Non nước Việt Nam

Sóc Trăng: Gìn giữ và phát triển làng nghề, nghề truyền thống

Cập nhật: 16/01/2024 09:45:13
Số lần đọc: 811
Từ nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động, chỉ còn lại “chiếc bóng” của thời vàng son cùng với sự níu giữ của những nghệ nhân và người dân hết lòng gắn bó với nghề vì đam mê, vì mong muốn lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dân tộc. Để bảo tồn, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống cần giải pháp nào khắc phục khó khăn?


Trăn trở với làng nghề

Những ngày giáp tết Nguyên đán năm 2024, đến làng bánh tráng xóm bà Lèo, ấp Vĩnh Xuyên, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), chúng tôi không còn thấy được cảnh tất bật, khẩn trương của làng bánh tráng chuẩn bị cho mùa Tết. Hơn 10 năm trước, làng bánh tráng xóm bà Lèo có hơn trăm nhà làm bánh tráng, nhất là vào mùa Tết, từ sáng sớm các nhà làm bánh đã “đỏ lửa”, khẩn trương ngâm gạo, pha bột, tráng bánh, chuẩn bị giàn phơi… Nhưng nay, ở xóm bà Lèo, số hộ còn bám nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, hình ảnh người dân với vẻ bận rộn bên những phên bánh tráng nối tiếp từ ngoài sân đến các bãi đất trống chỉ còn là câu chuyện của quá khứ.

Cũng như làng nghề bánh tráng, hiện ở huyện Mỹ Xuyên, làng nghề nấu rượu Bãi Xào, ấp Châu Thành, thị trấn Mỹ Xuyên, làng nghề đan đát ấp Giồng Có, xã Tham Đôn và làng nghề đan đát giỏ bẹ ấp Hòa Mỹ, thị trấn Mỹ Xuyên hiện cũng chỉ duy trì hoạt động ở mức trung bình với vài ba hộ giữ nghề; còn làng nghề đan đát ở ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên đã ngưng hoạt động. Nhiều năm qua, các làng nghề không mở rộng, phát triển lại thêm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hộ kinh doanh làng nghề gặp khó khăn phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất.

Làng nghề đan lưới ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: Xuân Nguyên

Nhớ lại những năm 1990, làng nghề vẽ tranh trên kiếng ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) có hơn 100 hộ dân làm nghề, nhưng hiện nay ở nơi đây có lẽ chỉ còn gia đình bà Triệu Thị Vui gắn bó với nghề. Kể về thời vàng son của làng nghề vẽ tranh trên kiếng, bà Vui trải lòng: “Hơn 30 năm về trước, tranh kiếng rất đắt hàng, nhiều gia đình phải mướn ghe chở đi bán khắp các tỉnh, thành miền Tây. Khi đó, các hộ làm nghề vẽ tranh đều có cuộc sống ổn định. Nhưng những năm sau này, công nghệ phát triển, tranh kiếng khó cạnh tranh với các loại tranh hiện đại khác nên dần vắng bóng trên thị trường, thu nhập từ nghề vẽ tranh giảm, dần dần nhiều người đã bỏ nghề. Hiện nay, mỗi tháng tôi chỉ thu nhập được khoảng 4,5 triệu đồng từ việc bán tranh, chủ yếu là các mối quen đặt hàng. Thật ra, tôi còn gắn bó với nghề là vì đam mê và để gìn giữ nghề truyền thống của gia đình”.

Một hộ dân ở Ấp 13, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) còn gắn bó với nghề dệt chiếu lác. Ảnh: Xuân Nguyên

Trăn trở với sự mai một của các làng nghề ở địa phương, đồng chí Trần Trang Nhã - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị cho biết, ở xã Vĩnh Lợi, làng nghề dệt chiếu lác có lịch sử lâu đời ở Ấp 16/2 đã ngưng hoạt động, hiện chỉ còn được 1 - 2 hộ ở Ấp 13 còn duy trì làm nghề dệt chiếu; các nghề trầm lá dừa nước ở xã Thạnh Tân, Lâm Tân, nghề thủ công mỹ nghệ ở Ấp 3, thị trấn Phú Lộc cũng chỉ còn trong ký ức. Sự mất dần của các làng nghề là do vùng nhiên liệu bị thu hẹp, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp có mẫu mã mới đẹp, đa dạng, thị trường tiêu thụ khó, sản phẩm không còn được ưa dùng làm cho thu nhập người dân bấp bênh, không tha thiết với nghề.

