Hoạt động của ngành

Bảo tồn, phát huy giá trị Vườn quốc gia Bái Tử Long

Cập nhật: 17/09/2020 09:58:13
Số lần đọc: 773
Vườn quốc gia Bái Tử Long có diện tích 15.783 ha, với phần đảo nổi là 6.125ha, hơn 80 đảo hợp thành 3 cụm đảo chính: Sậu, Trà Ngọ và Ba Mùn. Hệ sinh thái của Vườn phong phú bậc nhất Đông Nam Á với 6 hệ sinh thái rừng biển cơ bản: Rừng ngập mặn, rừng mưa nhiệt đới, rạn san hô, thảm cỏ biển, vùng bãi triều và vụng, hang động. Nơi đây có nhiều loài đặc biệt quý hiếm có giá trị khoa học, như: Đồi mồi, lim, lát hoa, kim giao, san hô, bào ngư, khỉ vàng, rùa biển…


Cán bộ Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long khảo sát hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Điều đặc biệt, trên đảo Ba Mùn có quần thể nai vàng. Đây cũng là quần thể duy nhất ở vùng Đông Bắc nước ta. Ba Mùn được coi là khu bảo tồn động vật hoang dã tự nhiên lớn nhất ở vùng Đông Bắc, là nơi đặt Trung tâm cứu hộ động vật biển lớn nhất miền Bắc nước ta…

Với những giá trị độc đáo, năm 2016 Vườn quốc gia Bái Tử Long được đề cử và công nhận là Di sản Đông Nam Á; năm 2017 được Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN.

Để bảo tồn và phát huy thế mạnh của Vườn quốc gia, thời gian qua, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long chủ động nghiên cứu khoa học để có giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Vườn. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, giới thiệu quảng bá và nâng cấp trang web nhằm cung cấp thông tin về giá trị, cảnh quan của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Đơn vị chủ động tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân về khai thác bền vững nguồn lợi gắn với phát triển du lịch sinh thái...

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vườn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và của tỉnh, chủ động nghiên cứu, phân loại tổng thể nguồn động, thực vật đặc hữu; tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi xâm hại sự đa dạng sinh thái rừng, biển. Trong 5 năm qua, cán bộ, nhân viên Vườn đã phối hợp với các ngành, chính quyền các xã vùng đệm, lực lượng chức năng địa phương tổ chức trên 1.600 lượt tuần tra, kiểm soát bảo vệ tài nguyên rừng, biển, cảnh quan và môi trường khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long. Qua đó, đã phát hiện 51 vụ vi phạm và xử lý hành chính hàng trăm triệu đồng.

Được thiên nhiên ưu đãi với những giá trị vượt trội về cảnh quan, thiên nhiên và hệ sinh thái, tuy nhiên Vườn quốc gia Bái Tử Long chưa phát huy hết giá trị, chưa phát triển mạnh thành điểm du lịch sinh thái. 

Theo cán bộ Ban Quan lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, năm 2019 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ hội để phát triển du lịch Vườn quốc gia Bái Tử Long, song vẫn đảm bảo được công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị tự nhiên. Theo đó, các hoạt động du lịch sinh thái được phép thực hiện trong khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long, như: Du lịch thám hiểm, mạo hiểm; du lịch dã ngoại, cắm trại, trải nghiệm là tham quan sinh thái rừng và hang động; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển; du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; du lịch kết hợp giáo dục môi trường…

Bám sát định hướng của Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long, đơn vị đang tập trung xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Dịch vụ du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường; xây dựng quy chế quản lý các hoạt động trong ranh giới Vườn; rà soát, xây dựng điểm, tuyến, giá vé tham quan để trình cấp có thẩm quyền thông qua. Trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại đây...

Quảng Ninh đang phát triển mạnh lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hướng đến mục tiêu đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 triển khai sẽ góp phần mở rộng không gian du lịch, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của Quảng Ninh.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục