Hoạt động của ngành

Bạc Liêu mùa nhãn chín

Cập nhật: 13/07/2021 15:09:42
Số lần đọc: 739
Nhắc đến xứ Bạc Liêu, du khách gần xa không chỉ nghĩ ngay về những giai thoại lẫy lừng của chàng Hắc Công tử nổi tiếng ăn chơi nhưng đầy nghĩa hiệp, về cánh đồng điện gió hùng vĩ trên biển… mà còn ấn tượng với vườn nhãn hơn trăm năm tuổi. Cứ đến tháng 7 hàng năm, Bạc Liêu lại có thêm vẻ đẹp của vườn nhãn cổ vào mùa đơm hoa kết trái.  


Biểu diễn đờn ca tài tử tại vườn nhãn cổ là cách làm hay để thu hút du khách. Ảnh: H.T

Độc đáo nhãn cổ trăm tuổi

Những ngày này, vườn nhãn trăm tuổi trải dài từ xã Hiệp Thành đến Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) đã bắt đầu nở rộ hoa, cho những chùm trái non. Mỗi “cụ” nhãn đều thi nhau tỏa ngát hương thơm, tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp. Dù không còn là những vườn nhãn bạt ngàn như trước, song nơi đây vẫn là điểm đến lý thú trong hành trình khám phá đất Bạc Liêu.

Điều khiến vườn nhãn cổ vương vấn bước chân du khách là nhờ sở hữu nhiều gốc nhãn cổ thụ, có cây lên đến hàng trăm năm tuổi. Tại một số khu vườn, nhiều cây nhãn có hình thù độc đáo, lạ mắt và gốc cây to đến nỗi hai người ôm không xuể. Theo lời kể của những cụ ông, cụ bà ở vùng này, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang hai giống nhãn Su-bic và Tu-huýt từ Trung Quốc về trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Cả hai giống nhãn đều thích nghi với thổ nhưỡng nên phát triển sum sê, cho trái to, vỏ mỏng, cơm giòn, thịt nhãn mọng nước và thơm ngọt. Cũng từ đó, tên gọi Giồng Nhãn ra đời và nhãn Bạc Liêu nổi tiếng gần xa.

Nhiều du khách cho biết, họ tìm đến vườn nhãn là vì muốn ngắm nhìn dáng vẻ của những “cụ” nhãn, thưởng thức hương vị thơm ngon của trái nhãn và hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên bình yên. Đặc biệt là ngược dòng thời gian để nghe những câu chuyện thú vị về quá trình hình thành Giồng Nhãn, về tình yêu của người dân với nhãn và sự thủy chung của nhãn với mảnh đất này.

Chị Lê Thanh Thúy - một người Bạc Liêu đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Mỗi lần về thăm quê, tôi đều cùng gia đình đi tham quan, vui chơi ở vườn nhãn cổ. Với tôi, nhãn Bạc Liêu vừa là một loại trái cây đậm đà tình quê, vừa chứa đựng trong đó những giá trị về văn hóa, lịch sử, hơn nữa cây nhãn như một chứng nhân cho biết bao sự lam lũ, khó nhọc và sự vươn lên từng ngày của người dân trên đất Giồng”.

Sớm bảo vệ để khai thác

Nhận thấy tiềm năng du lịch (DL) từ vườn nhãn cổ, năm 2012 UBND tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển DL. Khi đó, các hộ dân ở Giồng Nhãn quá đỗi vui mừng vì cây nhãn được tỉnh hỗ trợ chi phí chăm sóc, bảo vệ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ chỉ diễn ra một lần, sau đó Đề án được tổng kết vào năm 2017 và giao nhiệm vụ bảo tồn, phát triển DL nhãn cổ lại cho TP. Bạc Liêu.

Trong cuộc khảo sát hiện trạng nhãn cổ gần đây của thành phố, tổng số cây nhãn cổ còn sống là gần 220 cây, giảm khá nhiều so với thời điểm bắt tay thực hiện Đề án. Nguyên nhân khiến nhãn cổ bị phá bỏ, chết dần là do năng suất thấp, các hộ dân thiếu kinh phí cung cấp dưỡng chất cho cây hoặc chăm sóc không đúng kỹ thuật nên cây nhãn ngày càng già cỗi, hạn chế khả năng phát triển. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết nhãn cổ cần được quan tâm bảo tồn trước khi cây nhãn không còn đủ sức chống chọi với thời gian.

Để kịp thời bảo vệ nhãn cổ, Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Bạc Liêu đề xuất với UBND thành phố thành lập tổ quản lý các cụm nhãn cổ để xây dựng kế hoạch chăm sóc cụ thể, định kỳ theo dõi, hướng dẫn về mặt kỹ thuật cho các hộ dân nhằm giúp cây nhãn phát triển xanh tốt. Cùng với đó là tiếp tục hỗ trợ chi phí chăm sóc để bảo tồn, cứu lấy diện tích nhãn cổ còn lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển DL Giồng Nhãn thì việc quan trọng trước tiên là phải bảo vệ, giữ gìn cho được diện tích nhãn cổ. Đồng thời, kêu gọi đầu tư những dự án, dịch vụ hấp dẫn, nhất là hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân xây dựng loại hình homestay để hình thành sản phẩm DL sinh thái, nghỉ dưỡng và thưởng thức đờn ca tài tử, các món ẩm thực độc đáo của Bạc Liêu. Cùng với đó, Sở VHTTTTDL làm cầu nối mời các công ty lữ hành để quảng bá, kết nối tua tuyến với các vườn nhãn cổ./.

Hữu Thọ

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Cùng chuyên mục