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng, hiện tỉnh có 12 nghề truyền thống được công nhận theo Quyết định số 71/QĐ-UBND, ngày 29/2/2008 của UBND tỉnh Sóc Trăng vẫn còn hoạt động, nhưng số hộ giữ nghề rất hạn chế. Đối với 13 làng nghề được công nhận theo Quyết định số 71/QĐ-UBND, hiện chỉ còn 8 làng nghề hoạt động nhưng duy nhất chỉ có làng nghề trồng và sơ chế nấm rơm ở xã Tân Long và Long Tân, thị xã Ngã Năm có số hộ tham gia làm nghề đáp ứng đủ tiêu chí theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Về 12 làng nghề truyền thống được công nhận theo Quyết định số 71/QĐ-UBND hiện có 3 làng nghề ngưng hoạt động; trong 9 làng nghề truyền thống còn lại đang hoạt động thì hết 7 làng nghề số hộ tham gia làm nghề không đáp ứng đủ tiêu chí theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các làng nghề, nghề truyền thống

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, công nghệ sản xuất tiên tiến với các sản phẩm công nghiệp đa dạng, mới mẻ là một sức ép đối với các làng nghề truyền thống. Ngoài ra, sự manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết giữa các làng nghề, việc quảng bá thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm nghề hạn chế, thiếu lực lượng kế thừa, sản phẩm bán ra ít, sinh kế của người làm nghề không ổn định... khiến cho các làng nghề gặp khó. Để duy trì, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống còn rất nhiều việc phải làm.

Các sở, ngành, địa phương khảo sát hoạt động làng nghề đan đát ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: Xuân Nguyên

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, trong năm 2023, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ, thủ tục công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Sau khi nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn. Mới đây, tỉnh đã công nhận thêm 4 nghề truyền thống gồm: nghề dệt chiếu lác tại ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề; nghề dệt chiếu tại ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm; nghề làm mắm cá đồng tại ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Bình và nghề làm mắm cá đồng ấp Vĩnh Phong, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm.

Ngành chức năng và các địa phương cũng nỗ lực triển khai kế hoạch thu hút nghệ nhân tham gia các hoạt động đào tạo nghề chuyên sâu, truyền nghề cho thế hệ kế cận, bảo tồn làng nghề truyền thống. Tiên phong là huyện Châu Thành, trước thực trạng nghề vẽ tranh trên kiếng truyền thống đang dần mai một, UBND xã Phú Tân đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng và nghệ nhân Triệu Thị Vui mở lớp dạy nghề vẽ tranh trên kiếng cho các em nhỏ ở địa phương, qua đó phát hiện được 4 em có năng khiếu và đam mê.

Khai thác tiềm năng du lịch của các làng nghề cũng được xem là giải pháp kích thích sự phát triển của sản phẩm làng nghề. Vừa qua, Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức đoàn tham quan đến trải nghiệm, giao lưu với các nghệ nhân đan đát tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, nơi vẫn còn gìn giữ và phát triển nghề đan đát. Theo đồng chí Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, cùng với xu thế hội nhập và mở cửa, du lịch làng nghề là một hướng đi triển vọng để phát triển kinh tế, du lịch của địa phương. Việc tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm nghề và làng nghề truyền thống để cảm nhận giá trị văn hóa đặc trưng, liên kết các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn, gắn các sản phẩm nghề với các điểm du lịch cũng là giải pháp hữu hiệu để gìn giữ, phát triển các làng nghề. Để các giá trị văn hóa nghề truyền thống không bị mai một, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thường xuyên tạo điều kiện cho các hộ dân ở làng nghề, nghệ nhân tham gia các hoạt động trưng bày sản phẩm, trình diễn nghề truyền thống tại các sự kiện văn hóa như: festival làng nghề truyền thống, hội chợ xúc tiến thương mại, lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc… tổ chức trong và ngoài tỉnh.

Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, trong năm 2023, đoàn khảo sát liên ngành tỉnh đã đi khảo sát tình hình hoạt động của nghề truyền thống, làng nghề trên địa bàn tỉnh, qua đó nắm bắt hiện trạng của các làng nghề, đồng thời ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các ban ngành, địa phương. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có các chính sách, định mức, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các nghề truyền thống, làng nghề; đầu tư máy móc, thiết bị, tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề theo công nghệ xử lý hiện đại để nâng chất lượng sản phẩm. Đối với các nghề lò rèn, nghề sản xuất than cần được quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, có biện pháp xử lý môi trường. Việc tổ chức lại sản xuất làng nghề theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chuỗi giá trị để cung cấp các dịch vụ cho các cơ sở sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm… cũng được đề xuất để gìn giữ, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống.

Xuân Nguyên

Nguồn: Báo Sóc Trăng - baosoctrang.org.vn - Đăng ngày 14/01/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT