nước như: Hải Phòng, Cao Bằng, Bắc Ninh, Thái Bình, Cần Thơ, Quảng Ninh và Thái Nguyên. Đồng thời, chú trọng đến các chương trình kết nối cung cầu sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn như tổ chức thành công Tuần lễ giới thiệu Hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2019, năm 2020 Hà Nội.
 
Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao – Du lịch đã tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn nhân dịp nghỉ lễ, tết tại Khu du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể. Việc tổ chức hoạt động giới thiệu, bày bán và trải nghiệm ẩm thực truyền thống các dân tộc tỉnh Bắc Kạn dịp lễ 30/4 và 1/5/2019, đã được thực hiện bài bản, công phu. Các huyện, thành phố đã chuẩn bị đủ lượng hàng hóa, sản phẩm OCOP theo nội dung đăng ký. Hoạt động trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn đã thu hút 51 tổ chức kinh tế tham gia trưng bày, giới thiệu và bán 119 sản phẩm các loại, thu hút được đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm các sản phẩm.
 
Đồng thời, trưng bày, giới thiệu và bày bán 71 món ăn đặc trưng truyền thống của đồng bào các dân tộc. Hầu hết các món ẩm thực đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, tính thẩm mỹ, trang trí đẹp mắt. Qua đó, thu hút được hàng nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm, thưởng thức và tiêu thụ tại khu hàng ẩm thực. Ngoài các gian hàng ẩm thực của các địa phương, lễ hội đã bố trí khu vực “Chợ quê” khoảng 700m2 để dành riêng cho Nhân dân vùng lân cận đến giới thiệu và bán các sản phẩm của địa phương (các loại bánh, hoa quả, rau rừng, thảo dược, đồ lưu niệm, sản phẩm thủ công truyền thống...), đây cũng là điểm thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, mua sắm và thưởng thức.
 
Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch ngay tại khu du lịch nổi tiếng hồ Ba Bể trong những ngày nghỉ lễ có ý nghĩa thiết thực, bổ sung không gian trải nghiệm của du khách đến với Bắc Kạn; góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, du lịch, miền đất, con người và các sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, từ đó thúc đẩy du lịch Bắc Kạn và ngành kinh tế nông nghiệp phát triển. Khi lễ hội kết thúc, hầu hết các nhà hàng, khách sạn tư nhân xung quanh khu vực hồ Ba Bể đã mở gian hàng nông sản mà chủ yếu là sản phẩm nông sản thực phẩm OCOP, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của du khách thập phương.
 
Ngoài ra, việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch được đánh giá sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó việc quan tâm, đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ thuận lợi hơn, giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững./.
 
 
Phan Quý
Nguồn: Báo Bắc Kạn

Cùng chuyên mục