Tin tức - Sự kiện

Biến nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm du lịch: Còn lắm gian nan

Cập nhật: 27/08/2020 08:17:05
Số lần đọc: 671
  Đa phần các đơn vị, các câu lạc bộ nghệ thuật tại Hà Nội đang vất vả trong hấp dẫn khách du lịch đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật.


Chương trình "Tâm hồn làng Việt".

Cuối năm 2016, Nhóm Xẩm Hà Thành xây dựng chương trình “Tâm hồn làng Việt” có độ dài 45 đến 60 phút, kể câu chuyện về một làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ từ sáng sớm đến tối khuya qua âm nhạc.

Trong chương trình này, khách du lịch được thưởng thức các loại hình âm nhạc dân tộc lồng ghép vào nhau là ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, hát Văn và quan họ. Chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch tại Rạp Hồng Hà và Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Theo nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, thành viên Nhóm Xẩm Hà Thành, chương trình nhận được phản hồi tích cực của khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Song, việc bán vé vô cùng vất vả cộng thêm việc không chủ động được địa điểm biểu diễn, diễn viên nên sau 2 năm phải dừng hoạt động.

“Chúng tôi bán vé vô cùng vất vả, gửi các tour, tuyến du lịch lúc đầu cũng có khách. Tuy nhiên, do không chủ động được vấn đề rạp biểu diễn, dù đã đặt rạp cả năm nhưng khi cần lại không có, nên thành ra khách muốn xem cũng không được, buộc phải hủy hợp đồng. Giá như có một không gian ở phố đi bộ, phố cổ để diễn thì tốt biết bao” - nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ.

Không có địa điểm diễn cố định đã đành, có những chương trình có địa điểm, thời gian diễn cố định cũng chưa thu hút được khách du lịch. Là đơn vị đi tiên phong trong việc phát triển du lịch nghệ thuật, từ năm 2015, nhà hát Chèo Hà Nội tổ chức chương trình “Long thành diễn xướng” tại số 15 Nguyễn Đình Chiểu.

Đây là sân khấu kết hợp chèo và múa rối nước, thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội, với thời lượng vừa đủ cho khách du lịch cảm nhận. Tuy nhiên, do vị trí biểu diễn của chương trình xa các điểm du lịch, lại chỉ có 2 suất diễn trong tuần, không phù hợp cho việc dẫn tua, nên “Long thành diễn xướng” chưa thu hút được nhiều khách.

NSND Thúy Mùi, Nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng: “Long Thành diễn xướng” ít ngôn từ, ít lời thoại mà hành động sân khấu rất nhiều. Đấy là một chương trình hay mà khán giả ít biết đến. Việc tuyên truyền quảng bá chưa tốt. Trong khi khách du lịch chỉ thích rối nước Việt Nam, còn các bộ môn nghệ thuật khác ít quan tâm”.

Hiện nay, chỉ một số đơn vị hoạt động tương đối hiệu quả, như Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội), sân khấu Múa rối nước Rồng Vàng (TP Hồ Chí Minh), Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế (Thừa Thiên-Huế); còn lại đa phần hoạt động manh mún, èo uột.

Đa phần các đơn vị, các câu lạc bộ nghệ thuật tại Hà Nội đang vất vả trong hấp dẫn khách du lịch đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Dù các nhà hát, câu lạc bộ đã ý thức kết nối với doanh nghiệp lữ hành nhưng do chưa hiểu sâu về nhu cầu, thị hiếu của khách để tổ chức những chương trình hoàn hảo, các dịch vụ phục vụ phù hợp.

Theo NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nước ta có thế mạnh về nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống - “mỏ vàng” tiềm ẩn để phát triển du lịch. Trong đó, các đơn vị nghệ thuật là nơi nắm giữ “chìa khóa” để mở cánh cửa khai thác. Tuy đã xây dựng chương trình hướng đến phục vụ khách du lịch, song để khai thác hiệu quả nguồn lực đặc biệt này, các đơn vị nghệ thuật truyền thống nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung cần đổi mới mạnh mẽ hơn, qua đó tạo ra sức hút mới hơn.

“Chúng ta phải có sáng tạo. Chúng ta phải tạo thành những sản phẩm chứ không phải mang ra những cái đã có sẵn. Vì hiện nay, tiêu chí của xã hội cũng như trào lưu của thế giới là họ cần những sản phẩm mang tính chất giải trí. Nếu chúng ta lồng ghép được những yếu tố truyền thống vào thì đó là sự thành công và đó tạo ra những sản phẩm riêng biệt, tạo ra ấn tượng riêng cho từng địa phương có sản phẩm đấy”.

Trong khi các sân khấu, điểm biểu diễn vắng bóng khán giả thì hướng đi có thể kỳ vọng nhất cho những người làm nghệ thuật là biến chương trình biểu diễn thành sản phẩm du lịch. Lợi ích kép có thể thu được từ việc quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống và hơn cả là một nguồn thu để sân khấu, điểm biểu diễn thường xuyên sáng đèn, người nghệ sỹ có thể sống được với đam mê của mình. Lợi ích là vậy nhưng để hiện thực hóa ý tưởng này vẫn là câu chuyện không hề đơn giản.

Nguồn: VOV.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT