Hoạt động của ngành

Bảo tồn và phát huy di sản: “Thực hành Then” sau vinh danh

Cập nhật: 27/12/2019 08:41:46
Số lần đọc: 1074
Lạng Sơn là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có di sản văn hoá “Thực hành Then” của đồng bào dân tộc Tày – Nùng – Thái vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Cùng với niềm vinh dự đó, người dân Xứ Lạng và các cấp chính quyền càng ý thức hơn trách nhiệm chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị để di sản then trở thành tài sản chung của nhân loại.

Di sản “Thực hành Then” của người Tày, Nùng Lạng Sơn (người Tày, Nùng chiếm hơn 83% dân số của tỉnh) là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian phục vụ nhu cầu tâm linh và các nghi lễ tín ngưỡng của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có 510 nghệ nhân “Thực hành Then”, trong đó có 62 nghệ nhân then nam và 448 nghệ nhân then nữ. Đặc biệt, tỉnh đã có 3 nghệ nhân nắm giữ di sản “Thực hành Then” được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.

Cùng với đó, Lạng Sơn đã xây dựng được trên 60 câu lạc bộ hát then, đàn tính với khoảng 1.500 thành viên tham gia. Về giai điệu then, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng then tiêu biểu như: Bắc Sơn – Bình Gia, Văn Quan – Chi Lăng, Tràng Định – Văn Lãng, thành phố Lạng Sơn – Cao Lộc… mỗi vùng then có phong cách, đặc điểm riêng và mang đậm bản sắc độc đáo của từng vùng trong các cuộc then.

Các Nghệ nhân Thực hành Then trong nghi lễ cấp sắc của người Tày, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan

Ngay sau khi di sản “Thực hành Then” được vinh danh, niềm vui, sự tự hào có lẽ là tâm trạng dễ thấy nhất ở những người làm công tác văn hóa, giới nghiên cứu và đặc biệt là cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng – chủ thể của di sản. Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Thủy Tiên, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Di sản “Thực hành Then” của Việt Nam được UNESCO ghi danh khiến tôi vô cùng vui mừng và tự hào vì “báu vật” của cha ông được trân trọng, tôn vinh. Là nghệ sĩ trưởng thành từ then, đang trực tiếp hướng dẫn học trò nối tiếp mạch nguồn câu then, tôi càng cảm thấy công việc của mình ý nghĩa và tự hào.

Với hơn 80 năm tuổi đời và 60 năm gắn bó với then, Nghệ nhân Nhân dân Mông Thị Sấm, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn bộc bạch: Then được vinh danh tôi cảm thấy vui lắm, nhưng mừng bao nhiêu thì lại càng thấy mình phải tâm huyết, gắn bó với then bấy nhiêu. Then không chỉ là nghi lễ tâm linh mà đó còn là đời sống văn hóa, tinh thần, là hồn cốt của đồng bào nơi đây. Vì thế, với vai trò là nghệ nhân nhân dân, tôi sẽ tiếp tục cố gắng truyền dạy tất cả những gì đã được cha ông truyền lại cho thế hệ con cháu với mong muốn tất cả mọi người dân Xứ Lạng nói riêng, người dân Việt Nam nói chung đều biết đến then, yêu then và gìn giữ di sản quý báu mà thế giới đã vinh danh.

Khi “Thực hành Then” được vinh danh, đó không chỉ là niềm vui của các nghệ nhân mà còn là niềm vui, tự hào của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng.

Theo ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, niềm vui, niềm tự hào được nhân lên nhưng trách nhiệm cũng tăng lên. Ngay sau khi “Thực hành Then” được UNESCO vinh danh, ngành văn hóa thể thao và du lịch đã xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Then”, trong đó vừa bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đồng bộ theo các quy định của Công ước UNESCO … vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trước mắt, ngành văn hóa thể thao và du lịch sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản tới cộng đồng trong nước và quốc tế nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đồng thời, tăng cường bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các tập tục và các giá trị của then cổ; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ những nghệ nhân đang nắm giữ di sản, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động “Thực hành Then” trong cộng đồng.

 

Nguồn: baolangson.vn

Cùng chuyên mục