Hoạt động của ngành

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Yên

Cập nhật: 30/05/2019 09:28:17
Số lần đọc: 984
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Phú Yên được triển khai có hiệu quả.
Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Yên - Ảnh 1.

Thanh niên dân tộc Ê Đê ở xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa vui hội cồng chiêng. Ảnh: Báo Phú Yên

Theo đó, từ năm 2014 đến 2018, mỗi năm tỉnh Phú Yên có trung bình 05 di tích được xếp hạng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 77 di tích được xếp hạng (trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh). Nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn được đầu tư tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị, trở thành điểm đến tham quan du lịch, nơi giáo dục truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của cộng đồng; trong đó có 2 di tích danh thắng: Gành Đá Đĩa và Mũi Đại Lãnh – Bãi Môn được đưa vào thu phí tham quan từ năm 2016, tạo nguồn kinh phí đóng góp vào ngân sách nhà nước và tái đầu tư cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích.

Hiện nay, UBND tỉnh Phú Yên đã có chủ trương cho phép Sở VHTTDL triển khai thực hiện 2 dự án: tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích Đền thờ Đào Trí (thị xã Sông Cầu) và xây dựng tượng danh nhân Lương Văn Chánh (huyện Phú Hòa).

Di sản văn hóa phi vật thể từng bước được kiểm kê, sưu tầm, phục dựng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 185 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, gồm các loại hình: tập quán xã hội và tín ngưỡng (54 di sản); nghệ thuật trình diễn dân gian (18 di sản); lễ hội truyền thống (21 di sản); nghề thủ công truyền thống (30 di sản); tiếng nói, chữ viết (01 di sản); ngữ văn dân gian (48 di sản); tri thức dân gian (13 di sản). Một số di sản quý báu của các dân tộc được phục dựng phục vụ công tác bảo tồn, phát triển du lịch và phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

Đã thực hiện một số dự án văn hóa phi vật thể như: Điều tra, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể vùng cửa sông Đà Diễn; Điều tra, khảo sát hệ thống di sản văn hóa lưu vực sông Ba; Sưu tầm, bảo tồn hò giã gạo địa bàn thị xã Sông Cầu; Sưu tầm, bảo tồn văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số; sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Phú Yên; sưu tầm, bảo tồn lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên.

Trong đó, có 04 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên (2014); Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên (2015); Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Ba Na huyện Đồng Xuân (2016); Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên (2018). Đặc biệt di sản Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 07/12/2017.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống được chú trọng. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương duy trì tổ chức thường xuyên các loại hình lễ hôi: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo và lễ hội văn hóa. Việc quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống gắn với lễ hội, gắn với nhân vật lịch sử được phát huy có hiệu quả nhằm tôn vinh giá trị văn hóa và giáo dục truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

 

Nguồn: www.bvhttdl.gov.vn

Cùng chuyên mục