Hoạt động của ngành

Ninh Bình: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Cập nhật: 31/05/2019 10:32:32
Số lần đọc: 1434
Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Xác định được vai trò và tầm quan trọng đó, trong những năm qua Ninh Bình đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững.

Ninh Bình có các hệ sinh thái đa dạng và phong phú, phân thành 5 hệ đặc trưng gồm: Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái gò đồi, hệ sinh thái vùng đồng bằng, hệ sinh thái các thủy vực và hệ sinh thái vùng ven biển. Các hệ sinh thái đều mang tính tiêu biểu về quần thể loài và quyết định tính đa dạng sinh học.

Từ quan điểm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, đảm bảo tính hệ thống, từ năm 2005 Ninh Bình đã xây dựng và phê duyệt Định hướng chiến lược phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 - 2010 và đến năm 2020, Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh đến năm 2020, Quy hoạch và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng của tỉnh Ninh Bình quản lý đến năm 2020.

Việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã dựa trên quy hoạch, kế hoạch đảm bảo phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và trên cơ sở phân vùng lãnh thổ, phân vùng chức năng phù hợp với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và môi trường.

Cùng với công tác quy hoạch, tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa chính sách, pháp luật về đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường như: Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 02/NQ-TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 14/4/2009 của UBND tỉnh về việc “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã trên địa bàn tỉnh”; Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 28/6/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 768/QĐ-UBND ngày 8/10/2012 của UBND tỉnh về phê duyệt chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ninh Bình đến năm 2020...

Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch và sự chỉ đạo của tỉnh, các ngành chức năng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về đa dạng sinh học, chung tay bảo vệ sự suy giảm đa dạng sinh học, tích cực trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, không săn bắn, sử dụng thực phẩm từ các loài động vật hoang dã, quý hiếm...

Đồng thời, tỉnh đã triển khai các biện pháp sử dụng bền vững và thực hiện các cơ chế chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Khuyến khích phát triển vùng đệm các khu bảo tồn bằng việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, hạn chế việc lấy gỗ củi, săn bắn động vật hoang dã của người dân sống trong và ven rừng.

Gắn phát triển du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tạo công ăn việc làm, vừa là một kênh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Điển hình tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã có cơ chế khuyến khích người dân tham gia nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng.

Hỗ trợ đầu tư cho các thôn, bản giáp ranh xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình hỗ trợ con giống phát triển kinh tế như nuôi ong, gà, hươu, lợn rừng, nhím, trâu, bò,... nhằm giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế-xã hội cho người dân.

Hay tại khu Ramsa Vân Long, Quần thể danh thắng Tràng An… đã sử dụng người dân sống tại vùng đệm và xung quanh để làm việc chở đò và hướng dẫn viên du lịch cho du khách.

Bên cạnh đó, Ninh Bình triển khai các công cụ quản lý kinh tế trong công tác bảo tồn, như thu kinh phí từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của các tổ chức, cá nhân có dự án chuyển đổi để đầu tư trồng rừng thay thế.

Thử nghiệm và nhân rộng mô hình cho thuê môi trường rừng để khai thác du lịch, phục vụ nhu cầu về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thay dần hình thức đầu tư bằng tiền của nhà nước. Tăng cường công tác kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Các sở, ban, ngành và các đơn vị có chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an và Kiểm lâm đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn toàn tỉnh.

Các tụ điểm kinh doanh, buôn bán các loài động vật hoang dã, quý hiếm đã cơ bản được xóa bỏ, các cơ sở nuôi nhốt, kinh doanh, các nhà hàng có sử dụng các sản phẩm chế biến từ các động vật hoang dã đã được kiểm soát nghiêm ngặt.

Các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường giao thông qua địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ. Tỉnh đã chú trọng công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các dự án và hợp tác quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với một số tổ chức phi chính phủ về các lĩnh vực bảo vệ rừng và đa dạng sinh học thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn cộng đồng về nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Tạo điều kiện để các tổ chức quốc tế hoạt động bảo tồn các loài động vật hoang dã, như: Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng tại Vườn Quốc gia Cúc Phương hàng năm đã nuôi dưỡng và thả về rừng hàng trăm con thú thuộc loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới; Trung tâm bảo tồn gấu Ninh Bình đã nuôi, chăm sóc và cứu hộ cho những cá thể gấu bị nuôi nhốt, trích mật, nạn nhân từ hoạt động buôn bán trái phép, góp phần chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Theo ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, với nhiều giải pháp trong bảo tồn thiên nhiên và phát triển đa dạng sinh học, hiện nay, nhiều hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh đã được bảo tồn và phát triển như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu Ramsar Vân Long, Rừng đặc dụng Hoa Lư...

Đặc biệt, UNESCO đã công nhận 7 xã ven biển thuộc địa giới hành chính huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thuộc vùng đệm và vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng vào năm 2004, Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, là di sản “kép” đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2014 và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được công nhận là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam.

Những nơi này hiện đang lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú với các loài quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế và nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới./.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục