Non nước Việt Nam

Bình Định: Chung sức bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người Bana Kriêm

Cập nhật: 17/01/2024 13:53:37
Số lần đọc: 780
Nghề dệt thổ cẩm của người Bana Kriêm tỉnh Bình Định đã có từ rất lâu. Tại các làng vùng cao, bà con vẫn lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay. Trong quá trình kinh tế hội nhập, người Bana Kriêm cũng đang nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh truyền tải về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Bana Kriêm

Ông Yang Danh, Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Bình Định chia sẻ: “Từ khi có Đảng, Bác Hồ, nghề dệt thổ cẩm cũng như tấm vải, trang phục truyền thống của người Bana Kriêm mới được phát triển, phục vụ thiết thực cộng đồng. Thấy được tầm quan trọng của bộ thổ cẩm, năm 1955 nhân dịp gặp các cán bộ dân tộc thiểu số miền Nam ra miền Bắc, Bác Hồ đề nghị Chính phủ may bộ áo đúng trang phục truyền thống của từng dân tộc để tặng cho các cán bộ. Ông Đinh Tôn, người Bana Kriêm được vinh dự nhận món quà này. Hiện nay, tấm áo truyền thống của người Bana Kriêm do Bác Hồ tặng vẫn còn giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định”. Theo ông Yang Danh, ngoài trang phục truyền thống chung, còn có bản sắc riêng, chất liệu riêng, kiểu dáng và hoa văn riêng của từng dân tộc, từng vùng miền. Và khi chúng ta nhìn vào trang phục, có thể nhận biết được đó là dân tộc nào, ở đâu và là niềm vinh dự, tự hào của mỗi dân tộc sống trên đất nước Việt Nam.

Hiện nay còn khá nhiều nghệ nhân người Bana Kriêm biết nghề dệt thổ cẩm, làng ít thì còn 3-4 người, làng nhiều phải tới 7-8 người. Những nghệ nhân biết chế tác các dụng cụ, công đoạn trong khung dệt thổ cẩm truyền thống thì làng nào cũng còn có vài người lớn tuổi biết làm và có khung dệt, nhiều chị em sẽ dệt, thêu tạo ra nhiều sản phẩm vải vóc, các bộ trang phục truyền thống như chăn đắp, váy, áo, khăn quấn đầu... Để lại ấn tượng nhất trong công tác bảo tồn đó là khoảng 80% các em học sinh ở các trường bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, tỉnh có bộ trang phục truyền thống, thường được sử dụng dịp chào cờ vào sáng thứ Hai hằng tuần, vào các ngày lễ, ngày hội do nhà trường tổ chức.

Tuy nhiên, hiện nay nghề dệt thổ cẩm cũng như trang phục truyền thống của cộng đồng người Bana Kriêm đã và đang mai một dần. Ngày nay cùng với chủ trương mở cửa hội nhập quốc tế, nhiều loại sản phẩm vải vóc, quần áo đẹp và bền được vận chuyển từ miền xuôi lên vùng cao miền núi để giao thương với đồng bào… Bởi thế, nhiều người nhất là nam, nữ thanh niên xa dần những bộ trang phục truyền thống của ông bà, cha mẹ đã để lại.

 

Người Bana Kriêm bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Nghệ nhân Đinh Thị Hiền, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạch bày tỏ: “Ngày trước, mỗi thời điểm tổ chức lễ hội làng, dù lớn hay nhỏ tất cả mọi người già trẻ gái trai đều được mặc trang phục truyền thống, trông như một rừng hoa đủ màu sặc sỡ. Nay hình ảnh rừng hoa đủ màu sắc đó không còn thấy nữa. Song gần đây, một vài làng đã xây dựng được ngôi nhà đa năng, vừa là nơi để truyền nghề dệt đồng thời cũng là nơi để trao đổi, trưng bày và mua bán những sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm. Có nơi thành lập được câu lạc bộ dệt thổ cẩm, tuy vậy hoạt động không mấy hiệu quả, người tham gia dệt thổ cẩm không nhiều, chưa kể mặt hàng làm ra rất ít khách hàng tìm đến”.

Trước thực trạng trên, năm 2023 Sở VHTT Bình Định đã tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho 60 học viên là công chức văn hóa xã, trưởng thôn, làng, người có uy tín, đồng bào dân tộc Bana (nhóm Bana Kriêm) ở địa phương.

Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: “Tại lớp tập huấn, các học viên được truyền đạt các nội dung: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch của tỉnh; công tác quản lý nhà nước về văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số; thực trạng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Bana Kriêm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh; giới thiệu quy trình dệt thổ cẩm và tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Bana Kriêm gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho bà con; truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Bana Kriêm tại Nhà văn hóa thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp”.

Theo bà Thảo, giới thiệu quy trình dệt thổ cẩm và tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Bana Kriêm gắn với phát triển du lịch, là một trong những hoạt động thực hiện Quyết định số 3899/QĐ-UBND ngày 23.11.2022 của UBND tỉnh Bình Định nhằm triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025.

Phan Hiếu

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Ngày 17/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT